Tiêm trưởng thành phổi được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới năm 1972. Từ đó đến nay, phương pháp tiêm trưởng thành phổi đã trở nên phổ biến, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ suy hô hấp cấp, tử vong và các bệnh tật khác ở trẻ sinh non.
1. Tiêm trưởng thành phổi là gì?
Tiêm trưởng thành phổi là phương pháp giúp phổi thai nhi phát triển nhanh chóng hơn, tránh nguy cơ trẻ sinh non bị suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ về chức năng. Thuốc trưởng thành phổi cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hệ thống, xuất huyết não, chậm phát triển, tử vong ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng.
Thuốc tiêm trưởng thành phổi hiện nay là các thuốc thuộc nhóm corticosteroid. Trong đó, hai thuốc được sử dụng phổ biến là Dexamethasone và Betamethasone. Ưu điểm của hai loại thuốc này là:
- Khả năng ức chế miễn dịch yếu
- Tác dụng kéo dài hơn hydrocortison
- Thuốc qua nhau thai tốt
- Thuốc không tồn tại lâu trong hệ tuần hoàn của trẻ (40 giờ).
Phương pháp tiêm corticosteroid cho thai phụ nhằm kích thích sự trưởng thành phổi thai nhi được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1972. Từ đó đến nay, phương pháp đã được áp dụng rộng rãi và thu được nhiều kết quả thành công tốt đẹp. 12 nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện từ 1972 đến 1989 trên 3000 phụ nữ sinh non, số phụ nữ này được chia thành hai nhóm, một nhóm sử dụng betamethasone và một nhóm dùng giả dược. Kết quả cho thấy, corticosteroid giúp làm giảm 50% nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sinh non trước tuần 31 của thai kỳ. Năm 2000, Hội thảo về Hiệu lực của điều trị corticosteroid trước sinh cho trưởng thành thai nhi của Học viện y khoa quốc gia Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định vai trò của tiêm thuốc trưởng thành phổi trong làm giảm nguy cơ suy hô hấp cấp, nguy cơ tử vong và các bệnh tật khác ở trẻ sinh non.
2. Tác dụng thuốc trưởng thành phổi?
Thuốc trưởng thành phổi sau khi được tiêm vào cơ thể thai phụ sẽ qua nhau thai để đến cơ thể thai nhi. Tác dụng thuốc trưởng thành phổi là:
- Kích thích sự tổng hợp và phóng thích surfactant vào phế nang thai nhi. Trong thai kỳ bình thường, surfactant là hoạt chất chỉ xuất hiện khi thai nhi được 32 tuần tuổi. Surfactant giúp làm giảm sức căng bề mặt ở phế nang sau khi trẻ được sinh ra, giúp các phế nang luôn mở để trao đổi khí. Nếu thiếu surfactant sẽ tăng nguy cơ xẹp phổi, suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.
- Tiêm trưởng thành phổi còn giúp kích thích thể tích phổi tăng lên và giảm lượng chất lỏng trong phổi.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
3. Tiêm trưởng thành phổi trong những trường hợp nào?
Tiêm trưởng thành phổi được thực hiện khi bác sĩ xác định thai phụ có dấu hiệu sinh non hoặc có nguy cơ cao sinh non.
Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non gồm:
- Xuất hiện những cơn gò tử cung gây đau với tần suất thường xuyên
- Ra máu hoặc chất nhầy màu hồng ở âm đạo, đau thắt lưng, trì nặng bụng
- Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy có sự biến đổi ở cổ tử cung
- Vỡ ối, đau tức vùng xương chậu
Một số nguyên nhân gây sinh non thường gặp đó là :
- Thai phụ có dị tật tử cung bẩm sinh, hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, u xơ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu, đã có tiền sử sinh non,...
Các nguyên nhân từ thai như: đa thai, đa ối, vỡ ối, rỉ ối, thai bị nhiễm khuẩn ối, thai có khuyết tật, thai được thụ tinh trong ống nghiệm,...
Tuy nhiên có hơn 50% các trường hợp sinh non không xác định được nguyên nhân, do đó thai phụ cần khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được khám và điều trị kịp thời, tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi nếu cần thiết.
4. Khi nào nên tiêm thuốc trưởng thành phổi?
Tiêm trưởng thành phổi được thực hiện từ tuần thứ 24 đến 34 của thai kỳ. Nếu sau khi tiêm thuốc 7 ngày mà thai phụ vẫn chưa sinh và vẫn còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tiếp theo thì thai phụ sẽ được tiêm nhắc lại 1 đợt.
Liều lượng tiêm mỗi đợt như sau:
- Betamethasone: 12mg/liều tiêm bắp, tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 24 giờ
- Dexamethasone: 6mg/liều tiêm bắp, tiêm 4 liều, mỗi liều cách nhau 12 giờ.
Tiêm trưởng thành phổi không khuyến cáo tiêm theo định kỳ hay tiêm nhiều hơn 2 đợt. Nếu thai nhi sau 34 tuần thì không cần thiết phải tiêm trưởng thành phổi, vì thuốc lúc này không còn tác dụng.
5. Tiêm trưởng thành phổi có thể gây các tác dụng phụ gì?
Ngoài những lợi ích thuốc mang lại, tiêm trưởng thành phổi bằng corticosteroid cũng có thể gây các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi như:
- Gây suy thượng thận ở mẹ, có trường hợp báo cáo về suy thượng thận ở trẻ sơ sinh nhưng hiếm gặp.
- Người mẹ có thể gặp sốc phản vệ, dị ứng, hạ huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng khi tiêm trưởng thành phổi.
- Gây tăng đường huyết bắt đầu từ mũi tiêm đầu tiên và kéo dài trong khoảng 5 ngày. Do đó thai phụ cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ để tránh nguy cơ sau khi tiêm không kiểm soát được đường huyết.
- Sử dụng từ 3 liều Betamethason trở lên có thể liên quan đến tình trạng tăng động ở trẻ sau này. Dùng nhiều liều dexamethasone, thai nhi có nguy cơ nhiễm độc thần kinh.
Do có nhiều nguy cơ, nên tiêm trưởng thành phổi chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ. Thai phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ sau tiêm để đề phòng các tai biến có thể xảy ra.
Nếu bạn có tiền sử sinh non hoặc có các dấu hiệu sinh non thì bạn nên thực hiện khám thai định kỳ, đồng thời lựa chọn các phương pháp chăm sóc thai sản trọn gói để cả thai kỳ các bác sĩ đều có thể nắm được tiền sử bệnh và có hướng theo dõi, điều trị và hạn chế các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.