Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Dược sĩ lâm sàng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Thuốc Flixotide là thuốc chứa thành phần fluticasone propionat, là một loại corticosteroid có tác dụng trong điều trị và dự phòng hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
1. Công dụng của thuốc Flixotide
Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và giảm tần suất đợt kịch phát hen, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những bệnh nhân được điều trị trước đó chỉ bằng thuốc giãn phế quản đơn thuần hoặc bằng liệu pháp điều trị dự phòng khác.
Hiện nay, Cục quản lý Dược Việt Nam cấp phép lưu hành cho một số dạng bào chế của Flixotide: Hỗn dịch hít khí dung Flixotide Nebules 0,5mg/2ml và thuốc dạng phun mù định liều (bình xịt định liều) Flixotide Evohaler 125mcg chứa 120 liều xịt...
2. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Flixotide
- Đối với Bình xịt định liều Flixotide Evohaler
- Người lớn và trẻ trên 16 tuổi: 100 - 1000 microgam × 2 lần/ngày.
Bệnh nhân nên sử dụng liều khởi đầu một cách thích hợp tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh:
+ Hen nhẹ: 100-250 microgam × 2 lần/ngày.
+ Hen vừa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 250-500 microgam × 2 lần/ngày.
+ Hen nặng: 500-1000 microgam × 2 lần/ngày.
Sau đó có thể điều chỉnh liều cho đến khi đạt được kiểm soát hay giảm đến liều thấp nhất có hiệu quả, tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Trẻ từ 4 tuổi trở lên: 50-200 microgam × 2 lần/ngày. Nhiều trẻ hen được kiểm soát tốt khi sử dụng liều 50-100 microgam × 2 lần/ngày. Đối với những trẻ mà ở liều này không đủ để kiểm soát bệnh hen, hiệu quả điều trị có thể đạt được khi tăng liều đến 200 microgam × 2 lần/ngày.
Nên dùng liều khởi đầu cho trẻ một cách thích hợp tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Sau đó có thể điều chỉnh liều khi đạt được kiểm soát hoặc giảm đến liều thấp nhất có hiệu quả tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Trẻ từ 1 đến 4 tuổi: 50-100 microgam × 2 lần/ngày dùng qua buồng đệm dành cho trẻ em cùng với mặt nạ (Ví dụ: BABYHALERTM) đạt được kiểm soát tối ưu các triệu chứng của bệnh hen.
Cách sử dụng:
- Kiểm tra sản phẩm:
+ Tháo nắp đậy, kiểm tra bên trong + bên ngoài để đảm bảo vị trí ngậm sạch, không có vật lạ.
+ Với lần sử dụng đầu/ sau một thời gian không sử dụng (≥ 7 ngày), cần kiểm tra bằng cách xịt 2 nhát vào không khí.
- Thao tác: (Tư thế dùng thuốc: đứng hoặc ngồi thẳng)
Bước 1: Tháo nắp đậy
Bước 2: Lắc đều dụng cụ 4-5 lần
Bước 3: Giữ dụng cụ thẳng đứng, thở ra hết mức có thể
Bước 4: Ngậm kín miệng ống
Bước 5: Ấn 1 nhát, đồng thời hít vào đều và sâu
Bước 6: Nín thở và lấy dụng cụ ra. Tiếp tục nín thở trong khoảng 10 giây
Nếu cần dùng tiếp liều thứ hai, giữ ống thẳng đứng và đợt khoảng nửa phút trước khi lặp lại các bước từ 2-6. Đậy nắp dụng cụ sau khi sử dụng.
Lưu ý: Người bệnh cần súc miệng bằng nước và nhổ bỏ sau khi sử dụng.
- Vệ sinh dụng cụ: Nên ≥ 1 lần/tuần: tháo ống thuốc ra khỏi dụng cụ, mở nắp dụng cụ, rửa bằng nước ấm, sau đó làm khô từ trong ra ngoài (nên để khô tự nhiên). Lắp ống thuốc trở lại và đậy nắp.
Đối với trẻ em: Sử dụng kèm buồng đệm cùng mặt nạ (thích hợp cho trẻ em dưới 12 tuổi). Các bước sử dụng gần tương tự như trên nhưng cần lưu ý lắc bình thuốc trước khi lắp vào buồng đệm, cần lau sạch vùng miệng bao phủ bởi mặt nạ (mask) sau khi sử dụng.
- Đối với hỗn dịch hít khí dung Flixotide Nebules 0,5mg/2ml
Hen phế quản:
- Người lớn và thanh thiếu niên trên 16 tuổi: 500 - 2000 microgram x 2 lần/ngày.
- Trẻ em và thanh thiếu niên từ 4 đến 16 tuổi: 1000 microgram x 2 lần/ngày.
Nên cho bệnh nhân dùng Flixotide khí dung với liều khởi đầu phù hợp với mức độ nặng của bệnh. Sau đó nên điều chỉnh liều cho đến khi kiểm soát được bệnh hoặc giảm đến liều thấp nhất có hiệu quả tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân. Để điều trị cơn kịch phát cấp của bệnh hen phế quản, nên sử dụng liều tối đa kéo dài đến 7 ngày sau cơn kịch phát. Sau đó nên xem xét để giảm liều.
- Cách sử dụng:
Nên dùng Flixotide Nebules dưới dạng khí dung tạo bởi máy phun khí dung bằng khí theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Thuốc dành cho khí dung được hít bằng đường miệng và phải sử dụng ống ngậm. Nếu cần sử dụng mặt nạ có thể hít bằng đường mũi.
Để giúp cho việc sử dụng một lượng nhỏ hỗn dịch hoặc nếu cần kéo dài thời gian phân phối thuốc có thể pha loãng hỗn dịch thuốc dùng cho khí dung với natri clorid loại pha tiêm ngay trước khi sử dụng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Flixotide
- Phản ứng nghiêm trọng nhưng ít gặp: Phản ứng dị ứng phát ban, nổi mẩn ngứa, mẩn đỏ, phồng rộp, bong tróc, khó thở, sưng miệng, môi, lưỡi, họng; triệu chứng của nhiễm trùng như: sốt, ớn lạnh, đau tai, đau họng, ho, nhiều đờm.
Thuốc có thể gây khó thở rất nặng ngay sau khi dùng. Đôi khi, điều này có thể đe dọa tính mạng. Nếu bạn thấy khó thở nặng hơn, thở khò khè cần sử dụng thuốc cắt cơn và gọi nhân viên y tế ngay lập tức.
- Thường gặp: Nấm candida miệng, họng, khàn giọng, bầm tím.
- Một số tác dụng không mong muốn khác: Hội chứng Cushing, các biểu hiện giống hội chứng Cushing, ức chế thượng thận, chậm phát triển ở trẻ, giảm mật độ khoáng xương, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp; Tăng đường huyết; Lo âu, rối loạn giấc ngủ và thay đổi hành vi, bao gồm hiếu động thái quá và dễ bị kích thích (chủ yếu ở trẻ em).
4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Flixotide
- Kiểm soát hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân theo chương trình bậc thang và đáp ứng của bệnh nhân cần được theo dõi trên lâm sàng và qua các xét nghiệm chức năng phổi.
- Việc tăng sử dụng các chất đồng vận beta; dạng hít tác dụng ngắn để kiểm soát triệu chứng hen cho thấy việc kiểm soát hen bị kém đi. Trong những trường hợp này, nên đánh giá lại phác đồ điều trị của bệnh nhân và lựa chọn thuốc phù hợp.
- Diễn biến xấu đột ngột và nặng dần trong kiểm soát hen có nguy cơ đe dọa tính mạng của bệnh nhân, do đó nên cân nhắc trong việc tăng liều corticosteroid. Ở những bệnh nhân được xem là có nguy cơ, nên theo dõi lưu lượng đỉnh hàng ngày.
- Không được sử dụng bình xịt định liều trong cơn hen cấp tính mà chỉ sử dụng để kiểm soát dài hạn thường quy. Bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng nhanh và ngắn để làm giảm triệu chứng hen cấp tính.
- Nên thường xuyên kiểm tra chiều cao của trẻ khi dùng corticosteroid dạng hít lâu dài ở trẻ em.
- Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn như: Nhiễm nấm Candida miệng họng, khàn giọng, cần súc miệng và nhổ đi sau khi dùng thuốc.
- Người bệnh không được tự ý tăng, giảm liều hoặc dừng thuốc đột ngột.
- Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy bỏ qua liều đó và dùng thuốc theo lịch trình hàng ngày, không tự ý thêm liều hoặc dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
- Cần bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng, không để trong phòng tắm hoặc khu vực độ ẩm không khí cao.
- Không dùng bình xịt định liều, ống hỗn dịch khí dung để uống hoặc tiêm.
- Vì đây là dạng bào chế đặc biệt nên khi người bệnh dùng thuốc đúng theo liều bác sĩ khuyến cáo mà hiệu quả điều trị kém cần phải kiểm tra lại thao tác và kỹ thuật sử dụng thuốc của người bệnh.
- Nếu bạn đang dùng nhiều loại thuốc xịt/hít cần hỏi kỹ bác sỹ, dược sỹ về tác dụng, cách dùng, thời điểm của từng loại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Tờ thông tin sản phẩm
- Sổ tay sử dụng thuốc Vinmec
- Uptodate, truy cập 29/07/2020