Ung thư lưỡi thường bắt nguồn từ tế bào biểu mô vảy trên bề mặt lưỡi. Vết loét không lành trên lưỡi và cảm giác đau là những dấu hiệu điển hình của căn bệnh này. Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường kéo dài ở vùng miệng, mọi người nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Lê Ngọc Mây - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Mối liên quan giữa ung thư miệng hầu và ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi có thể phát triển ở hai vị trí: phần trước của lưỡi và phía sau lưỡi (gọi là gốc lưỡi). Khi ung thư xuất hiện ở phần gốc lưỡi thì được gọi là ung thư miệng hầu.
- Một số triệu chứng của ung thư miệng hầu bao gồm:
- Trên lưỡi, miệng xuất hiện các mảng màu đỏ hoặc xen kẽ trắng.
- Các vết loét miệng, vết thương không lành.
- Đau họng khi nuốt.
- Họng có cảm giác cộm, vướng.
- Đau lưỡi.
- Khàn giọng.
- Cử động hàm hoặc lưỡi gặp khó khăn.
- Cổ hoặc tai bị đau.
- Mất răng.
- Vùng miệng hầu bị sưng đau hơn 3 tuần không thuyên giảm.
- Trong miệng xuất hiện các khối bất thường.
- Miệng không còn vừa với răng giả như trước.
Những người có nguy cơ cao (như hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu) cần đặc biệt chú ý đến các bất thường và đi khám định kỳ để không bỏ sót vì nhiều triệu chứng ung thư vùng miệng ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện.
2. Một số triệu chứng của bệnh
Ung thư tế bào biểu mô vảy là loại ung thư lưỡi thường gặp nhất. Tế bào biểu mô vảy có hình dạng mỏng, dẹt và nằm trên bề mặt như da, lưỡi, ở lớp niêm mạc hệ tiêu hóa, hô hấp, miệng, họng…
Lưỡi rất đau và xuất hiện các vết loét là những dấu hiệu cơ bản của ung thư lưỡi. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác bao gồm:
- Họng hoặc hàm bị đau.
- Đau khi nuốt.
- Mắc nghẹn ở họng.
- Cứng hàm hoặc lưỡi.
- Khó khăn khi nhai hoặc nuốt đồ ăn.
- Niêm mạc miệng, lưỡi xuất hiện các mảng đỏ hoặc trắng.
- Vết loét lưỡi không lành.
- Một khu vực trong miệng mất cảm giác.
- Lưỡi bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Khối bất thường trên lưỡi không tự biến mất.
Ở giai đoạn đầu, ung thư lưỡi có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi xuất hiện các triệu chứng đã nêu cũng chưa chắc đó là ung thư lưỡi hoặc bệnh nhân có thể bị ung thư nhưng là một loại ung thư vùng miệng khác.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu mọi "ngóc ngách" về miệng mình không?
Hiểu rõ về sức khỏe răng miệng rất quan trọng vì vệ sinh răng miệng không tốt có thể dẫn đến sâu răng, bệnh nướu răng và các biến chứng khác. Sức khỏe răng miệng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Cùng tìm hiểu sự thật đằng sau những lầm tưởng phổ biến về nha khoa để bạn biết cách chăm sóc răng miệng của mình tốt hơn.
Bài dịch từ: webmd.com
3. Nguyên nhân gây ung thư lưỡi
Mặc dù nguyên nhân gây ung thư lưỡi vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu quá mức.
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến nhưng lại ít rau xanh, hoa quả.
- Nhiễm virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV).
- Trong gia đình đã từng có người mắc bệnh ung thư lưỡi hoặc vùng miệng.
- Trước đây, người bệnh đã từng mắc phải căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là nam giới từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt những người nghiện rượu và hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn người khác 15 lần.
Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Nhai trầu.
- Phơi nhiễm với một số chất như formaldehyde, amiăng, acid sulfuric.
- Có các tác nhân ảnh hưởng tới miệng hoặc vệ sinh răng miệng kém.
4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Những ai nghi ngờ bản thân bị ung thư lưỡi cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh án của bản thân, gia đình, kiểm tra kỹ lưỡng vùng miệng, lưỡi và hạch. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành sinh thiết.
Nếu kết quả sinh thiết xác nhận sự hiện diện của ung thư, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng sẽ được bác sĩ chỉ định để xem ung thư đã di căn chưa.
5. Ung thư lưỡi có chữa được không?
Ung thư lưỡi có thể điều trị, những người được phát hiện bệnh sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm của những người chưa có di căn là 78%, cao hơn so với những người đã di căn lần lượt là 39%.
6. Phòng ngừa ung thư lưỡi
Mặc dù không có cách nào ngăn chặn hoàn toàn ung thư lưỡi phát triển. Mọi người cần đi khám sớm nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Quá trình điều trị và kết quả sẽ được nâng cao khi bệnh được phát hiện sớm.
Mọi người có thể thay đổi một số hành vi lối sống để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư lưỡi như:
- Bỏ nhai trầu, hút thuốc lá.
- Tránh hoàn toàn hoặc hạn chế lượng rượu uống vào.
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng, lành mạnh nhiều hoa quả và rau xanh.
- Vệ sinh răng miệng tốt: Khám định kỳ, đánh răng thường xuyên, dùng chỉ nha khoa.
- Tiêm phòng HPV.
- Khi quan hệ bằng miệng nên sử dụng màng chắn và thực hiện quan hệ tình dục an toàn.
7. Phương pháp điều trị
Phần mô ung thư thường cần được phẫu thuật loại bỏ ở những người mắc ung thư lưỡi. Một lần phẫu thuật là đủ đối với những trường hợp không phức tạp, khối u nhỏ. Tuy nhiên, nếu ung thư có khối u lớn hoặc di căn rộng thì bệnh nhân cần thực hiện nhiều lần phẫu thuật, phức tạp hơn. Thậm chí, một phần lưỡi sẽ phải bị loại bỏ.
Khả năng nói, thở, ăn và nuốt của người bệnh có thể bị ảnh hưởng sau khi phẫu thuật dù các bác sĩ đã cố gắng bảo tồn tối đa phần mô lành. Bên cạnh đó, để loại bỏ tối đa các tế bào ung thư còn sót lại thì người bệnh còn cần thêm hóa trị hoặc xạ trị.
8. Tiên lượng sống của người bệnh.
Kết quả điều trị và giai đoạn bệnh là những yếu tố quyết định tiên lượng của ung thư lưỡi. Theo một số thống kê, có tới 83.7% người mắc ung thư vùng miệng hầu ở giai đoạn đầu sống sót sau 5 năm, tuy nhiên con số này sẽ giảm xuống còn 39.1% khi bệnh di căn.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ Khám sức khỏe tổng quát và Sàng lọc ung thư nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe bất thường. Đội ngũ y bác sĩ sẽ tư vấn và tiến hành các kiểm tra chuyên sâu nếu cần thiết để đưa ra các phương án điều trị phù hợp, từ đó ngăn ngừa tình trạng bệnh diễn tiến nặng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday.com