Những câu người bệnh tiểu đường nên hỏi bác sĩ khi đi khám

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đái tháo đường hay tiều đường là bệnh một bệnh chuyển hóa. Nguyên nhân gây bệnh là do thiếu hoàn toàn hoặc một phần chất insulin trong máu. Dưới đây là những câu hỏi mà bệnh nhân đái tháo đường hay hỏi.

1. Người tiểu đường nên ăn gì? Và không nên ăn gì?

Đối với bệnh tiểu đường, ngoài việc dùng thuốc làm giảm đường máu thì chế độ ăn hợp lý cũng góp một nửa vào hiệu quả điều trị. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần phải biết mình nên có chế độ ăn như thế nào. Theo đó, những thực phẩm nên ăn gồm:

  • Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, đậu đỗ,...được chế biến bằng hấp, luộc hay nướng hạn chế không xào, chiên, rán...Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều tinh bột như cơm, các chế phẩm từ gạo như bún, phở,...các loại củ như khoai, sắn.
  • Nhóm thịt cá: Bệnh nhân nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, nên chế biến bằng hấp, luộc hay nướng. Không nên ăn các thực phẩm xào, chiên, rán,... Không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm,...
  • Nhóm chất béo: Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa được ưu tiên trong bữa ăn của người đái tháo đường. Ví dụ như: dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,.. Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol.
  • Nhóm rau củ quả: Bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ với các phương pháp chế biến là hấp, luộc,salad... Hoa quả: Nên ăn nhiều hoa quả tươi. Cần hạn chế các loại quả có chứa nhiều đường như mía, sầu riêng,..., các loại hoa quả sấy.

Người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng các loại hoa quả sấy
Người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng các loại hoa quả sấy

2. Nguyên tắc ăn uống của người tiểu đường

Ngoài các thực phẩm nên ăn và không nên ăn gì. Bệnh nhân đái tháo đường cần xây dựng cho mình một chế độ ăn theo các nguyên tắc sau:

  • Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh tình trạng đường huyết tăng cao đột biến.
  • Ăn uống đúng giờ, điều độ: Khi bạn quá đói và sử dụng thuốc giảm đường máu khiến cho đường máu của bạn bị giảm thấp. Đường máu giảm quá thấp có thể dẫn đến tình trạng hôn mê. Nếu bạn quá no sẽ làm tăng lượng đường. Lượng đường quá cao dẫn đến tình trạng hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Cần vận động nhẹ nhàng sau khi ăn kết hợp thể dục thể thao hằng ngày để đảm bảo sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh

3. Bệnh đái tháo đường nếu không điều trị có nguy hiểm gì không?

Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính. Nếu không điều trị kết hợp với chế độ ăn phù hợp thì bệnh sẽ xuất hiện rất nhiều biến chứng

  • Biến chứng cấp: tăng thẩm thấu do tăng đường máu, hạ đường máu, nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton.
  • Biến chứng mạn:
    • Biến chứng vi mạch:

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường: Lâu dần có thể gây mù ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh lý vi mạch thận: Nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn tính tiến triển, thường xảy ra đồng thời với bệnh lý võng mạc đái tháo đường

Biến chứng thần kinh đái tháo đường: Rối loạn chức năng thần kinh ngoại vi ở bệnh nhân đái tháo đường như cảm giác bỏng, châm chích, điện giật, tăng cảm giác đau và đau sâu.

Biến chứng mạch máu lớn: Do tăng lắng đọng lipid dẫn đến xơ vữa nhiều mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...

  • Biến chứng nhiễm trùng: Cơ thể dễ bị nhiễm trùng nhất là nhiễm trùng đường tiểu thấp, dễ làm viêm ngược dòng. Nhiễm trùng da và niêm mạc: tụ cầu vàng,
  • Biến chứng khác: Tăng huyết áp, bàn chân đái tháo đường,...

4. Xét nghiệm HbA1c là gì?

Glucose phản ứng với hemoglobin (viết tắt là Hb) tạo thành hemoglobin bị glycosyl hóa. Trong hồng cầu có 3 loại Hb: HbA1 chiếm 97–98%, HbA2 chiếm 2– 3%, HbF là hemoglobin bào thai khi trẻ sinh ra HbF chỉ còn vết. HBA1 có 3 nhóm là HbA1a, HbA1b, HbA1c trong đó HbA1c chiếm 80%. Để định lượng phần Hb glycosyl hóa người ta định lượng HbA1c bị glycosyl hóa gọi tắt là HbA1c. Đời sống hồng cầu kéo dài 120 ngày vì thế dựa vào HbA1c có thể đánh giá được nồng độ glucose trong máu khoảng 3 tháng trước ngày xét nghiệm.

Giá trị của xét nghiệm HbA1c:

  • Trị số bình thường trong máu: 2,2% đến 5,6%
  • Tăng nguy cơ bị đái tháo đường (Tiền đái tháo đường): 5,7% đến 6,4%
  • Bệnh đái tháo đường khi >6,5 %

Các trường hợp gây tăng HbA1c

  • Tăng nồng độ glucose máu
  • Bệnh nhân đái tháo đường mới được chẩn đoán
  • Suy thận mạn, thiếu máu
  • Ngộ độc chì

Các trường hợp gây giảm HbA1c:

  • Mất máu mạn
  • Thời gian sống của hồng cầu bị rút ngắn: Thiếu máu huyết tán, Thalassemia, hồng cầu hình cầu,....
  • Sau truyền máu.
  • Sau cắt lách.

5. Tần suất thử đường máu là bao nhiêu?


Để xác định được số lần thử mỗi ngày, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ tư vấn
Để xác định được số lần thử mỗi ngày, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ tư vấn

Bệnh nhân đái tháo đường nên có máy thử đường huyết tại nhà để có thể tự kiểm tra đường huyết của mình mỗi ngày. Dựa vào sự thay đổi đường huyết trong một ngày, bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn bằng cách chỉnh liều thuốc và xây dựng chế độ ăn phù hợp.

Tùy thuộc vào từng tip 1 hay tip 2 của bệnh, giai đoạn bệnh và kế hoạch điều trị mà có bạn có tần suất thử đường huyết khác nhau. Để xác định được số lần thử mỗi ngày, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ tư vấn.

6. Xét nghiệm microalbumin niệu

Như đã nói ở trên, một trong những biến chứng của đái tháo đường là tổn thương thận. Bình thường, albumin được lọc qua cầu thận và được tái hấp thu gần như hoàn toàn ở ống thận. Với xét nghiệm microalbumin niệu, ta có thể xác định được lượng albumin này.

Dựa vào tỉ lệ giữa microalbumin niệu/ creatinin niệu lấy lúc sáng sớm mà ta có các giá trị sau

  • < 30mcg/mg là bình thường
  • >30 mcg/mg là bất thường
  • >300 thì có thể phát hiện bằng xét nghiệm sinh hóa nước tiểu cơ bản

Ý nghĩa của xét nghiệm: Microalbumin niệu cao kéo dài dai dẳng phải được coi là một yếu tố nguy cơ cao không chỉ đối với các biến chứng về thận mà còn được phản ánh về biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường.

7. Phương pháp phòng chống đái tháo đường


Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày.
Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày.

Bệnh đái tháo đường có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động và lối sống của mỗi người. Để phòng tránh bệnh, bạn cần loại bỏ các hành vi nguy cơ và thực hiện các hành động có lợi nhất cho cơ thể mình.

  • Phòng ngừa thừa cân béo phì: Dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, được tính theo công thức BMI= cân nặng (kg)/ bình phương chiều cao(m)) mà bác sĩ đánh giá tình trạng thừa cân hay suy dinh dưỡng của bạn. Cần giữ cho chỉ số trong khoảng 18 đến 24.
  • Tăng cường tập luyện, thể dục, thể thao: Không nên ngồi nhiều, nằm xem tivi. Nên tham gia các hoạt động thể dục phù hợp với sức khỏe của mình, tránh các hoạt động quá sức với bản thân. Tập luyện đều đặn 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày.
  • Cần xây dựng một chế độ ăn phù hợp cho bản thân và gia đình: Giảm lượng chất béo và đường trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau và quả tươi, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá no. Hạn chế rượu bia, các chất kích thích,....

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai Gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe