Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Hạn chế mắc bệnh để không phải dùng thuốc trong thai kỳ là điều mà sản phụ mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vượt qua giai đoạn thai nghén mà không có vấn đề sức khỏe nào. Dưới đây là những kiến thức cần thiết khi bà bầu bị viêm họng để bảo vệ sức khỏe người phụ nữ đúng cách trong thời gian mang thai.
1. Nguyên nhân bà bầu bị viêm họng
Hãy bắt đầu từ việc tìm hiểu một số nguyên nhân chủ yếu khiến bà bầu bị viêm họng để hiểu hơn và có cách điều trị và ngừa bệnh hợp lý. Một vài nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bà bầu bị viêm họng là:
- Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp.
- Ăn mặn thường xuyên làm tổn thương niêm mạc họng.
- Tăng tiết dịch màng nhầy.
- Sức đề kháng giảm khi mang thai dễ khiến phụ nữ mắc các căn bệnh do vi khuẩn trong môi trường gây ra.
- Rối loạn nội tiết tố khiến phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh.
- Người có thai thường có cảm giác nóng bức, uống quá nhiều nước đá hoặc ngồi trước quạt quá lâu cũng có thể gây ra viêm họng cho bà bầu.
Tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng điều trị bệnh viêm họng hơn. Thay vì vội vã tìm mua các loại thuốc chữa viêm họng hay kiên quyết không dùng thuốc, bạn nên tìm hiểu cách điều trị cho bà bầu bị viêm họng một cách khoa học.
2. Những cách điều trị cho bà bầu bị viêm họng
Căn bệnh viêm họng dường như không phải là vấn đề gì to tát với những người sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, căn bệnh này lại gây ra nhiều nỗi lo lắng. Trong thực tế cuộc sống thường ngày, các trường hợp viêm họng thường được bác sĩ kê đơn thuốc có kháng sinh, kháng viêm. Nhiều loại thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe bà mẹ nếu dùng với liều lượng quá mức.
- Bạn cần biết một số loại thuốc kháng sinh không gây hại cho phụ nữ mang thai như penicillin (chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin), cephalosporins (chẳng hạn như cephalexin), và erythromycin. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần có sự chỉ định của bác sĩ sản khoa khi dùng thuốc điều trị viêm họng.
- Bà bầu bị viêm họng nên súc miệng 2 đến 3 lần mỗi ngày sát khuẩn và giảm cảm giác đau họng.
- Ngoài ra, người phụ nữ cần bổ sung thêm vitamin A ,C để cải thiện hệ miễn dịch. Vitamin B trong sữa động vật và nhiều loại sữa khác cũng giúp tiêu viêm nhanh chóng. Việc bổ sung vitamin cũng là điều cần thiết trong quá trình mang thai của mọi bà mẹ.
- Những mẹo nhỏ dân gian cũng giúp các bà bầu viêm họng giảm nhẹ triệu chứng ho khan, đau đầu hay nóng sốt. Ví dụ như dùng chanh muối, nước ép cà rốt - mật ong, nước lá tía tô, củ cải tươi hay bột nghệ.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Điều trị viêm họng với bà bầu không khó nhưng cũng không dễ. Tất cả phương pháp điều trị đều sẽ phải chú ý đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Những bệnh viện uy tín và đội ngũ bác sĩ sản khoa tận tình, chuyên môn cao sẽ giúp bà bầu bị viêm họng được an tâm trong thời gian điều trị và nhanh chóng vượt qua những triệu chứng khó chịu của căn bệnh viêm họng.
3. Phòng ngừa bệnh viêm họng cho bà bầu như thế nào?
Những người phụ nữ mang thai bị giảm sút khả năng đề kháng với các tác nhân từ môi trường, thời tiết - nguyên nhân bệnh viêm họng. Đế ứng phó với những tác nhân này, các bà bầu có thể bỏ túi một vài mẹo vặt hữu ích sau:
- Luôn chú ý giữ ấm cơ thể: Vì phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt cao hơn bình thường nên một số người lơ là việc giữ ấm, dẫn đến dễ mắc bệnh viêm họng. Ăn mặc kín đáo với chất liệu thoải mái để cơ thể không bị lạnh khi thời tiết thay đổi hay làm việc trong môi trường máy lạnh.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, hút sạch bụi bẩn và khử trùng nhà để giảm vi khuẩn trong môi trường.
- Sử dụng khẩu trang khi dọn dẹp hoặc đi lại trên đường.
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, viêm mũi, viêm họng.
- Không ăn đồ ăn lạnh và tắm nước lạnh vào buổi tối.
- Tránh các khu vực có nhiều khói thuốc lá.
- Không ăn thức ăn quá cay, mặn hay nóng.
Trên đây là những lưu ý nhỏ nhưng lại rất cần thiết với bất cứ bà bầu nào đang có nguy cơ mắc bệnh viêm họng. Tuy rằng không phải là căn bệnh lạ hay nghiêm trọng, việc bị viêm họng cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến người mẹ và thai nhi trong bụng. Trường hợp dùng không đúng loại thuốc chỉ định cho phụ nữ mang thai có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Hãy tìm đến bác sĩ ngay nếu triệu chứng ho khan trở nặng, kéo dài hoặc nóng sốt liên tục không thuyên giảm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.