Viêm họng khi mang thai là tình trạng nhiều người gặp phải, gây ra những cảm giác khó chịu, khiến mẹ bầu bị sốt, ho, đau họng, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Để điều trị viêm họng khi mang thai thì cần phải có chỉ định từ bác sĩ chứ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.
1. Bệnh viêm họng là gì?
Không chỉ đối với người bình thường mà ngay cả phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ mắc phải bệnh viêm họng. Đây là một dạng bệnh lý thể hiện tình trạng viêm nhiễm phổ biến gây đau, rát ở cổ họng và khó nuốt nước bọt ở người bệnh.
Đối với những người bình thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần mà không để lại bất cứ tổn thương hay di chứng gì về sau. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì viêm họng không chỉ gây suy yếu sức khỏe của người mẹ mà còn nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi.
2. Bà bầu bị viêm họng có ảnh hưởng gì không?
Nhiều thai phụ tỏ ra lo lắng và không biết bà bầu bị viêm họng có ảnh hưởng gì không, thực tế, để điều trị viêm họng cho bà bầu thì phải cần dùng đến thuốc đặc hiệu. Thuốc sẽ đi qua đường máu đến cuống rốn của thai nhi và ít nhiều ảnh hưởng đến em bé. Chính vì vậy, mối lo này không phải là không có căn cứ.
Bà bầu bị viêm họng sẽ làm thay đổi nội tiết lúc mang thai và làm cho sức đề kháng của niêm mạc mũi họng bị suy giảm. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, do sức đề kháng của thai phụ bị giảm sút nên bệnh sẽ không thể tự khỏi, càng để lâu thì càng ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ biến chứng. Do đó, bắt buộc thai phụ phải dùng thuốc điều trị viêm họng, điều này có thể gây nguy hiểm đến sự hình thành và phát triển của thai nhi.
Tương tự, bà bầu bị viêm họng 3 tháng cuối lại có thể gây ra những ảnh hưởng như rối loạn ở phổi, kéo dài thời gian mang thai, chậm quá trình chuyển dạ... vô cùng nguy hiểm.
Thực tế, bất kỳ thai phụ nào bị viêm họng khi mang thai do siêu vi hoặc vi khuẩn gây ra đều mang đến những nguy cơ cho sự phát triển đầy đủ của thai nhi trong bụng, có thể gây tình trạng thiếu oxy huyết ở thai nhi và tăng nguy cơ sinh non ở mẹ. Chính vì thế, mẹ bầu cần tìm hiểu các kiến thức về bệnh viêm họng để phòng tránh trong suốt thai kỳ.
3. Nguyên nhân gây viêm họng khi mang thai
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm họng khi mang thai chủ yếu là do siêu vi hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, bà bầu bị viêm họng còn có thể là do:
- Sức đề kháng và hệ thống miễn dịch suy giảm, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công;
- Do thói quen sinh hoạt hàng ngày không tốt;
- Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh;
- Sống trong môi trường ô nhiễm;
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ;
- Thời tiết thay đổi thất thường.
4. Dấu hiệu cảnh báo viêm họng khi mang thai
Những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh viêm họng khi mang thai rất rõ ràng, thai phụ thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Cơ thể ớn lạnh, gai rét;
- Mệt mỏi, uể oải;
- Sốt cao;
- Khô môi, lưỡi bẩn, khô rát họng;
- Khi nuốt bị nhói lên tai;
- Ho có đờm, khàn tiếng;
- Khi khám thấy niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết.
5. Các phương pháp điều trị viêm họng khi mang thai
Bà bầu bị viêm họng nếu phát hiện sớm thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị dân gian như uống nước gừng mật ong, nước cam nướng, chanh mật ong hay súc miệng với nước muối loãng, nước khoai tây luộc... Ngoài ra, có thể sử dụng các loại kẹo ngậm chữa viêm họng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt.
Trong trường hợp bị viêm họng nặng thì thai phụ cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng.
6. Phòng ngừa viêm họng khi mang thai bằng cách nào?
Đề phòng tránh viêm họng khi mang thai thì thai phụ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát để virus, vi khuẩn không có nơi trú ẩn;
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, súc miệng bằng nước muối loãng để sát trùng răng và cổ họng;
- Hạn chế thêm quá nhiều muối vào khẩu phần ăn hàng ngày và ít sử dụng đồ ăn chiên, xào, cay, nóng;
- Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin cho cơ thể;
- Hạn chế đến chỗ đông người, nếu có việc ra ngoài thì nên đeo khẩu trang để chống bụi và chống nhiễm khuẩn qua đường hô hấp.
Trong trường hợp đã phòng tránh nhưng vẫn bị viêm họng khi mang thai thì cần phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị hợp lý, tuyệt đối không được mặc kệ cho bệnh tự khỏi hay tự ý mua thuốc điều trị ở nhà. Tất cả bà bầu bị viêm họng cần thực hiện các điều sau:
- Hạn chế nói chuyện hay la hét;
- Ăn thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu, không ăn mặn, chua, cay và không ăn sau 9 giờ tối;
- Uống thật nhiều nước ấm, nước trái cây;
- Giữ cho phòng ngủ thoáng khí, ấm.
Tóm lại, phụ nữ trong giai đoạn mang thai có hệ thống miễn dịch suy giảm nên nguy cơ mắc phải bệnh viêm họng là khá cao. Chính vì thế, mỗi bà bầu cần lưu ý giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh lui tới những chỗ đông người và các vùng có dịch về cảm cúm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.