Những biến chứng thường gặp ở trẻ bị suy dinh dưỡng trong bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng có thể gây ra các biến chứng lâu dài về sức khỏe của trẻ em, bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhẹ cân, vấn đề đường huyết... Bên cạnh đó, thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Suy dinh dưỡng bào thai là gì?

Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng suy dinh dưỡng sớm nhất ở trẻ em, thường được diễn tả là sự phát triển chậm của thai nhi ngay từ khi trong bụng mẹ. Thông thường, khi một bé sinh đủ tháng mà có cân nặng dưới 2.5kg, các bác sĩ sẽ đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.

Tuy nhiên, sự suy dinh dưỡng này không phải chỉ phát hiện được sau khi trẻ ra đời, mà có thể phát hiện sớm qua những lần khám thai định kỳ nhờ các thông số cụ thể như chiều cao tử cung, vòng bụng, cân nặng của mẹ...

Các biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai thường kéo dài trong suốt thời gian sau khi trẻ ra đời và có thể kéo dài đến suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng nếu trẻ không được chăm sóc đặc biệt.

2. Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

  • Tuổi tác: mẹ có tuổi càng lớn, thai nhi càng có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
  • Không đủ dinh dưỡng: dinh dưỡng trong thai kỳ cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất là tinh bột, protein, chất béo, vitamin – khoáng chất. Trong trường hợp thiếu đi 1 hay nhiều chất trong 4 nhóm này, thai nhi sẽ không có đủ dinh dưỡng để phát triển bình thường.
  • Mẹ bầu thường xuyên bị bệnh: sức khỏe của mẹ không tốt, dễ bị mắc các bệnh như cảm cúm, nhiễm khuẩn cấp... thai nhi có khả năng cao bị dị tật bẩm sinh.
  • Mẹ bầu bị căng thẳng: nếu mẹ luôn ở trong tình trạng căng thẳng, làm việc cực nhọc, môi trường ô nhiễm... sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

Mẹ bầu bị cúm khi mang thai là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
Mẹ bầu bị cúm khi mang thai là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

3. Những biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ

3.1 Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Đây là một trong những nguy hiểm đầu tiên mà trẻ phải đối mặt khi bị suy dinh dưỡng bào thai. Nguyên nhân là vì trẻ trong trường hợp này thường bị thiếu hụt các vitamin thiết yếu, bao gồm vitamin A và vitamin C – những vitamin quan trọng trong hệ thống miễn dịch.

Vì vậy, sức đề kháng ở trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai thường rất kém, dễ bị các tác nhân ngoại cảnh tấn công và gây bệnh. Đồng thời, chức năng bảo vệ của niêm mạc và da bên ngoài cũng suy giảm, gây ra hiện tượng quáng gà, khô mắt, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tiêu chảy, bệnh sởi...

Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng cũng thường gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy, phân sống, và nguy cơ viêm phổi ở trẻ cũng cao.

Hướng chăm sóc:

  • Mẹ phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không để bé ăn thức ăn nguội/thức ăn để lâu. Không gian bé ở cần phải sạch sẽ và thoáng mát, tránh tình trạng vi khuẩn sinh trưởng.
  • Khi tắm, bé nên được tắm bằng nước ấm và lau khô, tránh để bé ở nơi có gió hoặc nơi bị nhiễm bẩn.

3.2. Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt

Một biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai phổ biến khác là tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ. Thông thường, trẻ em trong tình trạng này rất nhạy cảm với nhiệt độ ngoại cảnh. Khi nhiệt độ bên ngoài thấp, nếu trẻ không được ủ ấm kịp thời, thân nhiệt của bé sẽ giảm theo nhanh chóng và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hướng chăm sóc:

  • Các bác sĩ khuyến nghị mẹ nên sử dụng phương pháp Kangaroo để luôn ủ ấm cho trẻ: ôm sát trẻ vào lòng và để da của trẻ tiếp xúc da mẹ.
  • Có thể sử dụng thêm lồng ấp hiện đại để duy trì nhiệt độ tối ưu cho trẻ.
  • Trẻ nên được ủ ấm thường xuyên bằng áo ấm, găng tay, vớ... và giữ nhiệt độ phòng vừa phải.

3.3. Đường huyết của trẻ suy dinh dưỡng bào thai thấp hơn bình thường

Ngay sau khi sinh, mức đường huyết của trẻ sẽ được theo dõi liên tục mỗi 3 – 4 tiếng đồng hồ và việc này duy trì trong vòng ít nhất vài ngày sau sinh. Nguyên nhân là vì khi bị suy dinh dưỡng bào thai, trẻ có khả năng hạ đường huyết.

Tuy nhiên, nếu như được điều trị, mức đường huyết của trẻ sẽ trở về bình thường. Một số triệu chứng phổ biến của chứng hạ đường huyết ở trẻ là:

  • Rên nhẹ.
  • Quấy khóc liên tục, khóc thét.
  • Co giật, run rẩy.
  • Cơ thể tím tái.

Một số trẻ nếu đường huyết ở mức quá thấp có thể gây ngưng thở.

Hướng chăm sóc:

  • Mẹ cần cho trẻ bú sữa càng sớm càng tốt.
  • Đối với trẻ không bú được, mẹ nên vắt sữa và đút cho trẻ bằng muỗng.
  • Một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ tiêm glucose vào đường tĩnh mạch của trẻ nhằm ổn định mức đường huyết trong cơ thể.

3.4. Cân nặng và chiều cao của trẻ kém phát triển

Các bé bị suy dinh dưỡng bào thai luôn ở trong tình trạng ốm yếu, thấp còi và tốc độ phát triển rất thấp. Do đó, mẹ cần phải nỗ lực cho trẻ bú sữa nhiều cữ sữa cả ngày và đêm. Trong vòng 6 tháng đầu đời, trẻ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tình hình của trẻ sẽ có thể cải thiện sau nỗ lực này.

Từ tháng thứ 6 trở lên, trẻ cần tiếp tục duy trì việc bú sữa mẹ đến năm 2 tuổi, nhưng đồng thời cần bắt đầu thiết kế chế độ ăn dặm cho trẻ. Khẩu phần ăn đối với trẻ phải cực gì giàu dinh dưỡng nhằm bù đắp lại nguồn dinh dưỡng khuyết thiếu.

Ngoài ra, mẹ cũng cần phải theo dõi sát quá trình phát triển chiều cao – cân nặng của trẻ. Nếu như trẻ không tăng trưởng hoặc thậm chí là sụt cân, cần phải đưa trẻ đến khám với bác sĩ Nhi.


Cần theo dõi chiều cao và cân nặng của bé đều đặn
Cần theo dõi chiều cao và cân nặng của bé đều đặn

3.5. Bé có thể gặp các biến chứng về tâm thần

Di chứng tâm thần là một biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai có tính nguy hiểm cao, thường gặp ở trẻ bị suy dinh dưỡng ở thể nặng.

Trẻ có các biểu hiện chậm phát triển thần kinh hay có di chứng về thần kinh. Để có thể hỗ trợ bé, các bác sĩ cần kiểm tra cụ thể và đưa ra phương án tốt nhất.

Có thể nói, biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai có phát triển mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc trẻ sau khi ra đời. Vì vậy, nếu như bé nằm trong tình trạng này, ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến trẻ và chăm sóc trẻ tốt nhất có thể theo hướng dẫn từ bác sĩ Nhi.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe