“Ăn dặm bao nhiêu là đủ” được các cha mẹ quan tâm khá nhiều, đặc biệt là các bà mẹ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
1. Thời điểm cho trẻ ăn dặm
Trẻ có thể bắt đầu ăn dặm khi đã giữ vững đầu khi bế ở tư thế ngồi hoặc nằm sấp mà vẫn ngẩng đầu và chống thẳng tay. Tuy nhiên, thời điểm hợp lý nhất để trẻ ăn dặm là lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước khoảng từ 4 đến 6 tháng tuổi, vì trẻ cần được tận hưởng tối đa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ để đảm bảo đủ năng lượng phát triển.
Bên cạnh đó, cho trẻ ăn dặm có thể hạn chế được tình trạng nghẹn, sặc, hóc khi trẻ tập làm quen với thực phẩm. Ngoài ra, khi ở độ tuổi 4 tháng, lúc này trẻ vẫn còn phản xạ đẩy lưỡi chống lại các vật khi chạm vào môi, dẫn đến việc gây khó khăn cho trẻ khi tập ăn. Hơn nữa, sau 4 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của trẻ mới bắt đầu tương đối hoàn chỉnh để tiêu hoá các thức ăn đưa từ bên ngoài vào.
Mặc dù vậy, cũng không nên cho trẻ ăn trễ quá 6 tháng tuổi, vì trẻ có thể gặp nguy cơ chậm tăng trưởng do sữa mẹ hoặc sữa công thức không đảm bảo đủ để cho trẻ phát triển.
2. Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?
Về nguyên tắc, khi tập ăn thì cần cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Trong những bữa ăn dặm đầu tiên, có thể trẻ chỉ ăn từ 1 - 2 muỗng cà phê thức ăn. Tuy nhiên, nếu trẻ háo hức với đồ ăn mới, thì cha mẹ có thể tăng dần lượng thực phẩm trong bữa ăn, cho đến khi bé ăn được khoảng từ 50 - 100 ml mỗi lần.
Trong những năm đầu đời của trẻ, ngoài việc tăng số lượng thực phẩm cho mỗi bữa ăn thì số lượng bữa ăn của trẻ cũng được tăng dần theo thời gian, đảm bảo quá trình ăn dặm đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Thời gian đầu khi trẻ thực hiện ăn dặm có thể bắt đầu bằng một bữa ăn mỗi ngày và cứ 2 tháng thì lại tăng thêm một bữa cho tới khi bé ăn được 3 bữa mỗi ngày. Vậy với bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu là đủ? Với bé 6 tháng nên ăn một bữa mỗi ngày và khi bé được 8 tháng thì số bữa ăn sẽ tăng thành 2 bữa một ngày, cho đến khi bé được 10 tháng có thể tăng lên 3 bữa ăn một ngày.
Một số gợi ý về chế độ ăn dặm có thể thực hiện cho trẻ:
- Với bé từ 6 - 7 tháng tuổi: Có thể ăn bột loãng, sền sệt rồi đặc hoặc các thức ăn xay/nghiền với hàm lượng khoảng 100 - 200 ml thức ăn/bữa và bú mẹ cả ngày.
- Với bé từ 8 - 9 tháng tuổi: Bé có thể ăn bột đặc, thức ăn nghiền hoặc thái nhỏ với hàm lượng khoảng 200ml và ăn 2 bữa cùng với bú mẹ cả ngày.
- Với trẻ từ 10 - 12 tháng thì ăn bột đặc, thức ăn thái nhỏ, cắt khúc để trẻ có thể tự cầm nắm được với hàm lượng từ 200 - 250 ml và ăn 3 bữa cùng bú mẹ cả ngày.
- Khi trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi thì có thể cho trẻ ăn cháo, thức ăn thái nhỏ cắt khúc với hàm lượng từ 250 - 300 ml và cho trẻ ăn 3 bữa cùng với bú mẹ cả ngày.
- Sau khi trẻ được 24 tháng tuổi thì có thể ăn cơm cùng với gia đình.
Thực đơn tham khảo cho trẻ ăn dặm:
- Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi bao gồm: Bột gạo tẻ 20 gam, tôm tươi bỏ vỏ và giã nhỏ 15 gam, trứng 10 gam (có thể một lòng đỏ trứng gà hoặc 4 lòng đỏ trứng cút), thịt nạc 10 gam, cá quả gỡ bỏ xương 10 gam, gan gà/lợn băm nhỏ/nghiền 10 gam, rau xanh giã nhỏ 2 thìa cà phê (~ 10 gam), mỡ/dầu ăn 1 thìa cà phê (~ 5 gam), nước 1 bát con.
- Thực đơn cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi bao gồm: Bột gạo tẻ 25 gam, tôm bỏ vỏ và giã nhỏ 15 gam, cua đồng 30 gam, thịt nạc 15 gam, cá quả gỡ bỏ xương 15 gam, gan gà/lợn băm nhỏ/nghiền 15 gam, rau xanh giã nhỏ 2 thì cà phê (~ 10 gam), mỡ/dầu ăn 1 thìa cà phê (~ 5 gam), nước 1 bát con.
- Thực đơn cho trẻ từ 12 - 23 tháng tuổi bao gồm: Gạo tẻ 40 gam, tôm tươi bỏ vỏ giã nhỏ 25 gam, trứng gà 1 quả 30 gam, thịt lợn/gà/bò 25 gam, cá chép luộc chín gỡ xương 25 gam, lượng 25 gam, rau xanh thái nhỏ 2-3 thìa cà phê (~ 10 -15 gam), mỡ/dầu ăn 1,5-2 thìa cà phê (~ 7,5-10 gam) và nước vừa đủ.
3. Một số lưu ý khi thực hiện cho trẻ ăn dặm
3.1. Thức ăn cần tránh cho trẻ dưới 12 tháng
Đối với trẻ ăn dặm thì cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng thực phẩm. Vì vậy, trẻ mới tập làm quen với quá trình ăn dặm thì không nên sử dụng các thức ăn quá cứng hoặc ở dạng hạt, quả tròn vì sẽ khiến cho trẻ khó có thể ăn được dẫn đến nguy cơ nghẹn, sặc, hóc. Thức ăn cho trẻ ăn không nên để loãng quá sẽ làm cho trẻ mất phản xạ nhai.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi không nên cho trẻ sử dụng mật ong vì có thể tăng nguy cơ ngộ độc botulism. Bên cạnh đó đó không nên sử dụng gia vị cũng như nước hầm xương cho trẻ. Vì nước hầm xương không cung cấp đủ hàm lượng nhu cầu canxi cho trẻ. Không những vậy các thành phần dinh dưỡng như chất béo trong nước hầm xương có thể gây cho trẻ tình trạng chướng bụng, đầy hơi, do hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện, nên không đủ khả năng để hấp thu các chất này.
Chỉ cho trẻ ăn sữa mà không bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm có thể sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ thiếu sắt và thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ không được cân đối.
3.2. Cách bắt đầu thực hiện cho trẻ ăn dặm
Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm có thể khá quan trọng, do đó cần tập cho trẻ làm quen dần với mùi vị thức ăn cũng như độ đặc loãng của thức ăn mới. Ở thời kỳ này, chúng ta chưa quan trong số lượng thức ăn trẻ ăn được, mà cần quan sát cũng như theo dõi những phản ứng của trẻ khi sử dụng các loại thức ăn mới để có thể phát hiện nhanh nhất tình trạng dị ứng thực phẩm.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu của viêm da cơ địa, chàm hoặc gia đình có tiền sử dị ứng thức ăn, bao gồm các triệu chứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen thì nên cho trẻ ăn dặm từ 4 tháng tuổi, bao gồm cả những loại thực phẩm có khả năng dễ gây dị ứng nhằm giúp trẻ có thể làm quen và giảm nguy cơ dị ứng thức ăn sau này.
Thực hiện cho trẻ ăn dặm bao gồm các bước ngửi - nếm và ăn lượng thức ăn từ ít đến nhiều. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng các loại thực phẩm có màu sắc sặc sỡ nhằm thu hút sự chú ý của trẻ để khuyến khích trẻ tiếp nhận các loại thực phẩm này được tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.