Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Trong những tuần đầu sau sinh, vấn đề về rốn của trẻ thường được gia đình rất quan tâm. Nhiều dấu hiệu không bình thường ở trẻ thường được quy cho vấn đề tại rốn như trẻ khóc nhiều vì đau rốn,... Vậy những bệnh lý nào về rốn thường gặp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ?
1. Những bệnh lý thường gặp về rốn ở trẻ sơ sinh
1.1. Nhiễm trùng rốn
Nhiễm trùng rốn do vi khuẩn xâm nhập và sinh mủ, có 2 loại:
- Nhiễm trùng rốn khu trú: sưng đỏ ở chân rốn, phần da xung quanh bình thường.
- Nhiễm trùng rốn lan toả: sưng đỏ quanh chân rốn và lan rộng ra phần da xung quanh, đường kính >=2cm.
Dấu hiệu nhiễm trùng rốn như rốn sưng đỏ, rỉ dịch, có mủ hoặc rốn còn ướt sau khi rụng, có mùi hôi, chảy máu. Trẻ có thể sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú.
1.2. Bệnh u hạt rốn sơ sinh
Bệnh thường xảy ra ở những trẻ chậm rụng rốn, vì điều này tạo điều kiện u hạt phát triển. Khi rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không sốt hoặc sưng, đỏ vùng rốn. Nếu không phát hiện, u hạt rốn ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn.
1.3. Thoát vị rốn sơ sinh
Thoát vị rốn xảy ra khi vòng rốn không đóng kín sau khi rụng rốn. Dấu hiệu là một khối tròn nổi lên ngay tại vị trí rốn. Thoát vị rốn hay thường gọi là rốn lồi, không gây đau, hiếm khi gây biến chứng mà chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và tự liền lại trong vài năm đầu hoặc có thể phẫu thuật thẩm mỹ khi bé lớn hơn.
1.4. Tồn tại ống niệu rốn sơ sinh
Bình thường thì ống niệu rốn nối từ xoang niệu sinh dục và rốn sẽ được đóng kín và xơ hóa thành dây chằng rốn - bàng quang từ trong thời kỳ bào thai. Tồn tại ống rốn niệu là sự tồn tại 1 ống nối từ rốn vào bàng quang. Như vậy, nước tiểu có thể trào ngược từ bàng quang vào rốn. Tổn thương nơi nối giữa bàng quang và rốn để cho nước tiểu đổ ra cuống rốn, cuống rốn luôn rỉ dịch liên tục, đôi khi trẻ bị nhiễm trùng tiểu.
1.5. Chảy máu rốn
Một vài giọt máu trên chỗ giữa cuống rốn đã khô và chân rốn, chảy máu do cọ xát tã vào cuống rốn. Chảy máu thường sẽ tự cầm hoặc cầm khi ấn nhẹ vùng rốn bằng miếng gạc sạch.
Nếu chảy máu tái dai dẳng hoặc chảy máu nhiều (vẫn còn chảy máu sau 10 phút đè ép hoặc tiếp tục chảy máu trên 3 lần), mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì có thể có bệnh lý gây chảy máu rốn.
1.6. Rốn rụng muộn
Thông thường rốn rụng sau 10-14 ngày tuổi, nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài > 3 tuần. Nên giữ rốn khô và kiểm tra da quanh rốn mỗi ngày. Rửa sạch chất tiết bám trên rốn một cách nhẹ nhàng và lau khô. Chú ý không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn khác bôi lên rốn. Khi mặc tã, không nên để tã đè lên cuống rốn. Sau 3 tuần mà rốn chưa rụng, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ.
1.7. Rốn rỉ dịch
Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, hoặc có ít mủ trên bề mặt, thường xảy ra sau khi rốn đã rụng, trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn mức độ nhẹ hoặc có bệnh lý rốn khác kèm theo như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn... Mẹ nên đưa bé đi khám để được tầm soát bệnh lý rốn và hướng dẫn cách chăm sóc rốn.
2. Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, cuống rốn là vết thương hở, rất dễ nhiễm trùng nếu mẹ không chăm sóc tốt. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu cho trẻ.
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh cần phải được làm hằng ngày và vệ sinh theo các bước sau:
● Trước khi chăm sóc rốn cho trẻ, mẹ cần rửa tay thật sạch, sát trùng tay bằng cồn 90°.
● Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn của bé ra.
● Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hay có bất kỳ bất thường nào khác không.
● Lau rốn bằng bông gòn với nước chín vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
● Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
● Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
● Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ thứ gì vấy bẩn vùng rốn.
Cần theo dõi và chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh hàng ngày. Nếu phát hiện một trong các dấu hiệu sau, hãy đưa bé đi khám tại chuyên khoa Nhi ngay:
● Rốn rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc có mủ.
● Rốn chảy máu nhiều và khó cầm.
● Da quanh rốn sưng, đỏ.
● Rốn có chồi, rỉ nước kéo dài.
● Rốn chưa rụng dù bé đã sinh được 3 tuần.
● Nếu thấy rốn con có dấu hiệu bất thường, bạn tuyệt đối không được dùng kháng sinh hay bất cứ loại thuốc gì cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu của các bệnh lý về rốn, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Tại đây có đội ngũ các bác sĩ chuyên môn Nhi được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm trong khám chữa các bệnh lý của trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ nhỏ dưới 16 tuổi.
Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống Y tế Vinmec hoặc đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.