Cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy - Bác sĩ hồi sức tim - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu nuôi dưỡng, nó sẽ hoại tử và gây ra triệu chứng đau ngực dữ dội. Việc chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của bệnh nhân.

1. Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp

Một số triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp bao gồm:

  • Cơn đau thắt ngực điển hình: Bệnh nhân xuất hiện cơn đau vùng ngực, cảm giác đau như bóp nghẹt ở phía sau xương ức, hoặc có thể hơi lệch sang trái. Cơn đau có thể lan lên vai trái, lan ra mặt trong tay trái cho đến tận ngón nhẫn và ngón út tay trái. Cơn đau giống như cơn đau thắt ngực nhưng kéo dài hơn 20 phút, và không đỡ đau khi dùng Nitroglycerin.
  • Một số bệnh nhân có thể đau lan lên cằm, cổ vai, lan ra sau lưng, hai tay, hoặc đau vùng thượng vị.
  • Trong một số trường hợp nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà bệnh nhân không đau hoặc cảm giác đau ít, trường hợp này được gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Tình trạng này thường hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, người già.
  • Bệnh nhân có thể có cảm giác khó thở thay vì cảm giác bị ép sau xương ức, hay bị nấc cụt do kích thích cơ hoành trong nhồi máu cơ tim xuyên thành dưới.
  • Bệnh nhân có thể có một số triệu chứng khác như là: Vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực, lú lẫn, buồn nôn hoặc nôn, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa,...
  • Một số bệnh nhân có thể bị đột tử tại chỗ, đây là một hậu quả hay gặp của nhồi máu cơ tim cấp.
  • Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy các triệu chứng sau đây:
  • Nhịp tim nhanh
  • Tiếng tim mờ, có thể có tiếng ngựa phi.
  • Có thể xuất hiện tiếng thổi ở tim.
  • Tiếng ran ứ đọng ở phổi, các triệu chứng của suy tim, phù phổi cấp.

Các triệu chứng lâm sàng trên sẽ giúp định hướng, chẩn đoán phân biệt, chứ chưa đủ để chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim cấp. Để chẩn đoán cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

  • Điện tâm đồ: dựa vào điện tâm đồ, bác sĩ không những chẩn đoán được bệnh nhân có bị nhồi máu cơ tim cấp hay không, mà còn có thể nhận biết đó là loại nhồi máu cơ tim xuyên thành hay không xuyên thành. Nhồi máu cơ tim xuyên thành là trường hợp nhồi máu cơ tim gây tổn thương thành thất. Ngoài ra, dựa vào điện tâm đồ, các bác sĩ có thể xác định vị trí nhồi máu.
  • Các chỉ số xét nghiệm máu cần làm:
  • Creatine Kinase (CK): enzyme của men tim này là CK-MB, CK-MM, CK-BB theo thứ tự trên chúng là đại diện cho cơ tim, cơ vân và não.
  • Troponin: gồm có Troponin T và I. Đây là hai loại men tim có giá trị chẩn đoán cao và khá đặc biệt cho cơ tim. Ngoài ra chỉ số này còn có giá trị trong việc tiên lượng bệnh.
  • LDH: tăng sau sau khi nhồi máu cơ tim cấp xảy ra 8 - 48 giờ.
  • SGOT (hay AST): bắt đầu tăng sau khi nhồi máu cơ tim xảy ra 8 - 12 giờ.
  • Các xét nghiệm này không chỉ giúp chẩn đoán xác định mà còn giúp tiên lượng bệnh, nhận định thời điểm
  • Siêu âm tim cũng rất có giá trị trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, trên siêu âm thường thấy hình ảnh rối loạn vận động liên quan đến vị trí nhồi máu

Điện tâm đồ giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp
Điện tâm đồ giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

2. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

2.1. Chẩn đoán phân biệt

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim cấp với các bệnh lý sau:

  • Hội chứng đau ngực
  • Viêm màng ngoài tim cấp
  • Bệnh lý bụng cấp như: viêm đường mật cấp, viêm tụy cấp, thủng tạng rỗng.
  • Phình tách động mạch chủ
  • Tắc động mạch phổi lớn
  • Thủng/vỡ thực quản
  • Nhồi máu cơ tim sau mổ nối tắt động mạch vành
  • Một số bệnh lý có thể giả nhồi máu cơ tim cấp như: xuất huyết não, chấn thương sọ, bệnh cơ tim lan tỏa, bệnh cơ tim do nhiễm bột, xơ cứng bì, dày thất....

2.2. Chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim cấp

Chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim cấp dựa vào 3 tiêu chuẩn sau:

  • Triệu chứng đau ngực
  • Điện tâm đồ
  • Xét nghiệm men tim

Chỉ cần có 2 trong 3 tiêu chuẩn trên là có thể chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

3. Cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim cấp là một trường hợp cấp cứu, bệnh nhân cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể để lại nhiều biến chứng sau này, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng ngay lúc đó.


Cấp cứu tại bệnh viện Vinmec
Cấp cứu tại bệnh viện Vinmec

3.1. Nguyên tắc cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp

  • Bệnh nhân cần bất động tuyệt đối.
  • Giảm đau cho bệnh nhân.
  • Sử dụng Nitrat
  • Sử dụng thuốc chống đông và chống ngưng tập tiểu cầu
  • Làm lưu thông động mạch vành bị tắc nhằm tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương bằng thuốc tiêu huyết khối hoặc can thiệp mạch vành.
  • Cần dự phòng sốc và chống sốc.
  • Dự phòng và điều trị các biến chứng.

3.2. Các bước cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

  • Bệnh nhân nằm bất động tuyệt đối tại giường trong 48 giờ đầu. Sau 48 giờ, nếu không còn đau ngực và không mệt, bệnh nhân có thể cử động chân tay. Nếu không thấy triệu chứng đau ngực xuất hiện lại, nhịp tim không tăng quá 30 nhịp/phút so với lúc nằm bắt động thì bệnh nhân có thể ngồi trên ghế. Sau 01 tuần, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh. Sử dụng thuốc an thần: Diazepam hoặc Phenobarbital.
  • Giảm đau cho bệnh nhân, có thể sử dụng Morphin, Promedol ống 10mg tiêm dưới da, hoặc tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên Morphin có thể gây ức chế hô hấp, nên cần thận trọng khi sử dụng. Morphin cũng có tác dụng làm tụt huyết áp, do đó không sử dụng khi bị sốc.
  • Dự phòng sốc bằng cách đặt đường truyền tĩnh mạch, thở oxy.
  • Sử dụng Nitrat: Nitroglycerin (Nitromint).
  • Ghi điện tim hoặc đặt monitoring theo dõi.
  • Điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối: r-TPA hoặc Streptokinase, Urokinase.
  • Điều trị ngoại khoa (nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối mà không có tác dụng). Điều trị ngoại khoa có thể là can thiệp mạch qua da, mổ bắc cầu nối chủ - vành.
  • Điều trị giãn các vi mạch sau can thiệp mạch hoặc sau dùng thuốc tiêu huyết khối bằng truyền vào động mạch vành chất gây giãn mạch như thuốc chẹn kênh canxi, adenosine hay Nitroprusside.
  • Sử dụng thuốc chống đông và chống ngưng tập tiểu cầu:
  • Thuốc chống đông: Heparin, thuốc ức chế trực tiếp thrombin.
  • Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: Aspirin, Ticlopidine, Abciximab, Eptifibatide, Tirofiban,...
  • Phòng tái phát: một số chuyên gia khuyên nên dùng thuốc chẹn beta trong giai đoạn hồi phục.

Ngày nay, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, bao gồm các biện pháp mở thông động mạch vành bị tắc bằng các loại thuốc tiêu huyết khối hay can thiệp mạch để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương do nhồi máu. Điều này đã giúp mang lại nhiều cơ hội sống hơn cho bệnh nhân không may bị nhồi máu cơ tim cấp.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe