Nhồi máu cơ tim là một căn bệnh tim mạch phổ biến tại Việt Nam và đang ngày càng trở nên phổ biến ở các đối tượng trẻ tuổi. Mặc dù đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này vẫn đáng lo ngại. Vì vậy, việc thay đổi lối sống được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh này.
1. Thế nào là nhồi máu cơ tim?
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi phần nào của cơ tim không nhận đủ máu do sự hạn chế hoặc tắc nghẽn trong dòng máu. Khi một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bơm máu của tim và gây ra các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, sốc tim, hoặc nguy cơ đột tử tim.
1.1 Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim là sự hiện diện của cục máu đông trong mạch máu nuôi tim. Mạch vành giữ vai trò không thể thay thế trong việc mang máu và oxy đến cơ tim. Khi bị tắc nghẽn, sự cung cấp oxy đối với tim bị giảm, dẫn đến sự tổn thương của các tế bào cơ tim. Ngoài ra, mảng xơ vữa cũng là một yếu tố nguyên nhân khác dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim bao gồm:
● Hút thuốc lá
● Huyết áp cao
● Đái tháo đường
● Mỡ máu cao
● Gia đình có lịch sử bị tim mạch
1.2 Triệu chứng nhồi máu cơ tim
Triệu chứng như cơn đau thắt ngực thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhói ở vùng ngực trước tim. Những cơn đau này có thể lan rộng ra những vùng như vai, tay, cổ, răng, hàm hoặc sau lưng. Mức độ đau có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Ngoài đau ngực, bệnh nhân có thể trải qua nhiều triệu chứng khác:
● Lo lắng
● Ho
● Mệt mỏi,
● Chóng mặt
● Đau đầu
● Buồn nôn
● Nôn mửa
● Hồi hộp
● Thở dốc
● Đổ mồ hôi
Đặc biệt là ở người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, và phụ nữ, có thể chỉ xuất hiện đau ngực nhẹ hoặc thậm chí không có đau ngực. Họ có thể trải qua các triệu chứng khác như thở dốc và mệt mỏi.
Cần lưu ý rằng còn có tình trạng nhồi máu cơ tim yên lặng, khi bệnh nhân không thể nhận biết bất kỳ triệu chứng nào.
2. Tầm quan trọng của cải thiện lối sống đối với bệnh tim mạch
Thực hiện lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ nắm giữ vai trò quan trọng trong ngăn ngừa cũng như cải thiện bệnh tim mạch. Việc áp dụng các điều chỉnh trong lối sống đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu với hiệu quả cao, giảm thiểu các biến chứng và cải thiện tiên lượng cho người bệnh.
3. 7 bước cải thiện lối sống, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim
3.1 Sử dụng thực phẩm lành mạnh
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch. Tập trung vào các thực phẩm giàu chất xơ để tăng sức khỏe tim mạch như:
● Rau xanh
● Trái cây
● Hạt
● Ngũ cốc nguyên hạt
Tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa cholesterol cao và đồ ăn nhanh.
3.2 Vận động và tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục cũng là cách tuyệt vời để cải thiện tim mạch và ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim. Hãy thực hiện ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bộ môn thể dục để kiểm soát các yếu tố nguy cơ:
● Đi bộ nhanh
● Bơi lội
● Yoga
Điều này giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe tim mạch.
3.3 Quản lý cân nặng
Không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài, cân nặng còn gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe tim mạch. Dư cân và béo phì đều tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Việc giảm cân chỉ từ 3% đến 5% có thể dẫn đến việc hạ mỡ máu, cải thiện mức đường huyết và giảm huyết áp. Giảm cân khi cần thiết và duy trì cân nặng lí tưởng là bước quan trọng trong việc ngăn ngừa nhồi máu cơ tim.
3.4 Kiểm soát huyết áp và đường huyết
Huyết áp và đường huyết cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch. Hai yếu tố này vô cùng quan trọng đối với những người có nguy cơ cao. Đường huyết cao kết hợp với tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng đến mạch máu và dây thần kinh tim. Để giảm thiểu nguy cơ này, cần điều chỉnh thực phẩm trong ăn uống và được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp.
3.5 Loại bỏ thói quen hút thuốc lá và các chất gây nghiện khác
Hút thuốc lá và sử dụng các chất gây nghiện khác có thể tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Việc ngừng hút thuốc có thể giúp người mắc bệnh tim mạch giảm huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu và chức năng phổi, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành một cách đáng kể.
3.6 Giảm căng thẳng và tác động tiêu cực khác đến tim mạch
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên tổng số 200.000 trường hợp nhồi máu cơ tim, có khoảng 3,4% là do căng thẳng làm việc. Khi gặp căng thẳng, cơ thể tự tạo ra cortisol, một yếu tố góp phần tăng huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Với áp lực từ công việc, học tập, việc tránh căng thẳng hoàn toàn thường không dễ dàng. Tuy nhiên, mỗi người có thể học cách kiểm soát bằng cách thư giãn và nghỉ ngơi sau những giờ làm việc bận rộn. Đồng thời, việc duy trì giấc ngủ đầy đủ cũng rất quan trọng.
3.7 Thực hiện kiểm tra định kỳ và theo dõi sức khỏe tim mạch
Điều quan trọng là duy trì thực hiện các cuộc kiểm tra tim mạch nhằm đảm bảo sức khỏe của mỗi người. Chúng sẽ cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng tim mạch của bạn và giúp sớm phát hiện các triệu chứng bất thường.
Đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch Vinmec luôn không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn và tiếp tục tiến xa trong áp dụng những phương thức, công nghệ y tế tiên tiến trên toàn thế giới. Chúng tôi luôn quyết tâm khẳng định vị trí vượt trội trong lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch cho bệnh nhân. Đến Vinmec để được tư vấn và chẩn đoán bệnh tim mạch nhanh nhất.