Răng số 6 là răng hàm vĩnh viễn mọc ở độ tuổi từ 6-8 tuổi có chức năng cắn, nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, khi răng số 6 bị sâu nặng, viêm tuỷ cấp hoặc áp xe ổ răng thì chỉ định nhổ răng sẽ được đặt ra. Vậy với chức năng quan trọng trong việc ăn nhai thì nhổ răng số 6 có cần trồng lại không?
1. Nhổ răng số 6 có mọc lại không?
Răng số 6 là răng hàm vĩnh viễn lớn nhất, nằm ở vị trí thứ 6 tính từ răng cửa giữa thứ nhất ra sau. Răng thường mọc trong khoảng từ 6-8 tuổi và chiếm vị trí quan trọng trong việc giữ ổn định cho khớp cắn và chịu lực ăn nhai. Chính vì vậy nếu chỉ định nhổ răng diễn ra sau 8 tuổi thì răng số 6 không thể mọc lại và lúc này người bệnh cần tới các phương pháp phục hình răng để khỏa lấp vị trí răng số 6 cũng như đảm bảo chức năng ăn nhai.
2. Nhổ răng số 6 có cần trồng lại không?
Răng số 6 đảm nhận vai trò ăn nhai rất quan trọng, giúp nghiền nát thức ăn trước khi đi xuống dạ dày, hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động khỏe mạnh do đó việc trồng răng số 6 sau khi nhổ gần như bắt buộc để tránh các biến chứng như:
- Tiêu xương hàm: Là diễn tiến tất yếu của tình trạng mất răng và không phục hình răng số 6. Do phần xương hàm bị mất đi lực kích thích tăng trưởng (lực ăn nhai) dẫn tới bị tiêu biến theo thời gian và khuôn mặt cũng dễ bị biến dạng, lão hoá sớm, da nhăn nheo và chảy xệ
- Lệch khớp cắn: Khoảng trống mà răng số 6 để lại sau khi nhổ có thể khiến các răng kế bên có xu hướng đổ lệch về vị trí răng mất. Về lâu dài các răng toàn hàm sẽ bị xô lệch theo và dẫn tới hiện tượng lệch khớp cắn, ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai, khả năng phát âm và còn gây đau khớp hàng, rối loạn khớp thái dương hàm
- Các vấn đề sức khoẻ khác: Khi lực ăn nhai của hàm bị suy giảm do mất răng số 6 có thể khiến thức ăn chưa được nhai kĩ đã thực tiếp đi vào dạ dày gây áp lực cho hệ tiêu hoá. Điều này gây cản trở cho sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể và gây nên các nguy cơ bệnh lý đường ruột
Trồng răng số 6 sau khi nhổ là điều chắc chắn cần phải làm tuy nhiên một số người bệnh còn thắc mắc việc nhổ răng số 6 bao lâu thì trồng lại được?
Câu trả lời là còn tùy thuộc vào các yếu tố như phương pháp phục hình răng, khả năng phục hồi thương tổn của người bệnh và tình trạng sức khỏe răng miệng. Nhìn chung để vết thương ổn định và đủ điều kiện trồng răng thì mất khoảng 3-6 tháng sau khi nhổ răng số 6. Thời gian 3 tháng là đủ để vết thương do nhổ răng lành lại nhưng với người lớn tuổi hoặc cơ địa đặc biệt cần thời gian lâu hơn. Nếu sử dụng phương pháp dùng hàm giả tháo lắp hoặc làm cầu răng sứ thì thời gian khoảng 3 tháng sau nhổ là có thể thực hiện được nhưng với cấy ghép Implant có thể trồng ngay sau khi nhổ nếu đảm bảo sức khỏe.
3. Có những phương pháp trồng răng số 6 nào?
Có 2 phương pháp phục hình răng số 6 chính sau khi nhổ gồm: Làm cầu răng sứ và cấy ghép Implant. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Làm cầu răng sứ:
- Là phương pháp tiến hành mài nhỏ hai răng 5 và 7 rồi gắn cầu răng sứ lên trên, sau đó dùng keo dán chuyên dụng có độ bền chắc để cố định. Tuy nhiên yêu cầu răng số 5 và số 7 cần chắc khoẻ để làm trụ đỡ
- Ưu điểm: Là phương pháp phục hình răng nhanh chóng, chi phí phù hợp cho nhiều đối tượng và chỉ cần 2-3 ngày là có thể hoàn thiện.
- Tuy nhiên vì cần mài răng số 5 và số 7 nên dễ khiến các răng thật bị tổn thương. Đặc biệt khi dùng phương pháp làm cầu răng sứ không thể hạn chế được tình trạng tiêu xương hàm
Trồng răng Implant:
- Cấy ghép Implant là phương pháp phục hình răng được khuyến khích vì khả năng ngăn ngừa quá trình tiêu xương hàm, khắc phục các nhược điểm của cầu răng sứ
- Trụ răng Implant sẽ được gắn trực tiếp vào xương hàm, an toàn với cơ thể và có độ bền cao. Sau đó mão sứ sẽ được lắp lên trên để hoàn tất quá trình trồng răng.
- Sau khi hoàn thiện, răng Implant có thể giúp phục hồi gần như hoàn toàn chức năng ăn nhai, lại không ảnh hưởng tới 2 răng kế bên.
- Cấy ghép Implant cũng có tuổi thọ lâu dài hơn nhưng thời gian chờ tích hợp xương hàm khoảng từ 2-6 tháng