Hỏi
Chào bác sĩ,
Cháu chạy gắng sức thì nhịp tim của cháu là 176. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi nhịp tim khi chạy 176 có ảnh hưởng gì? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Hải Đăng (2005)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Nhịp tim khi chạy 176 có ảnh hưởng gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Nhịp tim khi chạy bộ chỉ nên ở mức 50 - 75% nhịp tim tối đa cho người mới bắt đầu tập và người tập với cường độ vừa phải. Cách tính nhịp tim tối đa như sau: Số 220 trừ đi độ tuổi của bạn. Ví dụ, với người 20 tuổi thì nhịp tim tối đa là 200 (220 - 20). Con số theo cách tính toán này chỉ mang tính tương đối và có thể dao động từ 15 - 20 bpm. Nhịp tim lúc chạy bộ khi vận động mạnh có thể bằng 70 - 85% nhịp tim tối đa. Nhịp tim khi chạy bộ trung bình ở mỗi người là khác nhau do chịu tác động của các yếu tố sau:
- Tuổi tác
- Mức độ tập luyện: Người chạy bộ có xu hướng có nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn những người không chạy bộ
- Nhiệt độ môi trường sống: Nhiệt độ và độ ẩm có thể làm tăng nhịp tim
- Thuốc: Các loại thuốc như thuốc chẹn beta có thể làm chậm nhịp tim và liều cao thuốc tuyến giáp có thể làm tăng nhịp tim
- Căng thẳng: Cảm xúc do căng thẳng mang lại có thể làm chậm hoặc tăng nhịp tim
Nhịp tim khi chạy bộ trung bình ở người độ tuổi từ 20 - 45 là từ 100 - 160 nhịp/phút. Mức độ dao động phụ thuộc vào nhịp tim tối đa và mức độ thể chất của mỗi người.
Nếu bạn còn thắc mắc về nhịp tim khi chạy 176, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.