Nhịp nhanh nhĩ đa ổ là một tình trạng nhịp tim bất thường không phổ biến. Do hầu hết trường hợp nhịp nhanh nhĩ đa ổ không xuất hiện triệu chứng (hoặc có triệu chứng nhưng khá tương đồng với các loại bệnh rối loạn nhịp tim khác) nên bệnh nhân hầu như không biết bản thân đang mắc phải loại bệnh này. Nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị nhịp nhanh nhĩ đa ổ là điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra tình trạng này (thông thường sẽ là các bệnh về phổi).
1. Nhịp nhanh nhĩ đa ổ là gì?
Nhịp nhanh nhĩ đa ổ (Multifocal Atrial Tachycardia - MAT) là tình trạng xuất hiện nhiều tín hiệu bất thường từ các buồng trên của tim. Những tín hiệu điện này tạo ra nhịp tim nhanh, không đều. Giống như các loại bệnh nhịp nhanh nhĩ khác, nhịp tim của người bệnh cao hơn 100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim của người bị MAT có thể đạt tới 150 nhịp mỗi phút.
2. Sự khác biệt giữa rung nhĩ và nhịp nhanh nhĩ đa ổ là gì?
Cả hai tình trạng đều là nhịp tim bất thường xảy ra ở buồng nhĩ của tim. Thông thường, một người bị nhịp nhanh nhĩ đa ổ có thể bị chẩn đoán nhầm thành rung nhĩ.
Các bác sĩ cần dựa vào kết quả điện tâm đồ của bệnh nhân để phân biệt sự khác biệt giữa rung nhĩ và MAT. Bác sĩ sẽ theo dõi sự hiển thị của sóng P khi tâm nhĩ của bệnh nhân co lại để xác định bệnh nhân đang mắc phải tình trạng nào.
Khoảng một nửa số người mắc chứng MAT sẽ bị rung tâm nhĩ hoặc cuồng nhĩ.
3. Nhịp nhanh nhĩ đa ổ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
MAT là một loại nhịp tim bất thường hiếm gặp, có ít hơn 1% trường hợp bệnh nhân rối loạn nhịp tim mắc phải tình trạng này.
Phần lớn người mắc phải MAT có độ đuổi trung bình khoảng 70 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ em cũng có thể mắc bệnh.
Khi phải bơm máu quá thường xuyên, tim sẽ không có thời gian để đưa đủ máu lưu thông vào bốn buồng. Máu nghèo oxy di chuyển qua các buồng tim trước khi đi đến phổi để lấy oxy.
Chỉ với một khoảng thời gian ngắn giữa các lần bơm, lượng máu trong mỗi buồng sẽ ít hơn so với mức cần thiết cơ thể. Đồng nghĩa với việc, sau mỗi nhịp tim, lượng máu có thể đi đến các tế bào của cơ thể sẽ ít hơn bình thường.
4. Các triệu chứng của bệnh
Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ không có triệu chứng cụ thể, hoặc các triệu chứng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn nhịp tim khác.
Các triệu chứng MAT mà chúng ta có thể gặp gồm có:
- Đau ngực.
- Đánh trống ngực.
- Hụt hơi.
- Ngất xỉu.
5. Nguyên nhân gây bệnh
Có khoảng 60% đến 85% bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ đa ổ đang mắc phải bệnh phổi. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được xem là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nhịp tim bất thường này.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Suy hô hấp.
- Nhiễm trùng.
- Bệnh động mạch vành.
- Suy tim.
- Người có nồng độ kali, magie hoặc natri thấp.
- Bệnh ung thư.
- Bệnh tiểu đường.
- Người từng trải qua các ca phẫu thuật lớn.
- Bệnh suy thận.
- Bệnh thuyên tắc phổi.
- Các bệnh van tim.
6. Các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm
Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp chẩn đoán MAT duy nhất. Bác sĩ có thể phát hiện bệnh nhân đang mắc phải tình trạng này bằng cách đọc kết quả điện tâm đồ
Sau khi chẩn đoán bệnh nhân đang mắc MAT, bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm khác để đánh giá mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp X-quang ngực.
- Xét nghiệm máu.
- Siêu âm tim.
Mỗi khi đi thăm khác, hãy nhớ đặt câu hỏi nếu bản thân không hiểu tình trạng hoặc cách điều trị mà bác sĩ đang chỉ định cho mình. Khi nguyên nhân gây bệnh được cải thiện, tình trạng nhịp tim bất thường cũng sẽ tốt hơn.
7. Điều trị
MAT không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu bạn mắc bệnh này, có khả năng bạn đang có những tình trạng nghiêm trọng đi kèm khác. Trong hầu hết trường hợp, cách tốt nhất để điều trị MAT là điều trị các tình trạng đi kèm. Khi các tình trạng này được kiểm soát, rối loạn nhịp tim sẽ thuyên giảm.
Điều trị bằng thuốc kiểm soát nhịp tim có thể không hiệu quả đối với MAT. Tình trạng này có thể tự giới hạn và tái phát.
Nếu bạn đang có tình trạng mất cân bằng điện giải (bao gồm Natri, Kali, Magiê, Canxi), bác sĩ có thể điều chỉnh lại. Ngoài ra còn điều trị khác như ức chế beta, ức chế canxi có thể được sử dụng tùy thuộc vào tình trạng của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.