Nhìn lóa do tổn thương đáy mắt

Mắt nhìn xa bị nhòe, nhìn lóa, hay còn gọi là mắt bị mờ sương thường sẽ gây ra cảm giác khó chịu cùng kéo theo nhiều bất cập trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Cùng đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nhìn do tổn thương đáy mắt.

1. Nhìn lóa và tổn thương đáy mắt là gì ?

Nhìn lóa có thể là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong các bệnh liên quan đến mắt. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mắt nhìn lóa không rõ, những phần lớn các trường hợp do tổn thương đáy mắt. Vì thế, khi có hiện tượng mắt nhìn bị nhòe, bạn có thể đi khám, xác định được tình trạng bệnh để tìm hiểu cách điều trị mắt bị mờ được chính xác và hiệu quả nhất.

Mắt nhìn lóa không rõ thường chỉ là tình trạng khởi phát của tình trạng giảm thị lực từ từ hoặc đột ngột mất đi hoàn toàn thị lực ở cả 2 mắt. Khi gặp tình trạng này cần xác định tình trạng bệnh lý, xác định đặc điểm khởi phát của hiện tượng, thời gian và tiến triển của các triệu chứng ở một hoặc cả 2 mắt. Khi khai thác bệnh sử, bác sĩ thăm khám cần lưu ý rằng bệnh nhân có thể không nhận ra tình trạng khuyết tật thị trường của bản thân nhưng họ có thể mô tả với bác sĩ những hiện tượng như là khó nhìn thấy chữ khi đọc sách hoặc vấp khi leo cầu thang. Ngoài ra, một số triệu chứng nguy hiểm có thể gặp phải liên quan đến mắt đó là đỏ mắt, hiện tượng nhìn thấy ruồi bay hoặc chớp sáng, đau khi di chuyển mắt hoặc sợ ánh sáng. Bên cạnh những dấu hiệu trên mắt, bác sĩ cần khai thác toàn trạng bệnh nhân bao gồm các triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như tăng cảm giác khát, đa niệu. Nhìn lóa cũng có thể do tiền sử của các chấn thương mắt đã điều trị trước đây hoặc các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt như tăng huyết áp, tiểu đường, HIV/AIDS, lupus ban đỏ, thiếu máu hồng cầu hình liềm, tuổi già và các hội chứng làm tăng độ nhớt của máu.

Tổn thương đáy mắt là một tổn thương hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều người không coi trọng bệnh lý tổn thương đáy mắt. Đáy mắt là phân vùng của 2 vị trí cấu trúc có liên hệ mật thiết với nhau đó là dịch kính và võng mạc. Dịch kính là khối dịch trong suốt, chiếm phần lớn không gian bên trong nhãn cầu. Võng mạc là lớp thần kinh cảm thụ ánh sáng từ bên ngoài lọt vào trong mắt. Lớp thần kinh thụ cảm ánh sáng này có vai trò tiếp nhận, dẫn truyền các tín hiệu về ánh sáng lên trung tâm. Ở trong võng mạc có một điểm vô cùng quan trọng đó chính là điểm vàng. Điểm vàng giúp mắt nhìn rõ được các chi tiết của hình ảnh.

Những tổn thương phát sinh ở dịch kính hoặc ở võng mạc được gọi là tổn thương đáy mắt. Các tổn thương đáy mắt bắt đầu với những triệu chứng nhỏ giống với các bệnh lý khác nên dễ bị bỏ qua. Các tổn thương này chỉ có thể được phát hiện bằng cách khám mắt, cần phát hiện sớm các tổn thương này để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như giảm hoặc mất hẳn thị lực. Người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh lý hoặc tổn thương về đáy mắt cần đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa. Đặc biệt là khi người bệnh cảm nhận thấy sự thay đổi trong thị giác như có chấm đen, chớp sáng, nhìn lóa, nhìn mờ... thì cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và điều trị. Việc điều trị những tổn thương này có hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu khi mà tổn thương chưa vào đến vùng trung tâm của nhãn cầu, mới chỉ ở phần ngoại vi. Bên cạnh các biện pháp điều trị, một lối sống lành mạnh có thể giúp phòng chống các tổn thương đáy mắt, hãy thực hành một lối sống không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, không để béo phì, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho mắt như vitamin A, vitamin C, lutein, zeaxanthin, beta-carotene, omega-3, kẽm. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để duy trì cân nặng. Nếu bạn đang mắc một trong các bệnh lý có ảnh hưởng đến mắt hãy tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng liên quan đến mắt xảy ra.


Tổn thương đáy mắt là một tổn thương hay gặp ở người cao tuổi.
Tổn thương đáy mắt là một tổn thương hay gặp ở người cao tuổi.

2. Các bệnh lý đáy mắt gây mù lòa thường gặp

Những bệnh lý đáy mắt có thể gây mù lòa ở người bệnh và dẫn đến hệ lụy liên quan đến sức khỏe đối với người bệnh, kinh tế xã hội đối với gia đình. Một số bệnh lý đáy mắt gây mù lào thường gặp nhất là: Bệnh thoái hoá điểm vàng ở người già (AMD), bệnh phù điểm vàng ở bệnh nhân tiểu đường (DME) và các bệnh tĩnh mạch trung gian.

Thoái hoá điểm vàng hay còn gọi là thoái hoá hoàng điểm là sự thoái hoá của tế bào hoàng điểm do tuổi cao. Sự thoái hoá này làm cho hình ảnh bị mờ và hình ảnh ở phần chính giữa bị méo mó, biến dạng hoặc thậm chí có thể gây mất thị lực. Thoái hoá điểm vàng thường gặp ở những người trên 50 tuổi và bệnh này được chia làm 2 thể: Thể khô và thể ướt. Thoái hoá điểm vàng thể khô tiến triển từ từ, bắt đầu với một điểm mờ nhỏ ở vùng trung tâm hình ảnh, theo thời gian điểm mờ này sẽ càng to hơn và tối hơn. Thoái hoá điểm vàng thể ướt xảy ra đột ngột và nguy hiểm hơn bởi 90% trường hợp sẽ dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, 42% người bệnh sẽ có nguy cơ bị mắt thứ 2 tương tự mắt thứ nhất trong vòng từ 3-5 năm sau.

Phù hoàng điểm do tiểu đường (DME): Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ở bệnh nhân tiểu đường biến chứng mắt trong đó có bệnh đáy mắt chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ biến chứng đáy mắt ở người bệnh tiểu đường có thể lên đến xấp xỉ 29% ở nhóm người trên 40 tuổi. Điều này được giải thích bằng cơ chế tăng sinh mạch máu biểu mô ở mạch máu đáy mắt trong những bệnh nhân tiểu đường. Điều này sẽ dẫn đến tăng khả năng thoát mạch và xuất tiết ở hoàng điểm dẫn đến phù. Hậu quả nghiêm trọng nhất là dẫn đến mù lòa nhưng cũng có thể chỉ dừng lại ở mức độ giảm thị lực hoặc biến dạng hình ảnh.


Những bệnh nhân tiểu đường có thể gặp các biến chứng tổn thương đáy mắt như phù hoàng điểm do tiểu đường
Những bệnh nhân tiểu đường có thể gặp các biến chứng tổn thương đáy mắt như phù hoàng điểm do tiểu đường

Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc (RVO) là một bệnh lý đáy mắt phổ biến thường gặp chỉ sau bệnh DME. Đối với người cao tuổi với nguy cơ cao về các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý tim mạch do tăng độ nhớt của máu là những người có nguy cơ cao bị tắc tĩnh mạch võng mạc. Khi tĩnh mạch bị tắc thì thị lực sẽ bị giảm mạnh, các hoạt động và cuộc sống trước đây không còn được đầy đủ các chức năng như trước. Các biến chứng nặng của bệnh chỉ có thể được phòng tránh bằng cách can thiệp sớm với các biến pháp giám sát, theo dõi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe