Thuốc Alosetron được sử dụng chủ yếu để điều trị và làm thuyên giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích IBS. Trong quá trình điều trị bằng Alosetron, bệnh nhân cần ghi nhớ uống thuốc theo đúng hướng dẫn nhằm đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
1. Alosetron là thuốc gì?
Alosetron thuốc thuộc nhóm đối kháng 5-HT3, chứa hoạt chất chính là alosetron hydrochloride, được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích IBS và mang lại hiệu quả đặc biệt cao đối với những người gặp phải vấn đề chính là tiêu chảy trong ít nhất 6 tháng. Alosetron không phải là thuốc chữa triệt để được hội chứng ruột kích thích (IBS) mà chỉ có tác dụng giúp người bệnh giảm cơn đau bụng và tình trạng muốn đi tiêu chảy đột ngột.
Theo các chuyên gia, thuốc Alosetron không nên sử dụng cho trẻ nhỏ bởi đã có báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ở người lớn. Chính vì vậy, dù là đối tượng người bệnh nào cũng cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng Alosetron.
2. Công dụng của thuốc Alosetron
Thuốc Alosetron được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 0,5 hoặc 1mg. Bác sĩ thường chỉ định Alosetron cho những tình trạng sau:
- Phụ nữ bị tiêu chảy (triệu chứng chính) do mắc hội chứng ruột kích thích.
- Điều trị cho các triệu chứng khác của IBS như chuột rút, đau và cảm giác muốn đi tiêu khẩn cấp.
- Điều trị cho người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) không cải thiện được bệnh khi áp dụng các phương pháp điều trị khác.
Hoạt chất chính Alosetron hydrochloride trong thuốc là một chất đối kháng mạnh và có chọn lọc đối với những thụ thể 5-HT3. Các thụ thể này hiện diện ở vô số tế bào thần kinh trong đường ruột, khi bị kích thích quá mẫn khiến cho ruột phải vận động quá mức cần thiết. Thuốc Alosetron giúp giảm tình trạng tiêu chảy nhờ vào cơ chế ngăn chặn những thụ thể 5-HT3, vì vậy nó mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát các triệu chứng của hội chứng IBS.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Alosetron
2.1 Liều lượng sử dụng thuốc Alosetron
- Liều khởi đầu thuốc alosetron
Người bị hội chứng ruột kích thích nên uống liều khởi đầu alosetron với hàm lượng 0,5mg / lần và 2 lần / ngày. Nếu hiện tượng táo bón xảy ra khi dùng liều này, bạn có thể ngưng dùng thuốc tạm thời cho đến khi hết triệu chứng, sau đó bắt đầu lại với liều 0,5mg / lần / ngày. Nếu táo bón vẫn tiếp tục tái phát trở lại, người bệnh cần ngưng điều trị ngay.
- Liều duy trì thuốc alosetron
Bệnh nhân nên uống liều duy trì alosetron với hàm lượng 0,5mg / ngày, ngày 2 lần (nếu dung nạp và kiểm soát tốt triệu chứng IBS). Trong trường hợp người bệnh dung nạp được với thuốc nhưng các triệu chứng IBS không thuyên giảm sau 4 tuần điều trị, bác sĩ có thể chỉ định dùng tăng liều lên 1mg / ngày và 2 lần / ngày. Nếu tiếp tục không đạt được hiệu quả điều trị hội chứng ruột kích thích sau liên tiếp 4 tuần nữa thì người bệnh cần ngừng sử dụng alosetron.
2.2 Cách sử dụng thuốc Alosetron
Nhằm sử dụng thuốc Alosetron đúng cách, bạn nên đọc thật kỹ những hướng dẫn sử dụng thuốc được bác sĩ cung cấp trước khi bắt đầu dùng. Thuốc alosetron được bào chế dưới dạng viên nén, do đó người bệnh cần uống thuốc cùng nước, có thể cùng hoặc không cùng với thức ăn (tuỳ vào chỉ định của bác sĩ).
Thuốc Alosetron thường được uống từ 1 – 2 lần / ngày với liều lượng được xác định cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Tránh bắt đầu sử dụng Alosetron đối với những người đang mắc bệnh táo bón. Ngoài ra, người bệnh nên uống Alosetron vào cùng một khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày để tránh bỏ lỡ liều thuốc. Không tự ý dùng thuốc ít, nhiều hoặc thường xuyên hơn so với chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể bắt đầu dùng Alosetron với hàm lượng thấp, sau 4 tuần nếu không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng có thể tăng liều lên theo khuyến cáo của bác sĩ. Nhìn chung, Alosetron chỉ có tác dụng kiểm soát hội chứng IBS mà không có khả năng chữa khỏi nó. Nếu bạn ngừng dùng thuốc đột ngột, các triệu chứng IBS có thể quay trở lại trong vòng 1 – 2 tuần.
2.3 Chống chỉ định sử dụng Alosetron cho trường hợp nào?
Không dùng thuốc Alosetron cho những đối tượng dưới đây:
- Người quá mẫn với hoạt chất Alosetron HCL hay bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc.
- Người mắc bệnh táo bón, táo bón mãn tính, táo bón nặng hoặc có các biến chứng liên quan đến táo bón.
- Người bị hẹp đường ruột, có tiền sử tắc ruột, thủng / dính đường tiêu hoá hoặc phình đại tràng.
- Người có tiền sử bị viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ, viêm tắc tĩnh mạch, suy giảm tuần hoàn máu ở ruột hoặc tăng tình trạng đông máu.
- Người từng mắc bệnh Crohn, viêm túi thừa đại tràng hoặc viêm loét đại tràng.
- Người có tiền sử bị suy gan nặng.
- Người bệnh đang sử dụng đồng thời với fluvoxamine.
3. Một số tác dụng phụ của thuốc Alosetron
Trong quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích bằng thuốc Alosetron, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn sau đây:
Tác dụng phụ thường gặp của Alosetron:
- Khó chịu vùng bụng, đau bụng hoặc chướng bụng.
- Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy nặng hoặc táo bón.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Đau dạ dày, viêm dạ dày ruột, đầy hơi, mệt mỏi hoặc nhức đầu.
- Bệnh trĩ, co thắt cơ, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho viêm họng.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Alosetron:
- Khó tiêu, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, co thắt đường tiêu hoá.
- Loạn nhịp nhanh và một số biến chứng của táo bón (thủng ruột, tắc nghẽn, tắc ruột, phình đại tràng, hẹp đường ruột).
- Loạn nhịp thở, khó chịu, lo lắng, mệt mỏi, hạ đường huyết.
- Chuột rút.
- Đổ mồ hôi, tiểu nhiều, nổi mày đay hoặc rối loạn điều hoà thân nhiệt.
*Tác dụng phụ hiếm gặp của Alosetron:
- Loạn nhịp tim.
- Xuất huyết, tăng huyết áp, viêm thanh quản.
- Nhiễm trùng tai / mũi / họng.
- Giảm chức năng vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
- Mất cân bằng các chất điện giải và nước trong cơ thể.
- Viêm đại tràng, viêm dạ dày – tá tràng – ruột.
- Tắc nghẽn đường tiêu hoá.
- Tăng lượng đường trong máu.
- Đại tiện ra máu.
- Nhu động ruột giảm.
- Suy giảm trí nhớ, mơ màng, rối loạn nhận thức.
- Viêm túi mật hoặc nồng độ bilirubin bất thường.
- Rối loạn chức năng sinh dục, nhiễm trùng, nhiễm nấm, xuất huyết đường sinh dục.
- Viêm bàng quang, cảm giác bỏng rát hoặc nóng lạnh thất thường.
- Rối loạn vị giác.
- Rụng tóc từng mảng, viêm nang lông, mụn trứng cá, chàm da, dị ứng da, viêm da hoặc nhiễm trùng da.
Khi xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, người bệnh cần dừng thuốc Alosetron ngay lập tức. Báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện các biến chứng táo bón nghiêm trọng để có biện pháp giải quyết thích hợp.
4. Một số lưu ý quan trọng khi dùng thuốc Alosetron
Nhằm giúp đảm bảo được hiệu quả điều trị và độ an toàn khi sử dụng thuốc Alosetron, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Trước khi điều trị hội chứng ruột kích thích bằng Alosetron, bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu từng có tiền sử bị dị ứng với hoạt chất Alosetron HCL hoặc mẫn cảm với bất kỳ dược chất nào khác trước đó.
- Báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh của mình, nhất là những vấn đề như táo bón, tắc nghẽn ruột, thiếu máu cục bộ, viêm đại tràng, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, viêm túi thừa, cục máu đông, bệnh gan,...
- Người lớn tuổi cần cẩn trọng khi dùng Alosetron do cơ địa nhạy cảm hơn với những tác dụng phụ của thuốc, nhất là táo bón.
- Phụ nữ mang thai chỉ được dùng Alosetron khi thực sự cần thiết và sau khi được bác sĩ chấp thuận cũng như xác định rõ nhưng lợi ích và rủi ro mà Alosetron mang lại.
- Nếu trót bỏ lỡ một liều Alosetron, bạn cần uống ngay khi nhớ ra, nhưng cần tránh uống gấp đôi liều nếu đã đến gần thời điểm dùng liều tiếp theo.
5. Thuốc Alosetron tương tác với các loại thuốc nào?
Công dụng và nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc Alosetron có thể bị ảnh hưởng bởi sự tương tác thuốc. Do đó, trước khi sử dụng Alosetron, người bệnh cần liệt kê các loại thuốc đang được sử dụng và báo cho bác sĩ điều trị. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng, ngừng hoặc điều chỉnh liều của bất cứ loại thuốc nào khi bắt đầu uống Alosetron.
Dưới đây là một số loại thuốc khi dùng kết hợp với Alosetron có thể gây phản ứng tương tác, bao gồm:
- Fluvoxamine.
- Apomorphine dùng cùng với Alosetron làm tăng tác dụng hạ huyết áp của apomorphine.
- Các loại thuốc chống nấm azole.
- Chất ức chế protease.
- Thuốc chuyển hóa qua N –acetyltransferase như hydralazine, isoniazid và procainamide.
- Các loại thuốc có cùng tác dụng phụ táo bón khi dùng chung với Alosetron sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng táo bón nghiêm trọng.
- Thuốc làm tăng serotonin khác như thuốc lắc hoặc thuốc chống trầm cảm (nhóm SNRI hoặc SSRI) khi dùng chung với Alosetron có thể làm tăng nguy cơ gặp phải hội chứng ngộ độc serotonin.
- Không sử dụng thuốc lá khi dùng Alosetron vì khói thuốc có thể làm giảm nồng độ Alosetron trong huyết thanh.
Thuốc Alosetron được sử dụng chủ yếu để điều trị và làm thuyên giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích IBS. Trong quá trình điều trị bằng Alosetron, bệnh nhân cần ghi nhớ uống thuốc theo đúng hướng dẫn nhằm đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com