Chanh là loại quả có vị chua, được dùng để làm thực phẩm trên khắp thế giới. Bộ phận được sử dụng chủ yếu của chanh là nước ép của nó, các phần còn lại cũng được sử dụng phổ biến trong nấu ăn và nướng bánh. Vậy ăn chanh có tác dụng gì và ăn nhiều chanh có tốt không? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
1. Ăn chanh có tác dụng gì?
Chanh là loại quả có chứa nhiều vitamin C và nước, do đó nó có một số tác dụng nổi trội như sau:
- Thịt quả chanh có vị chua, tính mát, công dụng thanh nhiệt, chống buồn nôn, sát trùng, giúp sáng mắt, chữa ho, lợi tiêu hóa. Vỏ quả chanh có vị đắng, the, có mùi thơm, tính lạnh. Tổng quan quả chanh cho tác dụng thanh nhiệt, thông khí, tiêu đờm, tiêu thực, chữa trị cảm sốt, nhức đầu, trị ho có đờm...
- Chanh là loại trái cây có khả năng làm giảm hôi miệng, trị cảm sốt, nhức đầu và làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng;
- Chanh rất giàu vitamin C, chứa ít calo, mỗi quả chanh chỉ chứa khoảng 20 calo, trong đó 90% là nước. Tất cả bộ phận của quả chanh như nước ép, vỏ và hạt chanh đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh;
- Uống nước chanh giúp cơ thể sản xuất nhiều nước bọt hơn, giúp hạn chế khả năng sản sinh vi khuẩn, đồng thời làm sạch các chất cặn trắng trên lưỡi, loại bỏ mảng thức ăn còn sót lại bên trong khoang miệng;
- Chanh có tác dụng giải độc gan, tăng cường hoạt động của gan thông qua quá trình tăng sản xuất axit mật cần thiết cho sự tiêu hóa;
- Khi bị sốt có thể uống một cốc nước chanh để cung cấp kali và năng lượng, giúp người bệnh giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn;
- Những người bị thừa cân có thể uống một cốc nước chanh (1 quả) pha loãng mỗi ngày sẽ giúp giảm cân hiệu quả;
- Vitamin C dồi dào trong quả chanh giúp làm giảm các vết thâm, vết đốm trên da, cải thiện nếp nhăn. Có thể kết hợp chanh với mật ong, lá bạc hà, gừng hoặc quế để cải thiện hương vị, loại bỏ chất độc khỏi cơ thể, giúp da trắng sáng, mịn màng hơn.
2. Ăn nhiều chanh có hại không?
Tương tự bất kỳ loại thực phẩm nào khác, bên cạnh những tác dụng có lợi thì việc lạm dụng quá mức hay dùng sai cách có thể gây phản tác dụng. Vậy ăn nhiều chanh có hại không? Sau đây là những tác hại không mong muốn đến sức khỏe khi sử dụng chanh quá nhiều:
2.1. Sử dụng quá mức dẫn đến bệnh loét dạ dày
Loét dạ dày là tình trạng niêm mạc ở dạ dày, tá tràng hoặc phần dưới thực quản xuất hiện các vết loét. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này là tình trạng dư thừa quá mức axit của dịch dạ dày. Lạm dụng chanh chính là một yếu tố thuận lợi làm tăng lượng axit dư thừa và hậu quả là gây loét dạ dày theo mức độ từ nhẹ đến nặng.
Bên cạnh đó, nước cốt chanh có tính axit, có thể ăn mòn niêm mạc hoặc làm trầm trọng thêm các vết loét dạ dày có sẵn. Do đó, những đối tượng đã mắc bệnh loét dạ dày nên hạn chế việc sử dụng nước cốt chanh tươi nguyên chất để không làm bệnh trở nên nặng hơn. Thay vào đó hãy uống nước cốt chanh pha loãng, vừa tận dụng tác dụng của chanh vừa hạn chế gây hại cho cơ thể.
2.2 Sử dụng chanh quá mức gây trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi tắt là GERD) là bệnh đường tiêu hóa hay gặp với các dấu hiệu như buồn nôn, nôn ói, đau ngực hoặc loét họng... Có nhiều nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ dẫn đến GERD và việc sử dụng chanh quá nhiều là một trong số đó.
Lượng axit trong quả chanh có thể gây suy yếu lớp ranh giới ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho lượng axit dư thừa trong dạ dày di chuyển lên thực quản, hầu họng, gây triệu chứng nóng rát khó chịu. Đồng thời, lượng axit dạ dày còn trực tiếp bào mòn lớp niêm mạc thực quản, khiến tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn.
2.3. Ăn nhiều chanh có thể gây mất nước
Mặc dù chứa hàm lượng lớn vitamin C, một chất vi lượng vô cùng cần thiết cho cơ thể nhưng nếu chúng ta sử dụng chanh quá nhiều lại vô tình khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu và gián tiếp gây mất nước.
2.4. Tăng nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu
Nước cốt chanh tươi có tính axit có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên không phải ai cũng biết việc sử dụng chanh quá mức đôi khi có thể dẫn đến những cơn đau đầu thường xuyên. Một số nghiên cứu tin cậy đã chứng minh việc sử dụng một lượng chanh đáng kể là nguyên nhân dẫn đến chứng đau nửa đầu.
Thủ phạm được xác định là do một loại axit amin có tên là tyramine, tồn tại trong chanh với số lượng khá lớn. Dưới tác dụng của loại axit amin này sẽ khiến lượng máu dồn lên não tăng cao bất ngờ và gây ra chứng đau nửa đầu.
5. Tăng nguy cơ hình thành sỏi thận
Bên cạnh nước cốt, phần vỏ quả chanh được sử dụng rộng rãi trong các công thức nấu ăn và đây là một yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ hình thành sỏi thận. Lý giải cho điều này đó là vỏ chanh có hàm lượng oxalat rất cao, khi đưa vào cơ thể oxalat sẽ biến đổi thành dạng tinh thể và ngăn ngừa sự hấp thu canxi, do đó dẫn đến hình thành sỏi thận.
2.6. Gây các vấn đề răng miệng
Các thành phần có trong chanh như Axit citric, axit ascorbic và lượng đường tự nhiên là những yếu tố thuận lợi cho các vấn đề về răng miệng (như sâu răng và ăn mòn răng). Để hạn chế tình trạng này, chúng ta chỉ nên sử dụng nước cốt chanh đã được pha loãng.
2.7. Gây ra nhiều vấn đề về đường ruột
Sử dụng quá nhiều nước cốt chanh tươi có thể khiến cơ thể gặp các vấn đề về tiêu hóa. Lý giải cho tác dụng phụ này là do lượng vitamin C có trong chanh vượt trội so với lượng vitamin C cơ thể có thể hấp thụ. Do đó, lượng vitamin C dư thừa không được hấp thụ có thể gây nên các triệu chứng về đường ruột như tiêu chảy và buồn nôn.
3. Thời điểm thích hợp để uống nước chanh
“Ăn chanh có tác dụng gì” hay “ăn nhiều chanh có tốt không” còn tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó. Các chuyên gia cho biết, thời điểm sử dụng nước cốt chanh thích hợp để phát huy hiệu quả bao gồm:
- Khoảng 30 phút sau các bữa ăn: Hạn chế hấp thụ lượng đường tự nhiên;
- Buổi sáng sau thức dậy: Thời điểm này nếu sử dụng chanh sẽ giúp thanh lọc cơ thể, làm sạch đường ruột;
- Khoảng 30 phút sau khi tập thể dục: Lúc này nước chanh sẽ giúp cân bằng chất điện giải, bù muối khoáng và hỗ trợ đốt mỡ thừa tốt hơn.
Một số cách sử dụng chanh mang lại hiệu quả khác:
- Những người ăn uống khó tiêu hãy dùng nước cốt chanh tươi pha loãng cùng một lát gừng để tăng cường bài tiết dịch tiêu hóa, từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn;
- Hạn chế sử dụng nước chanh nóng do hàm lượng axit trong chanh hoạt động mạnh hơn ở nhiệt độ cao, đồng thời chúng có thể hòa tan men răng làm răng ngả màu và tăng nhạy cảm;
- Ngoài ra, chúng ta có thể vắt lấy nước nửa quả chanh tươi, thêm 1-2 thìa cà phê mật ong và pha chung với một cốc nước ấm để tăng hiệu quả.
Chanh là loại quả có vị chua, tính mát, công dụng thanh nhiệt, chống buồn nôn, sát trùng, giúp sáng mắt, chữa ho, lợi tiêu hóa... Tuy nhiên, việc lạm dụng chanh quá mức hay dùng sai cách có thể gây phản tác dụng. Chỉ nên dùng chanh ở mức độ vừa phải để phát huy hết công dụng của loại quả này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.