Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Các bà mẹ hầu như luôn cảm thấy hài lòng hơn khi trẻ có thân hình to béo, mập mạp. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của bệnh béo phì ở trẻ. Vì thế, mẹ nên kiểm soát cân nặng ở mức tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
1. Các bằng chứng cho thấy nhiều bà mẹ không hiểu rõ về cân nặng của con
Đa số các bà mẹ không nhận ra con bị thừa cân, béo phì khi tuổi còn nhỏ. Dấu hiệu bệnh béo phì ở trẻ không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tạo tiền đề xảy ra bệnh khi trẻ lớn lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra có tới 70% bà mẹ đánh giá sai cân nặng khi được chọn một hình ảnh phản ánh kích thước cơ thể trẻ, và 88% bà mẹ hài lòng với cân nặng của trẻ thừa cân hơn so với trẻ có cân nặng bình thường.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Erin R. Hager tại Đại học Y khoa Maryland ở Baltimore trên 281 bà mẹ trong việc đánh giá kích thước cơ thể trẻ cho kết quả: "Hầu hết các bà mẹ đều không biết cân nặng chính xác nhưng rất hài lòng với cân nặng của trẻ. Những người không hài lòng thường muốn con mình tăng cân hơn nữa”. Tiến sĩ Hager còn cho biết thêm: "Điều này là không tốt nếu đứa trẻ đã đạt cân nặng tiêu chuẩn hoặc thừa cân”.
2. Đứa trẻ mũm mĩm có phải là đứa trẻ khỏe mạnh?
Đứa trẻ mũm mĩm chưa hẳn là đứa trẻ khỏe mạnh. Tiến sĩ Hager nói rằng: “Nhiều người tin rằng trẻ béo ú là dấu hiệu của việc chăm sóc con chu đáo, tuy nhiên điều này không còn chính xác nữa”.
Trẻ được ăn uống thừa chất có nguy cơ cao trở thành người béo phì khi lớn lên, đặc biệt là trong trường hợp bố mẹ nhầm tưởng trẻ bị thiếu cân và cố gắng thực hiện các biện pháp tăng cân cho trẻ.
3. Nhận biết trẻ bị thừa cân bằng cách nào?
Để xác định trẻ có bị thừa cân, béo phì hay không, bạn nên đưa trẻ đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ đo cân nặng, chiều cao, tính chỉ số BMI, so sánh với kích thước tiêu chuẩn để đưa ra lời khuyên chăm sóc trẻ tốt cho gia đình.
4. Phòng tránh béo phì ở trẻ nhỏ
Tiến sĩ Sarah E. Messiah, Đại học Y khoa Miami Miller ở Florida khuyên rằng các gia đình nên giới hạn mức độ ăn ở những đứa trẻ có dấu hiệu béo phì.
Các thói quen ăn uống có thể dễ dàng tạo dựng khi trẻ còn nhỏ. Vì vậy, khi tập cho trẻ ăn, bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều trái cây, hoa quả; tránh các thực phẩm không có lợi như nước trái cây và soda.
Ngoài ra, khi trẻ có dấu hiệu béo phì, gia đình nên đưa trẻ đi khám. Khi tới khám, bác sĩ nhi khoa sẽ xác định mức độ cân nặng và đưa ra lời khuyên hữu ích để duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân an toàn.
Béo phì ở trẻ gây ra những hệ lụy không mong muốn, vì vậy các bậc cha mẹ cần duy trì, hướng dẫn trẻ tập các thói quen lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống phù hợp, cho trẻ vận động tập thể dục thường xuyên; để cân trong nhà, hằng ngày theo dõi cân nặng cho trẻ, tránh để trẻ thừa cân nặng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com