Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Mặc dù không phổ biến, nhưng sinh con khiến bạn dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng tử cung sau sinh, nhiễm trùng cổ tử cung sau sinh, âm đạo và/hoặc đáy chậu hoặc vết mổ. Không phải tất cả các bệnh nhiễm trùng sau sinh đều ở vùng xương chậu, chúng cũng có thể xảy ra trong bàng quang hoặc thận nếu bạn cần được đặt ống thông tiểu.
1.Nguyên nhân nhiễm trùng tử cung sau sinh mổ/sinh thường
Nhiễm trùng hậu sản xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm sang tử cung và các khu vực xung quanh sau khi phụ nữ sinh con. Nó còn được gọi là nhiễm trùng hậu sản.
Người ta ước tính rằng 10% các ca tử vong liên quan đến thai nghén ở Hoa Kỳ là do nhiễm trùng. Tỷ lệ tử vong được cho là cao hơn ở những khu vực không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Có một số loại nhiễm trùng tử cung sau sinh, bao gồm:
- Viêm nội mạc tử cung: nhiễm trùng niêm mạc tử cung
- Viêm cơ tử cung: nhiễm trùng cơ tử cung
- Viêm phần phụ (parametritis): nhiễm trùng các khu vực xung quanh tử cung
Vi khuẩn sống trong âm đạo có thể gây nhiễm trùng sau khi sinh. Các điều kiện khiến phụ nữ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng bao gồm:
- Thời gian từ lúc vỡ ối cho đến khi sinh kéo dài (thường hơn 18 giờ)
- Chuyển dạ kéo dài
- Sinh mổ
- Nhân viên y tế khám âm đạo nhiều lần khi chuyển dạ
- Các mảnh nhau thai còn sót lại trong tử cung sau khi sinh
- Chảy máu nhiều sau khi sinh (băng huyết sau sinh)
- Mẹ thiếu máu
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Mẹ trẻ tuổi
- Gia đình kinh tế thấp
- Béo phì
Khả năng phát triển nhiễm trùng tử cung phụ thuộc chủ yếu vào hình thức sinh nở:
- Sinh thường qua đường âm đạo: 1 đến 3%
- Sinh mổ đã được lên lịch trước và được thực hiện trước khi bắt đầu chuyển dạ: 5 đến 15%
- Sinh mổ không theo lịch trình (sinh mổ cấp cứu) và được thực hiện sau khi bắt đầu chuyển dạ: 15 đến 20%
2.Các biểu hiện nhiễm trùng tử cung sau sinh
Các triệu chứng của nhiễm trùng tử cung thường bao gồm:
- Đau ở bụng dưới hoặc vùng chậu, sốt (thường trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi sinh), xanh xao, ớn lạnh, cảm giác ốm yếu hoặc khó chịu, và thường đau đầu và chán ăn.
- Nhịp tim nhanh.
- Tử cung sưng to, mềm và đau.
- Điển hình là dịch tiết ra từ âm đạo có mùi hôi với số lượng khác nhau. Dịch tiết ra có thể có hoặc không có máu. Nhưng đôi khi triệu chứng duy nhất là sốt nhẹ.
- Khi các mô xung quanh tử cung bị nhiễm trùng, chúng sẽ sưng lên, gây khó chịu đáng kể. Phụ nữ thường bị đau dữ dội và sốt cao.
Một số biến chứng nặng có thể xảy ra nhưng không phổ biến, chúng bao gồm những điều sau:
- Viêm phúc mạc
- Cục máu đông trong tĩnh mạch vùng chậu (viêm tắc tĩnh mạch vùng chậu)
- Cục máu đông di chuyển đến phổi và làm tắc nghẽn động mạch ở phổi (thuyên tắc phổi)
- Mức độ cao trong máu của các chất độc do vi khuẩn lây nhiễm tạo ra, dẫn đến nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng toàn thân) hoặc sốc nhiễm trùng
- Một túi mủ (áp xe) trong xương chậu
Trong nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng, người bệnh sẽ có triệu chứng huyết áp giảm đột ngột và nhịp tim rất nhanh. Thận bị tổn thương nghiêm trọng và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Những biến chứng này hiếm gặp, đặc biệt khi sốt sau sinh được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3.Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng tử cung sau sinh
Chẩn đoán nhiễm trùng tử cung sau sinh
Nhiễm trùng tử cung có thể được chẩn đoán chủ yếu dựa trên kết quả khám sức khỏe. Đôi khi nhiễm trùng được chẩn đoán khi phụ nữ bị sốt trong 24 giờ sau khi sinh và không xác định được nguyên nhân nào khác.
Thông thường, các bác sĩ lấy một mẫu nước tiểu để kiểm tra, phân tích (phân tích nước tiểu) và thực hiện nuôi cấy và kiểm tra vi khuẩn. Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp xác định nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các xét nghiệm khác hiếm khi cần thiết nhưng có thể cần thực hiện bao gồm: nuôi cấy mẫu mô lấy từ niêm mạc tử cung và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thường là chụp cắt lớp vi tính vùng bụng.
Điều trị nhiễm trùng tử cung sau sinh
Nếu tử cung bị nhiễm trùng, phụ nữ thường được dùng thuốc kháng sinh (thường là clindamycin và gentamicin) tiêm đường tĩnh mạch cho đến khi hết sốt trong ít nhất 48 giờ. Sau đó, hầu hết phụ nữ không cần dùng kháng sinh bằng đường uống.
Trước khi sinh mổ, các bác sĩ có thể cho sản phụ dùng thuốc kháng sinh ngay trước khi phẫu thuật. Khi thực hiện biện pháp này, sẽ có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng tử cung và các khu vực xung quanh tử cung.
4.Những bệnh tử cung sau sinh có thể ngăn ngừa được không?
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể là yếu tố gây nhiễm trùng tử cung sau sinh. Nhiễm trùng hậu sản xảy ra thường xuyên hơn ở những cơ sở y tế không thực hành các kỹ thuật y tế đúng theo quy trình vô khuẩn hoặc cơ sở y tế không có đủ cơ sở vật chất để thực hiện đủ các quy trình vô khuẩn. Bên cạnh đó, khi nhân viên y tế thiếu nhận thức hoặc hệ thống vệ sinh không đáp ứng được thực hành vô khuẩn, có thể dẫn đến tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn.
Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của nhiễm trùng hậu sản là kiểu sinh. Nếu bạn biết rằng bạn sắp sinh mổ, bạn có thể muốn nói chuyện với bác sĩ về những bước mà bệnh viện thực hiện để ngăn ngừa nhiễm trùng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những biện pháp phòng ngừa sau đây có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hậu sản khi sinh mổ:
- Tắm thuốc sát trùng vào buổi sáng trước khi sinh mổ
- Loại bỏ lông mu bằng tông đơ thay vì dao cạo
- Sử dụng chlorhexidine-alcohol để sát khuẩn da
- Dùng thuốc kháng sinh phổ rộng trước khi phẫu thuật
Nhiều bệnh viện đã áp dụng một số biện pháp này để giảm thiểu nguy cơ phát triển nhiễm trùng sau sinh.
Nhiễm khuẩn hậu sản là tai biến sản khoa thường gặp do nhiều nguyên nhân từ cơ sở vật chất y tế cho đến quy trình khống chế nhiễm khuẩn chưa được đảm bảo, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thậm chí là tính mạng sản phụ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, sản phụ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, merckmanuals.com, whattoexpect.com