Nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em do virus hợp bào hô hấp

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Virus hợp bào hô hấp (hay còn gọi RSV- Respiratory Syncytial Virus) là tác nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cả trên và dưới ở trẻ em. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: 60 % ở trẻ em và 80 % ở trẻ < 1 tuổi (Theo WHO).

1. Virus hợp bào hô hấp là gì?

RSV là Virus có vỏ, hình cầu thuộc họ Paramyxoviridae. Dựa vào sự biến đổi kháng nguyên và di truyền, RSV được phân thành 2 nhóm kháng nguyên chính: A và B. Hai nhóm virus hợp bào hô hấp lưu hành song song, khả năng lây nhiễm cao và có thể gây thành dịch ở cộng đồng và bệnh viện.

Ở cộng đồng:

RSV phân bố khắp nơi, có thể diễn ra như một bệnh dịch nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng hàng năm theo mùa, thường xuất hiện vào mùa mưa, hoặc mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể trẻ không kịp thích nghi.

Thời gian ủ bệnh 3-5 ngày.

Ở Bệnh viện:

RSV có thể gây nhiễm khuẩn bệnh viện cho trẻ em nằm viện từ ngày thứ 5 trở đi, bệnh thường nặng, thời gian nằm viện dài, tỷ lệ tử vong cao. Một số nghiên cứu thấy tỷ lệ nhiễm RSV bệnh viện khoảng 6,6%.


Virus RSV gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em
Virus RSV gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em

2. Các đường lây truyền của RSV

RSV có thể lây truyền qua 3 đường:

  • Lây truyền đường không khí bằng các bụi khí có kích thước nhỏ tạo ra khi ho, hắt hơi (Virus bị bất hoạt nhanh ở T> 370C, T< 230 C tồn tại lâu hơn).
  • Lây qua đường giọt bắn bằng các bụi khí lớn hay giọt nước bọt (Do đó cần cách ly đường giọt bắn).
  • Lây qua bề mặt các vật nhiễm Virus. RSV tồn tại trên bề mặt như nắm cửa, đồ chơi...là 6 giờ, găng tay cao su 1h30 phút, áo choàng vải, giấy 30-45 phút, trên da 20 phút (Do đó cần cách ly đường tiếp xúc).

Các cách lấy bệnh phẩm để xét nghiệm RSV:

  • Phết dịch mũi, phết mũi hầu bằng que vô khuẩn (ngoáy mũi hoặc họng 3 lần).
  • Hút dịch mũi hầu: Là phương pháp tốt nhất.
  • Rửa mũi.

3. Phương pháp phát hiện RSV

Có 3 phương pháp chẩn đoán RSV chủ yếu hiện nay:

  • Test nhanh: phát hiện định tính kháng nguyên virus hợp bào đường hô hấp (RSV) gây bệnh ở trẻ nhỏ.
  • PCR: Phát hiện chính xác sự có mặt DNA đặc trưng của RSV- virus hợp bào đường hô hấp trong mẫu bệnh phẩm. Độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 90%, tiên đoán dương tính 92%, tiên đoán âm tính 100%.
  • Xét nghiệm tải lượng virus, hàm lượng virus.

Kỹ thuật xét nghiệm PCR tìm DNA của virus RVS
Kỹ thuật xét nghiệm PCR tìm DNA của virus RVS

4. Triệu chứng nhiễm bệnh

RSV chỉ gây triệu chứng như cảm lạnh ở người lớn và trẻ lớn khỏe mạnh. Nhiễm RSV thường khởi phát bằng triệu chứng viêm đường hô hấp trên: bắt đầu bằng sốt nhẹ 2-4 ngày, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, khàn tiếng và viêm tai xung huyết.

RSV có thể gây viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản cấp và viêm phổi kẽ khi virus lan đến phổi ở trẻ < 2 tuổi: virus bám dính vào đường hô hấp gây phản ứng viêm, kích thích ho mạnh, tăng tiết đờm quánh dính, có thể gây tắc nghẽn cả thì hít vào và thở ra, gây khó thở nhanh, khò khè, co kéo cơ liên sườn, ăn uống kém, khó ngủ...

RSV thường gây viêm phổi nặng ở trẻ sơ sinh (Trẻ bị sơ nhiễm lần đầu):

  • Có thể bắt đầu bằng sốt nhẹ, nghẹt mũi, hắt hơi.
  • Đa số bắt đầu bằng sốt cao, thay đổi tri giác.
  • Không uống được, bỏ bú, bú kém.
  • Các triệu chứng hô hấp: Ho tăng, khò khè, nhịp thở tăng, co lõm lồng ngực, ran ở phổi, nhanh chóng rối loạn thông khí, rối loạn nhịp tim... gây Suy hô hấp.
  • RSV có thể gây biến chứng nghiêm trọng khi viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch... tử vong cao.

Dấu hiệu trẻ bỏ bú hoặc bú kém
Dấu hiệu trẻ bỏ bú hoặc bú kém

5. Các biến chứng khi nhiễm khuẩn hô hấp cấp do RSV

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp do RSV có thể gây các biến chứng:

  • Ngừng thở, đặc biệt ở trẻ < 2 tháng.
  • Xẹp phổi, đặc biệt trong Viêm tiểu phế quản ở trẻ < 3 tháng.
  • Bội nhiễm vi khuẩn: Nên dùng kháng sinh sớm ở trẻ NKHH do RSV nặng vì không biết khi nào trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp là biến chứng nặng.
  • Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất ít gặp.*
  • Mất nước có thể gặp trong giai đoạn đầu, thừa nước gặp ở giai đoạn sau.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Tử vong khi tình trạng biến chứng nặng.

6. Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp do RSV

Trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp do RSV phải nằm phòng cách ly.

Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp theo phác đồ: Viêm đường hô hấp trên, Viêm tiểu phế quản, Viêm phổi...

Điều trị hỗ trợ:

  • Cung cấp đủ nước đủ dịch trong những ngày đầu, chú ý hiện tượng thừa dịch có thể xảy ra những ngày sau.
  • Rửa mũi nước muối sinh lý ấm, thông thoáng đường thở.
  • Khí dung nước muối 3% kết hợp vật lý trị liệu hô hấp.
  • Cung cấp đủ dinh dưỡng: Ăn nhiều bữa nhỏ bằng bú mẹ, đổ thìa hay ăn sonde khi có suy hô hấp...

7. Các bước cần làm để ngăn chặn lây nhiễm RSV:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc những người đang ho, cảm lạnh và sốt...
  • Tránh chỗ đông người, đặc biệt trong mùa RSV.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chạm vào trẻ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Sử dụng khăn giấy khi ho và hắt hơi, vất ngay.
  • Không để trẻ tiếp xúc môi trường khói bụi, thuốc lá.
  • Khi bị các triệu chứng như ho, sốt cao, sổ mũi,... thì nên hạn chế tiếp xúc với trẻ, đặc biệt trẻ sinh non đang được chăm sóc.
  • Khi trẻ bị nhiễm virus thì tuyệt đối không tiếp xúc ở cự ly quá gần.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, nghẹt, chảy mũi..., cần đến cơ sở y tế để khám.
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ, nhà cửa và môi trường sống quanh thường xuyên.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý hô hấp mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe