Bệnh mạn tính không lây gồm một số bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và hô hấp,... Những căn bệnh nguy hiểm này có thể được dự phòng và hạn chế biến chứng nhờ chế độ ăn nhạt, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
1. Tổng quan về bệnh mạn tính không lây
Bệnh mạn tính không lây bao gồm các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ...), hô hấp (hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính), ung thư và đái tháo đường.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh (thiếu dinh dưỡng, thừa chất, ăn uống không hợp lý, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, hạn chế vận động) và tác động từ môi trường sống.
Bệnh mạn tính không lây là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu, trong đó các bệnh về tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách hạn chế, làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, trong đó, dinh dưỡng và chế độ ăn uống hợp lý được xem là biện pháp chính cần được quan tâm và thực hiện.
2. Ăn nhạt dự phòng các bệnh mạn tính không lây
Tăng huyết áp là một trong những bệnh mạn tính không lây chiếm tỷ lệ cao. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ, thậm chí là tử vong.
Ăn mặn, ăn thừa muối, sẽ làm tăng khả năng trương lực thành mạch, gây tích tụ nước trong tế bào và làm tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, để phòng ngừa bệnh cần thay đổi chế độ ăn bằng cách giảm lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn hằng ngày.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ <5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê). Đối với trẻ sơ sinh, lượng muối tiêu thụ được khuyến cáo là <0,3g/ngày và trẻ dưới 1 tuổi là <1,5g/ngày.
Ăn nhạt từ sớm với lượng muối theo khuyến cáo là chế độ ăn lành mạnh giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp ở trẻ em sau này. Ăn nhạt giúp ổn định, duy trì huyết áp và cũng là một phần của việc điều trị ở những bệnh nhân tăng huyết áp.
3. Làm thế nào để giảm lượng muối
Thành phần chính của muối là natri. Vì vậy, chế độ ăn nhạt bao gồm cả giảm lượng muối và những thực phẩm có hàm lượng natri nhiều. Dưới đây là một số cách để xây dựng chế độ ăn nhạt dự phòng các bệnh mạn tính không lây:
- Hạn chế sử dụng nước mắm, muối, nước tương để chấm thức ăn trong bữa ăn. Nếu dùng nên pha loãng nước mắm để chấm.
- Hạn chế hoặc giảm lượng muối, nước mắm, bột nêm, ... khi nấu nướng, dưới 1⁄5 thìa cà phê muối/bữa ăn/người/ngày.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, nhiều muối như xúc xích, thịt hộp, khoai tây chiên, ... Nếu dùng cần đọc kỹ thành phần và chọn những loại có hàm lượng muối, natri thấp.
- Với trẻ em cần tập ăn nhạt từ sớm, hạn chế nêm các loại gia vị, muối và ưu tiên những loại thực phẩm tự nhiên trong mỗi bữa ăn của trẻ, đặc biệt là trẻ mới bắt đầu ăn dặm.
Ăn nhạt là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, bởi bệnh có thể gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm như tai biến và thậm chí là tử vong.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ là địa chỉ nổi tiếng bởi chất lượng dịch vụ chuyên môn khám chữa bệnh mà còn nổi tiếng bởi đã phẫu thuật điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec luôn sẵn sàng lắng nghe, tư vấn và điều trị các căn bệnh cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thực phẩm tốt cho thể trạng của từng người bệnh.
Theo đó, các bệnh mãn tính nguy hiểm không chỉ được các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp mà các bác sĩ còn đưa ra lời khuyên giúp người bệnh duy trì lối sống tốt nhất để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.