Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Yếu tố nguy cơ là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh của con người. Mỗi loại ung thư khác nhau sẽ có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
1. Yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng có thể thay đổi
1.1 Thừa cân hoặc béo phì
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở cả nam và nữ, nhưng nam có nguy cơ nhiều hơn.
1.2 Không hoạt động thể chất
Nếu không hoạt động thể chất, khả năng bị ung thư đại trực tràng cao hơn. Tích cực vận động hơn có thể giúp giảm nguy cơ.
1.3 Một số chế độ ăn kiêng
Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu hoặc gan) và các loại thịt chế biến (như xúc xích và một số loại thịt hộp) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
1.4 Hút thuốc
Những người hút thuốc lá trong một thời gian dài có nhiều khả năng mắc ung thư đại trực tràng hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc là một nguyên nhân thường gặp của ung thư phổi và nhiều loại ung thư liên quan khác.
1.5 Uống rượu
Hạn chế sử dụng rượu bia không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
2. Yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng không thể thay đổi
2.1 Lớn tuổi
Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên khi bạn già đi. Những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh, nhưng thường gặp hơn nhiều sau 50 tuổi.
2.2 Tiền sử cá nhân về polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng
Nếu có tiền sử mắc polyp tuyến sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Điều này đặc biệt đúng nếu polyp lớn, có nhiều polyp, hoặc polyp có nghịch sản.
Nếu đã bị ung thư đại trực tràng, mặc dù đã được loại bỏ hoàn toàn, sẽ có nhiều khả năng mắc ung thư mới ở các vị trí khác của đại tràng và trực tràng
2.3 Tiền sử bệnh viêm ruột
Nếu mắc bệnh lý viêm ruột (IBD), bao gồm cả viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên.
IBD là tình trạng đại tràng bị viêm trong một thời gian dài. Nếu mắc IBD, có thể cần bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng khi còn trẻ và thường xuyên hơn.
2.4 Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc u tuyến
Những người có người thân có tiền sử ung thư đại trực tràng (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con) có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn những người không có tiền sử. Nguyên nhân có thể do yếu tố gen di truyền, các yếu tố môi trường chung như nguồn nước, thức ăn, thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Nếu bạn có tiền sử người trong gia đình mắc u tuyến hoặc ung thư đại trực tràng, hãy trao đổi với bác sĩ về nhu cầu có thể bắt đầu sàng lọc trước 45 tuổi.
2.5 Có một hội chứng di truyền
Khoảng 5% những người bị ung thư đại trực tràng có những biến đổi gen di truyền (đột biến gen) do hội chứng ung thư gia đình và có thể làm họ mắc bệnh.
Các hội chứng di truyền phổ biến nhất liên quan đến ung thư đại trực tràng là hội chứng Lynch và đa polyp tuyến gia đình (FAP), nhưng các hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Việc xác định các gia đình có các hội chứng di truyền này rất quan trọng. Nó gợi ý cho các bác sĩ đề xuất các phương pháp sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa khác khi người bệnh còn trẻ.
2.6 Bệnh tiểu đường tuýp 2
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn. Cả tiểu đường tuýp 2 và ung thư đại trực tràng đều có chung một số yếu tố nguy cơ (như thừa cân và không hoạt động thể chất). Người bệnh tiểu đường mắc ung thư cũng có xu hướng tiên lượng bệnh kém hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ