Bài viết bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phân biệt các dấu hiệu và triệu chứng của đau do cảm giác (cơ học) với đau do thần kinh (bệnh căn) là bước đầu tiên cần thiết để chẩn đoán đau lưng cấp. Có một loạt các nguyên nhân tiềm ẩn cho cả người lớn và trẻ em. Căn nguyên khác nhau tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân, nhưng phổ biến nhất là cơ học hoặc không đặc hiệu.
1. Tổng quan về bệnh đau lưng cấp
Đau lưng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải đi khám ở cả cơ sở chăm sóc ban đầu và khoa cấp cứu. Ước tính khoảng 200 tỷ đô la được chi hàng năm cho việc kiểm soát chứng đau lưng (theo tác giả Vincent E. Casiano).
Có một loạt các nguyên nhân tiềm ẩn cho cả người lớn và trẻ em. Căn nguyên khác nhau tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân, nhưng phổ biến nhất là cơ học hoặc không đặc hiệu. Không phải tất cả các cơn đau lưng đều là đau thắt lưng hoặc tăng trương lực cơ cạnh cột sống. Có đến 90% đau lưng là do nguyên nhân cơ học.
Đau lưng cơ học vừa phổ biến vừa có tỷ lệ mắc bệnh lớn. Chỉ khoảng 10% còn lại là đau lưng thấp kèm theo các dấu hiệu thần kinh như: Hội chứng equina cauda (Hội chứng chùm đuôi ngựa), xẹp đốt sống hoặc hẹp ống sống trung tâm hoặc một bên gây chèn ép cấp tính, viêm cột sống dính khớp vùng lưng. Ngoài ra, còn một tỉ lệ nhỏ liên quan đến chấn thương hoặc bệnh ác tính gây gãy vỡ cột sống hay chèn ép cấp tính dây thần kinh, tủy sống (1-2%).
Cần chẩn đoán phân biệt đau lưng cấp với các rối loạn viêm nhiễm, bệnh ác tính, mang thai, chấn thương, loãng xương, chèn ép rễ thần kinh, bệnh cơ lan tỏa, bệnh đám rối, bệnh thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, rối loạn chức năng khớp sacroiliac, chấn thương khớp mặt và nhiễm trùng.
Phân biệt các dấu hiệu và triệu chứng của đau do cảm giác (cơ học) với đau do thần kinh (bệnh căn) là bước đầu tiên cần thiết để chẩn đoán đau lưng. Các bài kiểm tra đặc biệt như nâng chân thẳng hoặc bài kiểm tra Patrick có thể được sử dụng để giúp phân biệt nguồn gốc của cơn đau lưng cấp của bệnh nhân.
2. Nguyên nhân gây bệnh đau lưng cấp
2.1 Đau cột sống do nguyên nhân cơ học
Nguyên nhân phổ biến do căng giãn cơ, giãn dây chằng cạnh cột sống quá mức; thoái hóa đĩa đệm cột sống; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1...), loãng xương nguyên phát... Loại này diễn biến lành tính, chiếm 90% số trường hợp đau cột sống thắt lưng.
2.2. Đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân
Đau cột sống thắt lưng là triệu chứng của một trong các bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương); hoặc tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ); do ung thư; do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt...), tổn thương cột sống do chấn thương...
3. Chẩn đoán đau lưng cấp
Chẩn đoán xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng. Phải chẩn đoán nguyên nhân đau cột sống thắt lưng, và điều này không phải luôn dễ dàng. Bằng chứng để chẩn đoán xác định “Đau cột sống thắt lưng do nguyên nhân cơ học” như sau:
- Đau tại vùng cột sống thắt lưng, kiểu cơ học (nghỉ ngơi có đỡ).
- Trong thời gian gần đây tình trạng toàn thân không thay đổi, không sốt, không có các rối loạn chức năng thuộc bất cứ cơ quan nào (dạ dày, ruột, sản phụ khoa, phế quản-phổi...) mới xuất hiện; không có các biểu hiện đau vùng cột sống khác: lưng, cổ, sườn, khớp khác...
- Các xét nghiệm dấu hiệu viêm và bilan phospho-calci âm tính.
- X quang cột sống thắt lưng bình thường hoặc có các triệu chứng của thoái hóa. Trường hợp có một hoặc càng nhiều các triệu chứng nêu trên bất thường, càng nghi ngờ đau cột sống thắt lưng “triệu chứng” và cần phải tìm nguyên nhân. Tùy theo gợi ý nguyên nhân nào mà chỉ định các xét nghiệm tương ứng.
Lưu ý: Đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân: Trong trường hợp đau cột sống thắt lưng là triệu chứng của một bệnh toàn thân, người bệnh thường có các triệu chứng khác kèm theo như: Sốt, dấu hiệu nhiễm trùng thường gặp do nguyên nhân nhiễm khuẩn; gầy, sút cân nhanh, đau ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc chống viêm giảm đau thông thường là các triệu chứng gợi ý nguyên nhân của bệnh ung thư; trường hợp đau thắt lưng dữ dội ngày càng tăng kèm theo dấu hiệu sốc (shock), da xanh thiếu máu nên nghi ngờ phình tách động mạch chủ bụng... Khi có dấu hiệu chỉ điểm của một bệnh toàn thân liên quan đến đau vùng thắt lưng, thầy thuốc cần hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở chuyên khoa thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chuyên sâu để tìm nguyên nhân.
Một số các trường hợp có nguyên nhân do tâm lý: Dấu hiệu đau thắt lưng xuất hiện sau các stress do áp lực của tâm lý hoặc lao động thể lực quá sức, sau đó chuyển thành đau thắt lưng mạn tính dai dẳng. Tuy nhiên, thầy thuốc cần loại trừ các bệnh thực thể gây đau thắt lưng trước khi chẩn đoán đau do nguyên nhân tâm lý.
4. Khi bị đau lưng cấp tính cần làm gì?
Nếu bạn gặp phải vấn đề đau lưng cấp tính hãy lưu ý một số việc cần làm sau:
- Nằm bất động, hạn chế vận động càng nhiều càng tốt. Tạm dừng các hoạt động thể chất đang làm, có thể là cả công việc của mình.
- Chườm lạnh vào vị trí bị đau (tránh trực tiếp lên cột sống). Chườm lạnh ngay trong 72 giờ đầu tiên sẽ giúp làm giảm phù nề, sưng, viêm. Tuyệt đối không chườm ấm, bôi dầu cao nóng (làm tăng lưu lượng máu, gây viêm sưng nặng hơn).
- Nằm đệm cứng, có thể quấn một chiếc khăn tắm nhỏ kê dưới cổ hoặc lưng tùy vị trí đau.
- Tránh sử dụng các chất kích thích (trà, cafe, rượu bia) và hạn chế nạp quá nhiều lượng đạm.
- Thăm khám sớm nếu không thấy dấu hiệu thuyên giảm, tránh thăm khám bó nắn các thầy lang không tin tưởng. Ưu tiên tại các cơ sở thăm khám chính thống, có chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh.
5. Việc cần tránh sau cơn đau lưng cấp tính
- Căng tức cơ: Các nhóm cơ vùng lưng, đùi sau hay cổ vai có thể khá nhạy cảm và dễ bị căng tức hơn bình thường. Lưu ý đến chúng, nếu có biểu hiện căng cứng hãy dừng mọi hoạt động thể chất lại, từ từ giãn cơ bằng các bài tập hoặc động tác đơn giản (có thể dùng con lăn giãn cơ mềm)
- Sau một buổi làm việc nặng hoặc tập luyện thể thao gắng sức: Với nền bệnh lý sẵn có, việc làm việc nặng hay chơi thể thao gắng sức có thể là nền tảng cho cơn đau lưng cấp tính quay lại. Hãy lưu ý khởi động, giãn cơ trước và sau khi tập luyện. Có thể chườm đá ngay vào mỗi cuối buổi hoặc cuối ngày
- Các động tác vận động đột ngột: Cần tránh các động tác vận động đột ngột khi hệ cơ, hệ vận động chưa sẵn sàng, luôn ý thức rằng mình đang có vấn đề và cần phải giữ gìn cẩn thận
- Thay đổi thời tiết bất thường: Việc thay đổi thời tiết bất thường, đặc biệt khi trời chuyển lạnh hoặc mưa phùn có thể kéo những cơn đau lưng này quay lại. Việc giữ ấm cơ thể, chuẩn bị trước cho những thay đổi thời tiết là việc cần làm để tránh đưa bản thân vào tình thế bị động.
- Không chủ quan với các cơn đau thoáng qua: Với một số người, các cơn đau nhỏ, thoảng qua chính là một tín hiệu thông báo của cơ thể trước những đợt đau dữ dội, vì vậy bạn không nên bỏ qua các tín hiệu nhỏ này.
6. Việc cần làm giúp điều trị cơn đau
Việc ý thức tình trạng bệnh lý của mình đã là một bước tiến lớn trong việc phòng bệnh và tránh “Cơn đau lưng cấp tính quay lại”. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể thực hiện những điều sau hàng ngày:
- Tập luyện bộ môn thể thao, thể dục phù hợp: Sẽ khó để nói bộ môn nào thích hợp hay cường độ nào sẽ là thích hợp nói chung. Với mỗi cá nhân việc tìm ra bộ môn thể thao, thể dục yêu thích là cần thiết cũng như tìm ra cường độ phù hợp với bản thân mình. Hãy duy trì nó như một thói quen.
- Căng giãn cơ: Việc khởi động hay căng giãn cơ là rất cần thiết trước và sau khi tập. Kể cả khi bạn không tham gia chơi thể thao thì việc tìm ra bài tập giãn cơ phù hợp (đặc biệt là cơ lưng, cơ đùi sau, cơ cổ vai) là một việc hết sức nên làm. Điều đó sẽ giúp bạn có một hệ cơ dẻo dai, thích nghi tốt với những thay đổi của cơ thể.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt tích cực: Việc duy trì chế độ ăn uống hoặc tư tưởng tích cực vẫn luôn là liều thuốc bổ cho mọi bệnh lý. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) nhỏ hơn 25 kg/m2. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi nên tránh hút thuốc vì nó làm tăng tỷ lệ đau lưng ở mọi lứa tuổi. Tuy luôn ý thức về bệnh lý này nhưng cũng không có nghĩa là bạn không có quyền lạc quan. Đã có rất nhiều bệnh nhân duy trì và sống chung cùng thoát vị đĩa đệm. Mấu chốt của họ là hạn chế gặp lại những “Cơn đau lưng cấp tính”.
- Thăm khám định kỳ: Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tình hình bệnh lý của mình. Theo dõi những diễn biến mới nếu có để kịp thời thích ứng và điều chỉnh
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị đau lưng cấp tính tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Vincent E. Casiano; Alexander M. Dydyk; Matthew Varacallo.
- Chou R, Qaseem A, Snow V et al; "Diagnosis and treatment of low back pain: a joint clinical practice guideline from the American College of Physicians and the American Pain Society"; Ann Intern Med 147 (7), 2007, p478–91.
- Tài liệu HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP của Bộ Y tế.
XEM THÊM