Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trẻ em dưới 3 tuổi vẫn chưa thực sự phân biệt được đâu là thực tế và đâu là tưởng tượng, vì vậy trẻ không hiểu được khái niệm nói dối và nói sự thật. Nhưng với những đứa trẻ từ 3 - 4 tuổi trở lên, chúng có thể phân biệt đâu là sự thật và đâu là tưởng tượng, và trẻ biết khi nào mình nói dối.
1. Vì sao trẻ con nói dối?
Trẻ dưới 3 tuổi vẫn chưa thực sự có thể phân biệt được đâu là thực tế và đâu là tưởng tượng. Điều đó có nghĩa là đứa trẻ 1 hoặc 2 tuổi không thể hiểu được khái niệm nói dối và nói sự thật. Những lần trẻ nói dối có thể bắt nguồn từ:
- Trí tưởng tượng tích cực: khả năng sáng tạo của trẻ đang phát triển đến mức đôi khi trẻ có thể nghĩ rằng những gì trẻ tin là sự thật. Trẻ bảo rằng có cá bơi trong bồn tắm của trẻ, hay một công chúa nằm dưới giường của trẻ.
- Tính hay quên: Làm sao một đứa trẻ 2 tuổi hiếu động có thể nhớ được ai là người thực sự có con búp bê đầu tiên? Trẻ chỉ biết trẻ muốn có nó bây giờ. Và khi bạn mắng trẻ vì những vết bút màu trên tường và con nói rằng con không làm điều đó, con không nói dối, chỉ đơn giản là trẻ quên rằng mình đã làm điều đó. Hoặc mong muốn một cách nhiệt thành rằng trẻ đã không làm vậy, trẻ tự thuyết phục mình rằng mình không làm vậy. .
- Hội chứng thiên thần: Một đứa trẻ nhận ra rằng cha mẹ mình nghĩ rằng mình không thể làm gì sai, trẻ sẽ bắt đầu tự tin vào điều đó: "Bố mẹ yêu con vì con rất ngoan. Một đứa bé ngoan sẽ không làm đổ sữa của mình như thế. Con không làm đổ sữa".
Trẻ từ 3 - 4 tuổi trở lên có thể phân biệt sự thật và sự tưởng tượng, do đó trẻ biết trẻ nói dối hay nói sự thật. Khi này, trẻ nói dối có thể vì một số nguyên nhân sau:
- Trẻ cảm thấy có lỗi: Việc phải chịu nhiều áp lực có thể khiến trẻ nói dối. Thông thường, khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một mái ấm tình thương và có trách nhiệm, trước tiên, nó sẽ nói dối khi đối mặt với việc đã làm điều gì đó sai trái và cảm thấy sợ điều đó sẽ làm cha mẹ thất vọng hoặc bị họ trừng phạt. Đã cảm thấy tội lỗi, trẻ sẽ cố gắng bảo vệ mình khỏi những gì trẻ nghĩ sẽ là kỷ luật khắc nghiệt.
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ của những đứa trẻ nói dối có yêu cầu về tiêu chuẩn hành vi và kỳ vọng cao bất thường. Những đứa trẻ này biết đúng sai và chúng coi đó là một tình huống khó khăn, đang cố gắng cứu lấy thể diện của bản thân và gia đình.
Đôi khi trẻ nói dối khi chúng đang bị căng thẳng đáng kể để đáp ứng những yêu cầu bất khả thi. Vì vậy, những thanh niên đang gặp khó khăn ở trường và không thể theo kịp việc học của mình có thể cảm thấy quá tải và nói dối về việc đã hoàn thành tất cả bài tập về nhà của mình. Trong những trường hợp như thế này, việc nói dối phải được giải thích trong mối quan hệ với các sự kiện xung quanh.
- Trẻ nói dối có mục đích: Hãy nhớ rằng, nói dối cho thấy trẻ nhận thức được rằng mình đã làm sai. Bằng cách cố gắng bảo vệ mình khỏi sự thất vọng và phản đối của cha mẹ, trẻ đang chứng minh rằng lương tâm của mình đang hoạt động. Cha mẹ phản ứng thái quá và trở nên cực kỳ tiêu cực có thể đẩy con họ vào tình thế cảm thấy rằng con cần phải nói dối hết lần này đến lần khác để bảo vệ bản thân.
- Do môi trường sống: Những đứa trẻ cũng có thể trở nên bối rối trong một ngôi nhà trẻ bị cấm nói dối nhưng cha mẹ của trẻ đôi khi nói dối, bóp méo sự thật để thuận tiện cho họ. Điều này đưa đến những tín hiệu khó hiểu cho một đứa trẻ luôn được bảo là trung thực, chứng kiến cảnh cha mẹ nói dối qua điện thoại hoặc với những người hàng xóm bằng. Trẻ em thường gặp khó khăn trong việc phân biệt sự khôn khéo giữa các tình huống như thế này.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nói dối?
Bạn không muốn khuyến khích những lời nói dối, nhưng cách tốt nhất để xử lý giai đoạn này là thư giãn và thưởng thức những câu chuyện cổ tích của những đứa trẻ. Những tưởng tượng được thêu dệt nhiều nói chung là vô hại và là một phần của sự phát triển bình thường của trẻ 2 tuổi. Bạn đọc truyện cổ tích cho con nghe. Tại sao trẻ không nên cung cấp một số câu chuyện của riêng mình?
Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng T. Berry Brazelton cho biết: giả vờ những nhân vật trẻ tưởng tượng giống như bạn bè, điều đó là bình thường và báo hiệu trí tưởng tượng phát triển tốt của trẻ. Ngay cả khi trẻ đổ lỗi cho "người bạn" của mình một hành vi sai trái, thì cũng không có gì phải lo lắng. Từ quan điểm tình cảm, những người bạn tưởng tượng này sẽ phục vụ một mục đích quan trọng: "Họ cung cấp cho một đứa trẻ một cách an toàn để tìm ra người mà nó muốn trở thành."
Mặc dù không đáng để trừng phạt đứa trẻ 2 tuổi khi bé thêu dệt sự thật, nhưng bạn có thể nhẹ nhàng nuôi dưỡng bản năng trung thực của trẻ theo những cách có lý ở độ tuổi này. Dưới đây là một số chiến lược để nuôi dưỡng tính trung thực của trẻ:
- Khuyến khích nói sự thật. Thay vì tức giận vì hành vi sai trái của trẻ, hãy cảm ơn trẻ đã nói cho bạn biết về điều đó. Nếu bạn la hét, trẻ sẽ không cảm thấy rằng sự trung thực là đúng đắn và được đền đáp.
- Đừng buộc tội trẻ: khi biết trẻ làm điều gì đó không đúng, thay vì buộc tội trẻ, bạn hãy tìm cách khuyến khích trẻ khắc phục lỗi lầm trẻ gây ra. Ví dụ, khi thấy trẻ vứt bút chì màu trên thảm phòng khách, bạn có thể nói với trẻ như thế này: "Tôi tự hỏi làm thế nào mà những cây bút chì màu lại nằm trên hết thảm phòng khách? Tôi ước ai đó sẽ giúp tôi nhặt chúng lên."
- Đừng làm trẻ cảm thấy quá tải. Đừng đè nặng con bạn với quá nhiều kỳ vọng hoặc quy tắc. Trẻ sẽ không hiểu hoặc không thể theo kịp kỳ vọng của bạn và trẻ có thể cảm thấy buộc phải nói dối để tránh làm bạn thất vọng.
- Xây dựng lòng tin của trẻ: Hãy cho trẻ biết rằng bạn tin tưởng trẻ và trẻ có thể được tin cậy. Không có gì quan trọng hơn việc trung thực, đây là phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng tính trung thực của trẻ.
Công việc của cha mẹ là trở thành hình mẫu của trẻ về sự tin tưởng. Với suy nghĩ này, hãy cố gắng tránh nói sự thật nửa vời. Ví dụ, trẻ đến lúc phải tiêm phòng, đừng nói với trẻ rằng nó sẽ không đau. Cố gắng giữ lời hứa với trẻ, và khi bạn không thể thực hiện lời hứa, hãy xin lỗi vì đã thất hứa.
Và tốt nhất, hãy khen ngợi trẻ bất cứ khi nào trẻ nói sự thật. Đặc biệt là khi trẻ thừa nhận những việc sai trái mà trẻ đã làm. Sự củng cố tích cực có tác dụng kỳ diệu trong việc khiến trẻ cảm thấy rằng thật xứng đáng để tiếp tục nói sự thật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthychildren.org, aacap.org