Nguyên nhân gây lão hóa mắt sớm

Lão hóa mắt sớm là tình trạng mắt bị thay đổi tầm nhìn sớm hơn so với tuổi trung bình gặp phải các vấn đề đó. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng quan sát và chất lượng cuộc sống. Biết được các nguyên nhân gây ra tình trạng mắt bị lão hóa giúp bạn có các biện pháp phòng bệnh phù hợp.

1. Lão hóa mắt là gì?

Lão hóa mắt là sự tầm nhìn thay đổi, giảm dần theo thời gian và tuổi tác. Mặt cũng có thể bị lão hoá theo thời gian như những phần khác trên cơ thể chúng ta.

Thông thường từ năm 40 tuổi trở đi, mắt của bạn đã bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa với cảm giác khó khăn khi đọc sách và đến 50 đến tuổi biểu hiện lão hóa đã trở nên rõ ràng hơn. Lúc này bạn cũng có nguy cơ mắc một số bệnh lý về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường và khô mắt.

Các dấu hiệu của lão hóa mắt:

  • Suy giảm thị lực: Không đọc rõ được chữ khi nhìn gần, chỉ đọc được khi nhìn xa.
  • Gặp khó khăn khi đọc những chữ in nhỏ hoặc khó đọc trong điều kiện ánh sáng yếu.
  • Khi đọc sách, làm việc trước màn hình trong một khoảng thời gian dài thường mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt...
  • Dấu hiệu của bệnh lý ở người mắt bị lão hoá như: bệnh tăng nhãn áp gây đau mắt, nhức hốc mắt, mỏi mắt, giảm khả năng nhìn, nhức đầu; bệnh đục thủy tinh thể gây suy giảm thị lực khiến người bệnh nhìn mờ, chói sáng, cảm giác như có ruồi bay, nhìn đôi, hình ảnh có màu vàng...; Khô mắt cảm giác ngứa cộm, đau rát mắt...

Thông thường, các dấu hiệu ở giai đoạn đầu khó nhận biết, người bệnh cần phải thăm khám mới có thể phát hiện sớm bệnh.

2. Nguyên nhân gây lão hóa mắt sớm

Tuổi tác không phải là vấn đề duy nhất gây ra lão hoá mắt mà một số nguyên nhân khác góp phần đẩy nhanh quá trình lão hoá mắt và gây ra lão hóa mắt sớm, bao gồm:

  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại: Khói thuốc lá, khí thải do hoạt động công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông... khi được hít thở qua phổi sẽ vào máu tích tụ tạo thành các chất oxy hóa độc hại và nó có khả năng gây biến đổi cấu trúc, làm giảm tỷ lệ thành phần protein của thủy tinh thể khiến cấu trúc này trở nên mờ đục... Các chất oxy hóa độc hại này khi vào võng mạc cũng gây tổn thương cho võng mạc theo một cách tương tự, khiến tế bào bị hủy hoại. Không chỉ ảnh hưởng tới mắt mà các gốc tự do này còn ảnh hưởng tới các cơ quan khác trên cơ thể.
  • Tiếp xúc với ánh sáng xanh: ánh sáng xanh khi tiếp xúc thường xuyên thì nó có khả năng gây biến đổi các men nhạy cảm nhiệt giúp bảo vệ protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein, dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể. Mặt khác, ánh sáng xanh còn gây đảo chiều các phản ứng quang hóa của Rhodopsine (đây là một sắc tố thị giác của tế bào quang cảm thụ), từ đó thúc đẩy tế bào chết này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn rõ của mắt. Ánh sáng xanh có từ 2 nguồn: đầu tiên là nguồn tự nhiên đến từ ánh sáng mặt trời và thứ 2 là nguồn nhân tạo đến từ bóng đèn LED, từ màn hình máy tính, màn hình điện thoại, tivi... Trong đó, ánh sáng xanh nhân tạo mà con người lạm dụng có khả năng gây hại liên tục và ngày càng gia tăng.
  • Không chăm sóc mắt đúng cách: Nếu không được chăm sóc đúng cách và không cung cấp chế độ ăn đủ dinh dưỡng thì bạn có nguy cơ mắc bệnh về mắt cao hơn. Bệnh lý cũng thúc đẩy quá trình lão hoá mắt.

3. Các giải pháp chống lão hóa mắt sớm

Để hạn chế nguy cơ lão hóa mắt sớm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc phù hợp sau đây:

  • Đắp mặt nạ cho mắt: Bạn có thể dùng dưa leo hoặc khoai tây, đây là những thành phần chính được sử dụng cho vùng mắt. Cắt khoai tây hay dưa leo thành những lát mỏng đắp lên mắt 30 phút trước khi đi ngủ để làm căng da vùng quanh mắt và giúp làm mờ các vết thâm quầng quanh mắt.
  • Chế độ sinh hoạt khoa học: Ngủ đủ giấc, bởi giấc ngủ là điều quan trọng nhất để đôi mắt của bạn được nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày hoạt động liên tục. Bạn nên dành tám tiếng một ngày để ngủ, ngủ đủ giấc giúp chúng ta khỏe hơn và giảm hiện tượng mắt bị quầng thâm vì thiếu ngủ.
  • Bảo vệ mắt tránh ánh sáng mặt trời: Bảo vệ bằng cách đeo kính râm có quét lớp chống tia cực tím, tránh việc đi ra ngoài đường vào thời điểm có chỉ số tia UV cao nhất trong ngày là khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
  • Nên dùng kính chống ánh sáng xanh nếu bạn làm việc liên tục với các thiết bị điện tử, để bảo vệ mắt khỏi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, màn hình tivi và điện thoại.
  • Chăm sóc mắt đúng cách: Không đọc sách quá gần (ở người lớn khoảng cách tốt nhất là từ 30 – 35cm, trẻ em từ 25 – 30cm), không đọc sách khi ngồi trên các phương tiện giao thông đang chuyển động làm mắt phải điều tiết liên tục. Nếu phải làm việc trước màn hình vi tính hay chơi game, xem điện thoại thì cứ mỗi 50 phút phải nghỉ từ 5 – 10 phút. Hoặc thực hiện biện pháp 20-20-20, nghĩa là khi làm việc 20 phút, cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn một vật ở xa khoảng 6m trong 20 giây.
  • Tránh thói quen dụi mắt: Thói quen này có thể gây phá vỡ các mạch máu nhỏ dưới da khiến mí mắt nhanh sụp, xuất hiện các quầng thâm hoặc có thể gây tổn thương bề mặt giác mạc, làm hình ảnh mờ hơn ngay cả khi đeo kính.
  • Uống đủ nước: Cơ thể chúng ta cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo các hoạt động sống của cơ thể được cân đối. Nếu uống quá ít nước có thể khiến cho mắt nhanh bị khô, mỏi mắt, thị lực không ổn định.
  • Không hút thuốc lá và tiếp xúc khói thuốc lá, vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ thống tuần hoàn của cơ thể, làm giảm lượng máu đến mắt.
  • Nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối: Trong chế độ dinh dưỡng cần cung cấp cho mắt các dưỡng chất cần thiết như kẽm, vitamin B2, lutein, zeaxanthin để giúp nuôi dưỡng các tế bào mắt khỏe mạnh, phòng ngừa lão hóa. Trong đó, kẽm và vitamin B2 (riboflavin) đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể, tham gia vào sự trao đổi sắc tố ở võng mạc mắt, giúp cho mắt dễ dàng thích nghi với ánh sáng. Thiếu vitamin B2 và kẽm có thể gây tình trạng đỏ mắt, mẫn cảm, hay mỏi mắt và mờ mắt.

Ngoài các vitamin và khoáng chất cần bổ sung thì còn có một số chất được sử dụng để tăng cường thị lực, ngăn ngừa lão hóa như: Omega 3 - đây là một chất béo không bão hòa có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, nó là thành phần cấu tạo võng mạc, nó giúp tăng cường thị lực và bảo vệ mắt. Omega 3 có nhiều trong cá béo, sữa, đậu nành, hạt lanh...; Chondroitin là một chất chiết xuất từ sụn vi cá mập, giúp tăng độ đàn hồi của thủy tinh thể và độ trong suốt của thủy tinh thể nên tăng cường thị lực ở mắt.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên thăm khám mắt định kỳ: Nên đi khám mắt thường xuyên khoảng 2 lần/năm để sớm phát hiện các bệnh về mắt và từ đó có hướng xử trí kịp thời. Khi thấy mắt có các dấu hiệu không bình thường thì bạn cần đi khám ngay, không tự ý nhỏ thuốc mắt không đúng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới mắt bị lão hoá sớm, gây suy giảm thị lực. Tuy nhiên, nó có thể phòng ngừa được nếu bạn chăm sóc mắt đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe