Thuốc của bạn có gây khô mắt không?

Khô mắt có thể xuất hiện vì nhiều lý do khác nhau, từ việc nhìn quá lâu vào màn hình máy vi tính đến việc chính cơ thể chúng ta đang già đi. Nhưng một nguyên nhân khác có thể dẫn đến khô mắt là do những loại thuốc mà chúng ta đang dùng hàng ngày. Nhiều loại thuốc thông thường có thể gây ra các tác dụng phụ của thuốc lên mắt.

1. Các loại thuốc gây khô mắt

Thuốc gây ra các tác dụng phụ của thuốc lên mắt theo nhiều cách. Thuốc gây khô mắt có thể do việc cắt giảm số lượng nước mắt người dùng thuốc hoặc thay đổi sự kết hợp của các thành phần trong nước mắt.

1.1. Thuốc điều trị mụn

Nếu người bệnh đang bị mụn trứng cá nặng gây ra mụn nang sâu và đau đớn, khi đó người bệnh có thể dùng một loại thuốc có tên gọi là isotretinoin. Isotretinoin giúp loại bỏ mụn trứng cá bằng cách giảm lượng dầu do các tuyến nhất định tạo ra. Nhưng một số tuyến trong đó nằm trong mí mắt của người bệnh, dẫn đến việc nước mắt tạo ra trở nên ít “dầu” hơn gây khô mắt.

1.2. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh Parkinson và thuốc ngủ

Thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh Parkinson và thuốc ngủ đều có một điểm chung là chúng chặn một số tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, điều này rất hữu ích khi người bệnh điều trị bệnh trầm cảm hoặc bệnh Parkinson... nhưng nó cũng làm ngăn chặn các tín hiệu bình thường đến mắt tiết để nhiều nước mắt hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều gây ra các tác dụng phụ của thuốc lên mắt, thuốc chống trầm cảm ba vòng thì có, nhưng thuốc nhóm SSRI thì không. Mặc dù vậy, SSRIs cũng có thể gây khô mắt.

1.3. Thuốc kháng histamin

Nếu người bệnh bị dị ứng với những tác nhân như phấn hoa, lông thú cưng hoặc nấm mốc, thuốc kháng histamin có thể giống như một giải pháp hữu hiệu. Chúng ngăn chặn phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng và ngăn ngừa các triệu chứng thông thường như ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt và chảy nước mũi. Tuy nhiên, các thuốc này cũng có thể khiến mắt người bệnh tiết ít nước mắt hơn. Điều đó có thể dẫn đến khô mắt, kích ứng mắt.


Các loại thuốc kháng histamin khiến mắt tiết ra ít nước mắt hơn, gây khô và kích ứng mắt
Các loại thuốc kháng histamin khiến mắt tiết ra ít nước mắt hơn, gây khô và kích ứng mắt

1.4. Thuốc ngừa thai và các thuốc nội tiết tố khác

Hormone được sử dụng trong thuốc tránh thailiệu pháp thay thế hormone cho thời kỳ mãn kinh cũng có thể gây khô mắt. Những phụ nữ chỉ dùng estrogen có nguy cơ bị khô mắt cao hơn nhiều so với những phụ nữ dùng cả estrogen và progesterone.

Các bác sĩ không chắc chắn chính xác lý do tại sao hormone dẫn đến khô mắt, nhưng có thể chúng ảnh hưởng đến lượng nước đi trong nước mắt của người sử dụng.

1.5. Thuốc điều trị tăng huyết áp

Thuốc chẹn beta là một loại thuốc huyết áp phổ biến có thể ngăn chặn phản ứng của cơ thể với hormone adrenaline. Điều này giúp ích cho huyết áp của bệnh nhân vì nó làm chậm nhịp tim, sau đó làm giảm lực mà máu dồn vào động mạch.

Một trong những tác dụng phụ của nhóm thuốc này là khiến cơ thể tạo ra ít hơn một trong những loại protein đi vào nước mắt, điều đó dẫn đến cơ thể sản xuất ít nước mắt và khô mắt hơn. Bên cạnh đó, thuốc chẹn beta cũng có thể làm giảm áp suất bình thường trong mắt của người sử dụng, ảnh hưởng đến lượng nước trong nước mắt, đây cũng là một vấn đề gây khô mắt và là thuốc gây mỏi mắt.

Thuốc lợi tiểu là một loại thuốc khác được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ muối và nước vì vậy thuốc cũng có thể thay đổi lớp nước mắt của người dùng.

Các loại thuốc huyết áp khác như thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn alpha, thường không ảnh hưởng đến mắt của người dùng, các thuốc này không phải là thuốc gây mỏi mắt hay khô mắt.


Khi bạn sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, bạn có thể cảm thấy đôi mắt của mình khô hơn
Khi bạn sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, bạn có thể cảm thấy đôi mắt của mình khô hơn

1.6. Thuốc thông mũi

Người bệnh cảm lạnh thông thường, cúm hoặc dị ứng có dấu hiệu nghẹt mũi thường phải sử dụng các loại thuốc thông mũi. Loại thuốc này có tác dụng co các mạch máu vùng mũi, từ đó làm giảm sưng, giúp không khí lưu thông dễ dàng và việc hít thở sẽ thoải mái hơn. Tuy nhiên, tương tự các thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi có thể làm giảm tiết nước mắt và gây khô mắt đối với người sử dụng.

1.7. Thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau thường không gây khô mắt. Tuy nhiên, một số ít trường hợp sử dụng một thuốc giảm đau kháng viêm không steroid - NSAID (như ibuprofen) có thể xuất hiện tình trạng khô mắt. Aspirin không có tác dụng này, nhưng người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để việc sử dụng thuốc tốt nhất.

2. Nên làm gì khi xảy ra tác dụng phụ của thuốc lên mắt?

Người bệnh không được ngừng dùng thuốc ngay lập tức vì điều đó có thể gây ra những tác động có hại lên bệnh chính mà bạn đang điều trị. Thay vào đó, người bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ về tình trạng hiện tại. Giải pháp tốt nhất sẽ được cân nhắc đưa ra phụ thuộc vào sức khỏe của người bệnh và loại thuốc đang dùng:

  • Thay đổi liều lượng thuốc: một số loại thuốc ít gây khô mắt hơn nếu dùng với lượng thấp hơn.
  • Đổi thuốc: chuyển sang một loại thuốc khác không gây khô mắt.
  • Biện pháp khác: nếu tình trạng khô mắt do thuốc khiến việc đeo kính áp tròng trở nên khó khăn hơn, bệnh nhân có thể chuyển sang một loại thấu kính khác có thể giúp giảm đau mắt do khô mắt, mỏi mắt.
  • Sử dụng sản phẩm hỗ trợ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho mắt.

Một số loại thuốc có thể gây khô mắt, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước mắt. Do đó để hạn chế nguy cơ khô mắt, bạn nên tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc sử dụng thuốc bừa bãi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe