Nguyên nhân đau dạ dày khi đói bụng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nếu tình trạng đau bụng khi đói kèm theo các dấu hiệu như ợ chua, trào ngược dạ dày, đầy bụng, khó tiêu... thì chắc chắn bạn đang gặp vấn đề về dạ dày. Những cơn đau này sẽ khiến cho người bạn khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống.

1. Nguyên nhân đau dạ dày khi đói

Nguyên nhân đau dạ dày khi đói bụng là do quá trình vận hành của dạ dày xảy ra tình trạng bất ổn gây nên rối loạn. Cụ thể, dạ dày tiết ra axit dịch vị và co bóp tiêu hóa thức ăn, khi lượng dịch vị tiết ra nhiều hoặc ít hơn nhu cầu thì sẽ kích thích các hoạt động co bóp mạnh hay yếu của dạ dày. Đây chính là tác nhân gây nên cơn đau dạ dày khi đói.

Nếu axit dạ dày tiết ra ít hơn nhu cầu cần thiết thì quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị chậm trễ, không hiệu quả khiến thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày, gây nên tình trạng chướng bụng, khó tiêu sau khi ăn no. Nếu axit dạ dày tiết nhiều hơn bình thường, sẽ gây hiệu ứng ăn mòn niêm mạc dạ dày và xuất hiện ổ viêm hoặc loét dạ dày. Đặc biệt là khi bệnh nhân để tình trạng bụng đói khiến dịch vị trong dạ dày vẫn liên tục tiết ra mà không có đối tượng để tiêu hóa.

Các dấu hiệu đau dạ dày khi đói xuất hiện thì có khả năng người bệnh mắc các bệnh về dạ dày như:

  • Viêm loét dạ dày: Các cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, phụ thuộc vào ổ viêm, đau dạ dày khi đói nhiều hơn hoặc ăn uống các đồ ăn kích thích.

Các vết viêm loét dạ dày gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội
Các vết viêm loét dạ dày gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội

  • Viêm niêm mạc hang vị dạ dày: Tình trạng này tương tự với viêm loét dạ dày và chúng đều có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi bởi các cơn đau hành hạ mỗi ngày.
  • Viêm loét hành tá tràng: Các ổ viêm do dịch vị tác động bào mòn lâu ngày ở tá tràng có thể gây nên viêm loét hành tá tràng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Các cơn trào ngược này có thể lên họng gây tổn thương thực quản, hầu, họng vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân gây hiện tượng này là do sự suy yếu của cơ vòng thực quản.
  • Xuất huyết dạ dày: Hiện tượng này sẽ xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm loét cấp tính, mãn tính và chảy máu. Đây là tình trạng khẩn cấp bởi có thể gây mất máu, thiếu máu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu như người bệnh chủ quan, không chú ý tới các triệu chứng đau dạ dày và điều trị kịp thời thì căn bệnh này sẽ có nguy cơ phát triển trầm trọng hơn, gây nên những biến chứng khôn lường, thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

2. Các biểu hiện đau dạ dày khi đói

  • Đau vùng thượng vị: Các cơn đau này có thể âm ỉ hoặc dữ dội, đau quặn hoặc có thể bao gồm cảm giác đau rát, cồn cào ở phía bụng trên, vùng ức.
  • Ợ hơi, ợ chua và chướng bụng: Ợ hơi, ợ chua kèm chướng bụng là triệu chứng đau dạ dày khi đói thường gặp. Do tính chất của biểu hiện này không quá nghiêm trọng nên nó thường không được chú ý.

Đau dạ dày khi đói thường kèm theo triệu chứng chướng bụng và ợ chua
Đau dạ dày khi đói thường kèm theo triệu chứng chướng bụng và ợ chua

  • Rối loạn tiêu hóa: Khi bị đau dạ dày, hiện tượng rối loạn tiêu hóa thường xảy ra ở các người bệnh. Có thể là hiện tượng bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống hoặc táo bón, gây mệt mỏi cho người bệnh.
  • Cảm giác chán ăn, cơ thể suy nhược: Do cơ thể mệt mỏi khiến người bệnh không còn muốn nạp thức ăn. Dạ dày ngừng tiết dịch vị nên người bệnh có cảm giác miệng đắng, chán ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên suy nhược cơ thể, sút cân một cách nhanh chóng.
  • Cảm giác đầy bụng trên sau khi ăn: Phần lớn các trường hợp đầy bụng và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu để quá lâu chúng có thể diễn biến thành các biểu hiện nặng hơn với mức độ nguy hiểm sẽ tăng cao.

3. Phòng ngừa đau dạ dày khi đói

Để phòng ngừa bệnh đau dạ dày khi đói, bạn cần thực hiện các phương pháp sau đây:

  • Không để bụng quá đói: Việc phòng ngừa đau dạ dày khi đói bụng là người bệnh không để bụng quá đói. Thói quen ăn khi bụng bị đói có thể sẽ gây ra các bệnh lý nguy hiểm tới hệ tiêu hóa của bạn. Trường hợp bạn nhịn ăn kéo dài hoặc thường xuyên ăn uống thất thường thì các cơn đau dạ dày sẽ ngày càng trở nặng, tăng dần về mức độ.
  • Ăn đúng bữa, ăn chậm và nhai kỹ: Ngoài việc không để bụng quá đói, người bệnh cần ăn đúng bữa, ăn chậm và nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc xem tivi vì việc làm này sẽ ảnh hưởng đến quá trình ăn chậm nhai kỹ của bạn.

Ăn đúng bữa và nhai kỹ giúp giảm nguy cơ bị đau dạ dày khi bụng đói
Ăn đúng bữa và nhai kỹ giúp giảm nguy cơ bị đau dạ dày khi bụng đói

  • Nếu bạn cảm thấy đói bụng hoặc muốn xoa dịu cơn đau, bạn có thể ăn một ít đồ ngọt, đồ ăn dễ tiêu. Bạn cũng có thể lựa chọn các thực phẩm tinh bột dễ tiêu hóa như bánh mì, cháo, súp để hấp thụ.
  • Người bệnh không nên ăn một số thực phẩm gây kích ứng niêm mạc dạ dày như cam, chanh, quýt, bưởi, thuốc lá, rượu, bia, đồ lên men, trà, đồ cay, chiên xào... Những chất này khi vào cơ thể sẽ làm cho dạ dày tăng tiết axit hơn, khiến cho cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe