Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mai - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh lý cơ xương khớp rất thường gặp, phần lớn là chấn thương, viêm và liên quan đến hoạt động thể thao hay nghề nghiệp mà gân căng quá mức hoặc chấn thương lặp đi lặp lại.
1. Siêu âm cơ xương khớp là gì?
Siêu âm cơ xương khớp là kỹ thuật sử dụng sóng âm thanh tần số cao, quét hình ảnh trong thời gian thực tế, giúp bác sĩ đánh giá được điều kiện tĩnh, động của cấu trúc cơ xương từ đó chẩn đoán các chấn thương như rách cơ, bong gân và các chấn thương mô mềm khác, các bệnh lý tại khớp xương mà người bệnh đang mắc phải.
Siêu âm cơ xương khớp được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tương đương với chụp CT hoặc MRI, ngoài ra siêu âm cơ xương khớp còn có những ưu điểm như sau:
- Đây là kỹ thuật đơn giản, dễ dàng thực hiện, chi phí thấp, có thể lặp lại nhiều lần mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh
- Giúp theo dõi tiến triển và sự lành sẹo trong tổn thương gân cơ
- Có thể kết hợp với siêu âm độ ly giải cao để chẩn đoán bệnh trạng thay cho chụp cộng hưởng từ trong một số trường hợp.
2. Chỉ định siêu âm cơ xương khớp
Phương pháp siêu âm cơ xương khớp được chỉ định đối với các trường hợp như sau:
- Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn hoặc đau chức năng xương khớp
- Xảy ra chấn thương xương hoặc mô mềm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau
- Khoang khớp nghi ngờ có vật thể lạ
- Bệnh nhân có các bệnh lý như lắng đọng tinh thể, viêm bao hoạt dịch, tràn dịch khớp, viêm khớp...
- Bệnh nhân bị chấn thương, chèn ép, có khối u, sai khớp hoặc các bệnh lý tại dây thần kinh
- Đánh giá, phát hiện ngoạt vật, tụ dịch, phù nề, khối u trong mô mềm.
- Bệnh nhân có vấn đề về phát triển, bị dị tật bẩm sinh
- Giúp bác sĩ khảo sát, đánh giá sau phẫu thuật
- Khảo sát dây chằng
3. Nguyên lý hoạt động siêu âm cơ xương khớp
Để thực hiện kỹ thuật siêu âm cơ xương khớp, bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng hai loại đầu dò là:
- Đầu dò Linear 7,5 - 12 MHz là lựa chọn tốt nhất để siêu âm gân
- Đầu dò cong 3,5 - 5 MHz giúp bác sĩ khảo sát sâu và rộng hơn, tuy nhiên cần chú ý vì có thể tạo ảnh giả.
Ngoài ra để tạo điều kiện cho sóng âm từ đầu dò truyền vào cơ thể người bệnh, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel vào vị trí siêu âm. Đối với các bề mặt không bằng phẳng hoặc các gân nằm nông, bác sĩ sẽ sử dụng tấm đệm để khảo sát.
Hơn nữa, để khắc phục giới hạn về rộng của đầu dò, bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp đầu dò Convex để có thể xem toàn cảnh, chia đôi màn hình siêu âm sau đó tiến hành nối hình thủ công để có hình ảnh siêu âm cuối cùng hoặc dùng máy siêu âm có phần mềm tạo hình toàn cảnh Panorama.
4. Công dụng của siêu âm cơ xương khớp
Siêu âm cơ xương khớp có nhiều công dụng trong việc chẩn đoán và điều trị các chấn thương và bệnh lý nhất định.
Đối với chẩn đoán, siêu âm ở gân, khớp, cơ bắp hoặc dây chằng giúp đánh giá tình trạng chấn thương, viêm và thoái hóa cấu trúc cơ xương. Siêu âm ở gân và gân Achilles mắt cá chân để chẩn đoán rách gân, viêm gân. Nhanh chóng phát hiện các vết rách, tình trạng bong gân, rách dây chằng cũng như sự hiện diện của các khối mô mềm có đường kính nhỏ hơn 5cm. Giúp chẩn đoán các tình trạng tràn dịch khớp, viêm màng hoạt dịch, tổn thương thần kinh ngoại biên do tích tụ chất lỏng. Giúp đánh giá và tìm ra những thay đổi của một số bệnh lý như hội chứng đường hầm cổ tay, viêm khớp dạng thấp. Giúp chẩn đoán những ổ viêm dựa vào siêu âm sử dụng hình ảnh Doppler màu hoặc hình ảnh dòng chảy.
Đối với điều trị bệnh lý, phương pháp siêu âm cơ xương khớp giúp điều trị một số bệnh như đau khớp, hút dịch từ một số vùng cụ thể. Ngoài ra nhờ siêu âm mà quá trình điều trị bệnh cũng trở nên đơn giản và dễ hình dung hơn, hỗ trợ trong việc theo dõi tiến trình bệnh và hướng dẫn chọc hút sinh thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.