Nguy cơ ung thư thường được sử dụng để mô tả khả năng một người sẽ bị ung thư hoặc khả năng ung thư sẽ tái phát. Các nhà nghiên cứu và bác sĩ sử dụng các nguy cơ này để giảm nguy cơ ung thư thông qua các khuyến cáo về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và chế độ tập luyện.
1. Nguy cơ là gì?
Khi các nhà khoa học nói về nguy cơ, họ đang đề cập đến một xác suất, đó là khả năng điều gì đó có thể xảy ra nhưng không đảm bảo rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Ví dụ: nếu bạn tung một đồng xu, có một trong hai cơ hội gồm 50% đồng xu ngửa và 50% đồng xu sấp.
Ước tính nguy cơ cho bệnh ung thư và các bệnh khác được xác định bằng cách nghiên cứu trên số lượng rất lớn người tham gia. Các nhà nghiên cứu tập trung vào xác suất bất kỳ người hoặc dạng người như thế nào sẽ phát triển bệnh trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xem xét những đặc điểm hoặc hành vi có liên quan đến tăng hoặc giảm nguy cơ mắc một bệnh nào đó.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Nguy cơ được thể hiện như thế nào?
2.1 Nguy cơ tuyệt đối (tên tiếng Anh là Absolute risk)
Nguy cơ tuyệt đối đề cập đến cơ hội thực tế hoặc xác suất phát triển ung thư trong một khoảng thời gian xác định, ví dụ, trong vòng một năm hay trong vòng năm năm tới, ở tuổi 50 hoặc 70 tuổi hoặc trong suốt cuộc đời.
Một loại nguy cơ tuyệt đối là nguy cơ suốt đời, đó là xác suất một cá nhân sẽ bị ung thư trong suốt cuộc đời. Chẳng hạn, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tuyệt đối của một người đàn ông Mỹ trong suốt đời là khoảng 11%. Nói cách khác, cứ 100 người đàn ông thì có khoảng 11 người sẽ bị ung thư tuyến tiền liệt. Điều này cũng có nghĩa là 89 trong số 100 nam giới còn lại sẽ không bị ung thư tuyến tiền liệt.
Nguy cơ suốt đời không phải là nguy cơ một người sẽ bị ung thư trong năm tới hoặc năm năm tới. Nguy cơ ung thư của một cá nhân có liên quan nhiều đến các yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi tác. Ví dụ, nguy cơ mắc ung thư đại tràng và trực tràng suốt đời của một phụ nữ chỉ hơn 4%, tương đương khoảng 42 trong số 1.000 phụ nữ. Nhưng nguy cơ những người phụ này bị ung thư đại tràng và trực tràng trước tuổi 50 là 0,3% hoặc khoảng 3 trong số 1.000 phụ nữ sẽ mắc bệnh ung thư này.
2.2 Nguy cơ tương đối (tên tiếng Anh là Relative risk)
Nguy cơ tương đối mang lại cho bạn sự so sánh hoặc tỷ lệ chứ không phải là một giá trị tuyệt đối. Nó cho thấy độ mạnh của mối quan hệ giữa yếu tố nguy cơ và một loại ung thư cụ thể bằng cách so sánh số lượng bệnh ung thư trong một nhóm người có đặc điểm đặc biệt với số bệnh ung thư trong một nhóm người không có đặc điểm đó.
Ví dụ, so sánh nguy cơ ung thư phổi tương đối đối với những người hút thuốc với nguy cơ ung thư phổi tương đối ở một nhóm người ung thư phổi nhưng không hút thuốc. Bạn có thể nghe thấy nguy cơ tương đối được thể hiện như thế này: Nguy cơ ung thư phổi đối với người hút thuốc cao gấp 25 lần so với nguy cơ đối với những người không hút thuốc. Vì vậy, nguy cơ ung thư phổi đối với người hút thuốc là 25.
Nguy cơ tương đối cũng được đưa ra dưới dạng phần trăm. Ví dụ, nguy cơ ung thư phổi đối với người hút thuốc cao hơn 2.500% so với người không hút thuốc.
Khi bạn nghe về nguy cơ tương đối, không có giới hạn trên đối với phần trăm tăng nguy cơ. Hầu hết mọi người nghĩ rằng 100% là nguy cơ cao nhất có thể, nhưng điều đó không đúng trong trường hợp này.
Nguy cơ tương đối 100% có nghĩa là nguy cơ của bạn cao gấp đôi so với người không có yếu tố nguy cơ đó. Nguy cơ tương đối 200% có nghĩa là bạn có khả năng phát triển bệnh lý đó gấp ba lần.
3. Thống kê nguy cơ ung thư đến từ đâu?
Hầu hết thông tin về những người có nguy cơ ung thư và các yếu tố nguy cơ đều đến từ các nghiên cứu tập trung vào các nhóm có số lượng lớn người tham gia. Các nhà nghiên cứu ung thư đã xác định có nhiều yếu tố môi trường gây ra ung thư như hút thuốc lá gây ung thư phổi và ánh sáng mặt trời gây ung thư da.
Nhiều nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ ung thư dựa trên các phương pháp quan sát. Trong các nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu theo dõi một nhóm người trong vài năm mà không thay đổi cuộc sống của họ hoặc cung cấp điều trị đặc biệt. Điều này có thể giúp các nhà khoa học tìm ra ai phát bệnh và những người này có điểm gì chung và họ khác với những người không mắc bệnh như thế nào.
Thống kê nguy cơ có thể gây khó chịu vì chúng không thể cho bạn biết nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các nghiên cứu có thể đã phát hiện ra rằng đàn ông có gần 40% nguy cơ phát triển ung thư trong cuộc đời của họ, nhưng điều đó không có nghĩa là nguy cơ của bạn là 40%. Nguy cơ cụ thể của một cá nhân dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tuổi tác và thói quen (như thói quen ăn uống), tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư và môi trường sống.
Bên cạnh đó, sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ hoặc các yếu tố nguy cơ tương tác lẫn nhau có thể không giống nhau cho tất cả mọi người. Ung thư mang tính cá nhân. Cả hai người có cùng độ tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế xã hội và lối sống thì khả năng mắc bệnh của hai người này vẫn khác nhau. Thống kê nguy cơ rất hữu ích trong các lời khuyên chung chung như "tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như ung thư". Nhưng tập thể dục thường xuyên sẽ không đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bị ung thư.
4. Khi đọc báo về nguy cơ mắc bệnh thì tôi phải làm gì?
Bạn có thể nghe một báo cáo tin tức về nghiên cứu cho thấy bạn có thể có nguy cơ mắc một loại ung thư cụ thể. Tuy nhiên, bạn đừng đi đến kết luận dựa trên một báo cáo này, hãy suy nghĩ thật kỹ về những nguy cơ thực sự có nghĩa là gì.
Các nghiên cứu quan sát không phải là hoàn hảo. Các nhà khoa học cân nhắc bằng chứng của nhiều nghiên cứu diễn ra trong thời gian dài để xác định rõ hơn liệu một phát hiện có đúng hay không. Mặc dù vậy, các báo cáo tin tức chỉ tập trung vào từng nghiên cứu độc lập, chứ không phải xem xét nhiều nghiên cứu khác nhau. Điều này đôi khi có thể gây ra những hiểu nhầm không cần thiết.
Khi bạn đọc hoặc xem báo cáo về thống kê nguy cơ ung thư, hãy chú ý đến các chi tiết sau:
- Đối tượng nghiên cứu là ai? Một báo cáo tin tức có thể nói rằng một hành vi nhất định làm tăng nguy cơ ung thư cho một nhóm người. Nhưng ai là đối tượng trong nghiên cứu? Hãy chú ý đến độ tuổi của người tham gia và đặc điểm của họ.
- Có bao nhiêu người được nghiên cứu? Nhìn chung, các nghiên cứu liên quan đến hàng ngàn người thì chính xác cao hơn so với những nghiên cứu chỉ thực hiện trên số lượng người ít.
- Những nghiên cứu tương tự đã được thực hiện chưa? Những phát hiện của một nghiên cứu đáng tin cậy hơn nếu có kết quả tương tự với kết quả của các nhóm nghiên cứu khác.
- Tin tức tập trung vào số liệu thống kê đáng báo động, chẳng hạn như nguy cơ tăng 300%, nhưng không cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích khác trong nghiên cứu này. Nếu bạn lo lắng về nguy cơ, hãy thu thập thêm thông tin và nói chuyện với bác sĩ.