Bệnh Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền từ người sang người, cũng không gây ra dịch bệnh nhưng có thể khiến người bị lây bệnh Whitmore tử vong nhanh chóng.
1. Bệnh Whitmore là bệnh gì?
Bệnh Whitmore là bệnh gây ra do vi khuẩn Whitmore - một loại vi khuẩn gram âm, có khả năng sống mọi nơi ở môi trường tự nhiên, nhất là nơi ẩm ướt, đất, nước, các vùng đồng lúa nước vì sức đề kháng của chúng rất tốt.
Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2-21 ngày. Bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Điểm nổi bật nhất của vi khuẩn Whitmore là kháng lại nhiều thuốc kháng sinh, vì vậy, khi mắc bệnh Whitmore, việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là các tuyến y tế cơ sở.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời và điều trị đúng, bệnh sẽ hết sức trầm trọng do biến chứng nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng khiến bệnh nhân tử vong.
2. Bệnh Whitmore có lây không?
Bệnh Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Vi khuẩn này cũng không gây ra dịch bệnh mà gây ra các ca bệnh tản phát, nhưng với những bệnh cảnh lâm sàng và biến chứng vô cùng nặng nề.
Trực khuẩn gây bệnh Whitmore là một loại vi khuẩn Gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn. Đôi khi vết xây xước quá nhỏ đến nỗi người bệnh không hề lưu tâm đến. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa do hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.
Thực tế, Whitmore không phải là bệnh hiếm. Bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Đặc biệt ở một nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn" vi khuẩn luôn có trong bùn đất nên với những người có hệ miễn dịch kém thì dễ mắc bệnh hơn. Do đó, những người lao động có tiếp xúc với bùn đất cần phải có các dụng cụ bảo hộ lao động. Người có vết thương ngoài da cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn lao động.
3. Biểu hiện bệnh Whitmore
Tại chỗ xâm nhập, vi khuẩn Whitmore tạo thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn, gây tổn thương tại chỗ. Vi khuẩn sau đó theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Bệnh cũng có thể gây tổn thương vào phổi - các tổn thương giống như biểu hiện lâm sàng của tụ cầu, bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.
Bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau: bệnh tối cấp, trung bình hoặc mạn tính. Các thể bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và biểu hiện không rõ ràng. Vì vậy, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh”, dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh khác. Đặc biệt của bệnh mạn tính là bệnh rất dễ tái phát cho nên sức khỏe của người bệnh rất dễ suy kiệt (do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ).
4. Làm sao để hạn chế lây bệnh Whitmore?
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Do đó, phòng bệnh Whitmore là điều quan trọng hơn cả. Một số biện pháp có thể giúp hạn chế lây bệnh Whitmore:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ.
- Khi làm việc hay sinh hoạt, đặc biệt là trong những môi trường bùn đất, ẩm, ướt, môi trường có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore cao: Cần chú ý tránh để bị xây xước hoặc có vết thương hở. Trong trường hợp có vết xước da, dù là nhỏ cũng cần được che chắn, bảo vệ kỹ để tránh nhiễm bệnh.
- Khi bị xây xước da, cần được sát khuẩn kịp thời, nếu xuất hiện mụn mủ, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
- Ngoài ra, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, ăn chín, uống chín.
- Ở những người có sức đề kháng kém (ví dụ như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy...): khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng hơn. Do đó, những người này có nguy cơ cao hơn, cần chú ý phòng bệnh hơn.
- Những trường hợp mạn tính: cần kiên trì điều trị.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, tốt nhất là khám ở các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời và đúng phác đồ, ngăn ngừa vi khuẩn Whitmore đa đề kháng kháng sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.