Phòng tránh bệnh Whitmore theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Phòng tránh bệnh Whitmore có thể thực hiện qua việc vệ sinh môi trường sạch sẽ, sát khuẩn kịp thời nếu bị vết thương ngoài da, đi khám ngay nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

1. Bệnh Whitmore có nguy hiểm không?

Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và bề mặt nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh hiếm khi lây truyền từ người sang người nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được đảm bảo.

Bệnh Whitmore rất ít gặp, không bùng phát thành dịch, tuy nhiên bệnh cảnh thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mãn tính. Tại Việt Nam, bệnh Whitmore được phát hiện và mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP.HCM, sau đó là một số ca mắc tại Hà Nội và Huế. Hiện chưa có thống kê chính xác về tình hình dịch tễ của bệnh Whitmore tại Việt Nam, mặc dù tính đến nay đã có ghi nhận các trường hợp bệnh nhân tại nhiều địa phương trên cả nước và những ca nhập viện điều trị tại bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP.HCM.


Bệnh Whitmore tiến triển rất nhanh và nghiêm trọng đến tính mạng
Bệnh Whitmore tiến triển rất nhanh và nghiêm trọng đến tính mạng

Vi khuẩn gây bệnh khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào bên trong các bộ phận, thường gặp nhất là ở phổi. Ngoài ra, các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da và các tuyến tiêu hóa cũng có thể chứa vi khuẩn. Bệnh Whitmore gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cả ở nam và nữ, thường thấy ở những đối tượng có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước. Bên cạnh đó, bệnh Whitmore cũng hay gặp ở những người có các bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch lâu ngày,... Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng với những triệu chứng như lở loét da, lên cơn sốt (nhiều kiểu sốt bao gồm sốt cơn, sốt kèm theo lạnh run hoặc sốt kéo dài), viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng.

2. Chẩn đoán bệnh Whitmore

Chẩn đoán bệnh Whitmore cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhất là với thể cấp tính, bên cạnh đó cần hỏi thêm thông tin tiền sử bệnh (gần đây có xây xước da, chấn thương hay không).


Khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng cùng với chấn thương trong thời gian gần nhất người bệnh nên thăm khám ngay
Khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng cùng với chấn thương trong thời gian gần nhất người bệnh nên thăm khám ngay

Để xác định chính xác, cần lấy mẫu bệnh phẩm là máu, mủ (chọc hút áp-xe) để phân lập và xác định vi khuẩn Whitmore, trên cơ sở đó để làm kháng sinh đồ, từ đó chọn ra phác đồ kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn Whitmore và áp dụng điều trị. Khi nghi ngờ bệnh nhân có áp-xe gan, phổi, cần tiến hành chụp siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để hỗ trợ chẩn đoán.

Khi phát hiện triệu chứng và nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế đủ điều kiện để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, nhất là đối với vi khuẩn Whitmore đã có đề kháng với kháng sinh. Trường hợp bệnh mạn tính cần kiên trì điều trị trong thời gian dài.

3. Cách phòng tránh bệnh Whitmore

Hiện chưa có vắc-xin phòng tránh và điều trị bệnh Whitmore. Do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động thực hiện:

  • Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng;
  • Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn;

Sử dụng gang tay khi tiếp xúc với đất nhiễm bẩn phòng tránh bệnh whitmore
Sử dụng gang tay khi tiếp xúc với đất nhiễm bẩn phòng tránh bệnh whitmore

  • Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc;
  • Những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn;
  • Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.

Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được thực hiện để hạn chế khả năng mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe