Bài viết được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Vitamin D đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ cho rằng, trẻ em mới cần bổ sung vitamin D. Thực tế, người lớn cũng cần bổ sung vitamin D.
1. Vitamin D là gì?
Vitamin D là một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, với chức năng chính là tăng cường khả năng hấp thụ canxi và phosphat ở đường ruột.
Vitamin D gồm nhiều cấu trúc, tuy nhiên vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol) là hai cấu trúc sinh lý chính.
Có thể bổ sung vitamin D bằng thực phẩm nhưng thực tế chúng chứa rất ít lượng vitamin D.
2. Lợi ích của vitamin D
Vitamin D đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thế như:
- Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương, răng. Trẻ có thể sẽ trở nên còi cọc, người lớn dễ mắc chứng nhuyễn xương, loãng xương nếu không bổ sung đầy đủ vitamin D.
- Thiếu vitamin D có thể gây ra một số bệnh khác như đái tháo đường, ung thư vú, đại tràng, tuyến tiền liệt...
- Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa cân bằng nội mô của canxi và phospho trong cơ thể.
- Vitamin D thường được dùng để điều trị một số bệnh như bệnh vảy nến, loãng xương, loãng xương do thận...
- Một số nghiên cứu đã cho thấy, có mối liên quan giữa việc thiếu hụt vitamin D và một số bệnh lý khác như: sa sút trí tuệ, tự kỷ, tâm thần phân liệt....Để tránh tình trạng sa sút trí tuệ ở người già, việc đảm bảo cơ thể hấp thụ đầy đủ vitamin D rất quan trọng.
- Vitamin D giúp cơ thể cải thiện khả năng thăng bằng, phòng ngừa một số trường hợp bị té ngã, nhất là đối với người lớn tuổi.
- Vitamin D phòng ngừa tổn thương thị lực: hấp thụ đầy đủ vitamin D giúp củng cố các dây thần kinh thị giác, phòng ngừa nguy cơ tổn thương thị lực.
- Vitamin D giúp ngăn ngừa các cơn đau đầu do đau nửa đầu hoặc tình trạng viêm xoang bởi vitamin D tác dụng chống viêm.
- Cơ thể thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và là nguyên nhân gây ra một số tình trạng bệnh lý khác.
3. Người lớn có cần bổ sung vitamin D?
Thực tế, phần lớn chúng ta đều biết rõ, trẻ em cần được bổ sung đầy đủ vitamin D, vậy người lớn có cần phải bổ sung hay không?
Theo các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, nhu cầu vitamin D ở người trưởng thành như sau:
- Đối với những người <50 tuổi là 600 IU/ ngày.
- Đối với những người >50 tuổi.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú là 600 IU/ ngày.
Thông qua xét nghiệm hàm lượng 25(OH)D trong máu có thể xác định được nhu cầu vitamin D trong cơ thể nhằm đảm bảo cơ thể không bị thiếu.
Người lớn thiếu vitamin D có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, đái tháo đường, ung thư và một số bệnh lý khác như bệnh tim, viêm khớp....
Bên cạnh đó, vitamin D cũng đặc biệt quan trọng đối với chức năng thần kinh.
4. Bổ sung vitamin D bằng cách nào?
Vitamin D giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Chúng ta có thể bổ sung vitamin D thông qua một số biện pháp sau:
- Bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm: một chế độ ăn đầy đủ và đa dạng các nguồn thực phẩm, một số loại thực phẩm giàu vitamin D như: cá, dầu cá, lòng đỏ trứng, sữa, bột mì, dầu ăn, ngũ cốc...Những loại cá như cá thu, cá trích và cá ngừ là những nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời. Bên cạnh đó, một số loại nấm, hải sản cũng là những loại thực phẩm giàu vitamin D cần thiết cho cơ thể
- Hấp thụ vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: thực tế, chúng ta chỉ nhận được một lượng nhỏ vitamin D từ chế độ ăn uống hàng ngày, phần lớn cơ thể chúng ta hấp thụ được vitamin D bằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng ( trước 8h), lúc này ánh sáng chưa quá gắt, tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, thời gian tắm nắng cũng chỉ khoảng từ 15-20 phút mỗi ngày.
- Bổ sung vitamin D3 theo chỉ dẫn: Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng cách uống vitamin D3 dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Để cơ thể có thể hấp thụ được vitamin D một cách hiệu quả nhất, nên uống vitamin D3 sau bữa ăn, có thể uống chung hoặc không kèm với thức ăn. Dựa vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi, lượng ánh sáng mặt trời bạn hấp thụ mỗi ngày và đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ kê liều lượng vitamin D phù hợp cho từng đối tượng. Sự hấp thụ vitamin D có thể bị ảnh hưởng nếu bạn sử dụng một số loại thuốc khác kèm theo như dầu khoáng, colestipol... Vì thể bạn nên dùng thuốc này cách xa vitamin D, nên dùng cách ít nhất 2 tiếng hoặc có thể lâu hơn trước khi bổ sung vitamin D3. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác, tốt nhất bạn nên bổ sung vitamin D3 trước khi đi ngủ. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần dùng vitamin D3 một cách đều đặn. Với một chế độ ăn đặc biệt chẳng hạn như chế độ ăn giàu canxi có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ vitamin D một cách hiệu quả từ việc bổ sung vitamin D3, đồng thời ngăn chặn tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, tuy nhiên chúng ta không nên sử dụng quá nhiều bởi nó có thể gây ra một số tác hại nhất định. Bạn có thể bị nhiễm độc do cơ thể thừa vitamin D nếu bạn sử dụng vitamin D liều cao trong một thời gian dài. Điều này khiến tăng canxi huyết, dẫn đến sự xuất hiện của một loạt các triệu chứng như chuột rút, đau cơ, buồn nôn, nôn....
Lạm dụng vitamin D khiến cơ thể có nguy cơ bị ngộ độc, gây nên một số tình trạng như mệt mỏi, giảm cân, suy thận...có nguy cơ cao dẫn tới tử vong.
Vitamin D rất cần thiết đối với cơ thể, tuy nhiên, chúng ta chỉ nên bổ sung vitamin D một cách hợp lý, tránh những hậu quả đáng tiếc. Việc bổ sung vitamin D tốt nhất nên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.