Người đau dạ dày có nên dùng thuốc giảm đau dạ dày không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nhiều bệnh nhân đau dạ dày lạm dụng thuốc giảm đau để loại bỏ cơn đau nhanh chóng nhưng có thể gây nhiều hậu quả không mong muốn.

1. Các thuốc giảm đau dạ dày thường dùng

Thuốc giảm đau dạ dày thường dùng hiện nay như:

1.1. Thuốc giảm đau kháng acid (Antacid).

Nhóm thuốc này có chứa canxi, nhôm hoặc magnesium hydroxide giúp trung hòa axit trong dạ dày nhưng không ảnh hưởng đến bài tiết dịch vị và pepsin.

Dạng thuốc giảm đau dạ dày này thường dùng sau bữa ăn từ 1 – 3 giờ và trước khi đi ngủ.

1.2. Thuốc giảm đau kháng histamin H2

Nhóm thuốc này có tác dụng gây ức chế tác động của histamin ở thụ thể histamin H2 của tế bào dạ dày, giảm tiết acid. Thuốc giảm đau dạ dày kháng histamin H2 thường dùng cho bệnh nhân khó tiêu, trào ngược dạ dày hoặc loét dạ dày.

Có thể dùng thuốc giảm đau dạ dày kháng histamin H2 đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.


Histamin có 2 dạng bào chế là đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch
Histamin có 2 dạng bào chế là đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch

1.3. Thuốc kháng sinh

Nhóm thuốc này chứa kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP dạ dày, thường được chỉ định dùng điều trị nội khoa như: Metronidazol/tinidazole 500mg, Fluoroquinolones: Levofloxacin 500 mg, Clarithromycin 250mg; 500mg, Amoxicillin 500mg, Bismuth,...

Ngoài các nhóm thuốc giảm đau dạ dày thường dùng, nhiều người bệnh còn lạm dụng thuốc paracetamol để giảm đau. Đây là loại thuốc được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau có nguồn gốc không phải nội tạng.

2. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc giảm đau dạ dày

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc giảm đau dạ dày là có thể gây viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa, nhất là thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid.

Bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau dạ dày đường uống hay đường tiêm đều có thể gặp những tác dụng không mong muốn. Nguyên nhân, do thuốc gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày, làm giảm sản xuất chất nhầy, tạo điều kiện cho acid và pepsin trong dịch vị dạ dày làm tổn thương niêm mạc.

Bệnh nhân bị tác dụng phụ khi dùng thuốc giảm đau dạ dày có biểu hiện như: nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng, viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu, thủng dạ dày hành tá tràng.


Thuốc giảm đau dạ dày có thể khiến bệnh nhân bị nóng rát vùng thượng vị
Thuốc giảm đau dạ dày có thể khiến bệnh nhân bị nóng rát vùng thượng vị

Ngoài ra, một số bệnh nhân đau dạ dày thường xuyên dùng thuốc giảm đau có thể gặp tình trạng kháng thuốc. Nguyên nhân do khi dùng thuốc lâu ngày với lượng duy trì đều đặn, virus gây bệnh sẽ tự sản xuất chất hoặc tế bào kháng lại tác dụng của thuốc, thuốc không còn tác dụng giảm đau.

3. Người đau dạ dày có nên dùng thuốc giảm đau dạ dày không?

Khi đau dạ dày, bệnh nhân nên tới thăm khám, nhận chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh trong đơn thuốc điều trị được bác sĩ kê. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý sử dụng thuốc giảm đau dạ dày đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng hoặc bỏ dở giữa chừng.

Thuốc giảm đau dạ dày chỉ có thể điều trị triệu chứng, giảm đau nhanh chóng, che lấp các dấu hiệu bệnh. Bệnh vẫn có thể tiến triển và nặng hơn nên cần hết sức cân nhắc khi sử dụng thuốc giảm đau. Lựa chọn thuốc cần chú ý tới cường độ và bản chất cơn đau.

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, người bệnh đau dạ dày nên uống thuốc giảm đau theo bậc thang như sau:

3.1 Bậc 1

Với đau dạ dày mức nhẹ, nên dùng các loại thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, thuốc chống viêm không phải steroid.

Thuốc giảm đau dạ dày bậc 1 thường dùng là: aspirin, paracetamol, ibuprofen,... Lựa chọn thuốc sử dụng tùy theo sự nhạy cảm của từng người, có chống chỉ định khác nhau và tương tác với những thuốc khác.


Đau dạ dày mức nhẹ nên dùng các loại thuốc đau dạ dày bậc 1 như aspirin
Đau dạ dày mức nhẹ nên dùng các loại thuốc đau dạ dày bậc 1 như aspirin

3.2 Bậc 2

Với đau dạ dày mức vừa, nên dùng paracetamol phối hợp với thuốc loại opioid yếu (như codein, oxycodone), thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thuốc giảm đau hỗ trợ. Một số loại thuốc giảm đau mạnh hơn có thể cân nhắc như codein, dextropropoxyphen.

3.3 Bậc 3

Với đau dạ dày nặng, nên dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh như methadone, morphin, hydromorphone,... kết hợp với thuốc chống viêm không steroid.

Thuốc giảm đau morphin và dẫn xuất của nó có thể gây ra hiện tượng nghiện thuốc, quen thuốc. Vì thế chỉ sử dụng loại thuốc giảm đau này khi có chỉ định của bác sĩ, đảm bảo dùng đúng liều lượng và thời gian chỉ định.

Ngoài ra, để tránh rối loạn tiêu hóa, nên uống thuốc giảm đau dạ dày vào khi no và uống cùng cốc nước khoảng 200 – 250ml. Với trường hợp bị khó chịu, nên uống thuốc cùng thức ăn hoặc ngay sau khi ăn.

Các loại thuốc giảm đau dạ dày là thuốc cấp tính, thường dùng điều trị triệu chứng đau cấp tính. Do đó bệnh nhân lưu ý chỉ dùng trong thời gian ngắn theo chỉ định bác sĩ, không nên uống kéo dài để phòng ngừa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe