Trong thời gian cho con bú, đau có thể do rất nhiều nguyên nhân như chấn thương, nhiễm trùng, đau răng hoặc đau thứ phát do viêm khớp,... Nếu không được điều trị có thể dẫn tới trầm cảm và lo âu, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tâm lý của người mẹ. Do đó việc sử dụng các thuốc giảm đau trong các trường hợp này là cần thiết nhưng cũng có một số lưu ý nhất định.
1. Đau răng khi đang cho con bú có nguy hiểm không?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vấn đề liên quan đến răng miệng ở phụ nữ cho con bú là rối loạn nội tiết tố sau sinh. Một số nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đau răng có thể kể đến như:
- Sâu răng: đây là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến tình trạng đau nhức răng khi cho con bú. Cơn đau kéo dài, tăng về đêm và ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mẹ·
- Mọc răng: vì răng khôn thường xuất hiện trong độ tuổi từ 17-25 nên có thể trùng với thời điểm mẹ đang cho con bú. Răng khôn mọc sẽ gây đau nhức kéo dài vì quá trình tách nướu, có thể kèm các cơn sốt khó chịu cho mẹ·
- Viêm chân răng: các mảng bám và cao răng do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công gây nên bệnh lý viêm chân răng.
Hiện tượng đau răng trong thời điểm đang cho con bú không thể xem thường và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường như:
- Đau răng khiến ăn uống khó khăn dẫn tới dinh dưỡng mà mẹ tiêu thụ không đủ, việc này làm giảm chất lượng sữa cho trẻ, thậm chí dẫn tới mất sữa hoàn toàn.
- Vi khuẩn của sâu răng, viêm nướu có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ·
- Sâu răng hay viêm nướu ở phụ nữ cho con bú phát triển khá nhanh gây ra những tình trạng đáng báo động như viêm tủy, áp xe răng, viêm xương ổ răng,... nếu không được điều trị có thể dẫn tới mất răng hoàn toàn.
XEM THÊM: Đau răng: Dùng thuốc giảm đau nào tốt nhất?
2. Dùng thuốc giảm đau răng khi đang cho con bú nên lưu ý những gì?
Trên thực tế, nhiều tác dụng của thuốc giảm đau răng đối với trẻ bú mẹ chưa được biết đến hoàn toàn. Vì thế, mẹ chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết, ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể, đặc biệt là dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc uống một lần nên được ưu tiên, một ngày ngay sau khi cho trẻ bú cữ dài nhất, có thể là lần ăn cuối ngày, trước khi trẻ đi ngủ.
Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc đối với trẻ bú mẹ như buồn ngủ, khó chịu,... Nên tránh các thuốc tác dụng kéo dài, phóng thích kéo dài và các dạng thuốc kết hợp. Tuân thủ các khuyến cáo đối với những loại thuốc gặp nhiều vấn đề nhất. Một số thuốc có thể sử dụng trong giai đoạn này gồm:
- Paracetamol được xem là an toàn trong giai đoạn cho con bú, ước tính liều thuốc mà trẻ nhận được qua sữa mẹ chỉ khoảng 6% liều dùng của người mẹ.
- Các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và diclofenac có thể dùng được trong thời kỳ cho con bú sữa mẹ. Liều vào so với liều dùng của mẹ theo thứ tự là 0,65% và 1% ngay cả ở phụ nữ dùng liều cao.
- Aspirin không được khuyến cáo để điều trị đau trong giai đoạn cho con bú vì thuốc có thể gây tác dụng phụ có hại đối với trẻ và có những thuốc thay thế an toàn hơn. Trên lý thuyết thì aspirin có thể gây hội chứng Reye ở trẻ.
Sau khi sinh, người mẹ không chỉ gặp phải những vấn đề về tâm sinh lý mà nhiều cơ quan trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Đau răng là tình trạng mà nhiều người mẹ mắc phải. Nếu các triệu chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thì người mẹ cần đến các trung tâm y tế để khám sức khỏe tổng thể sau sinh, đồng thời để bác sĩ tư vấn về cách điều trị cũng như sử dụng thuốc giảm đau răng hiệu quả
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.