Người cao tuổi bị loãng xương nên dùng thuốc gì?

Mục lục

Loãng xương ở người cao tuổi nên dùng thuốc gì là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Hiểu rõ và sử dụng đúng loại thuốc loãng xương cho người già không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn hạn chế tác dụng phụ. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các loại thuốc thường dùng cho người già bị loãng xương cùng những lưu ý quan trọng khi sử dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hỏi

Chào bác sĩ,

Mẹ của em hiện đang có vấn đề về xương khớp, hiện đang hơn 60 tuổi được bác sĩ chẩn đoán là bệnh loãng xương. Bác sĩ cho em hỏi người cao tuổi bị loãng xương nên dùng thuốc gì? Mẹ em nên sử dụng loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào để hỗ trợ bệnh này không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Người cao tuổi bị loãng xương nên dùng thuốc gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Đầu tiên là việc chẩn đoán loãng xương: Lứa tuổi của mẹ bạn là trên 60 tuổi, vì vậy có thể bị loãng xương. Việc chẩn đoán xác định hiện nay là đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA tại vị trí cột sống và cổ xương đùi hai bên.

Việc điều trị kết hợp nhiều biện pháp:

  • Chế độ ăn uống sinh hoạt: Ăn thức ăn giàu Calci: sữa, tôm cua cá nhỏ; tắm nắng.
  • Chế độ vận động: Đi bộ nhanh, aerobic, đạp xe, bơi,... phòng tránh ngã.
  • Thuốc: Ngoài bổ sung calci: sao cho cộng với chế độ ăn uống để đảm bảo nhu cầu 1000-1200 mg/ngày, vitamin D 800 đơn vị/ngày. Ngoài ra phải dùng các thuốc tăng tạo xương hoặc chống hủy xương (theo chỉ định bác sĩ).

Bên cạnh đó, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài trả lời câu hỏi về thuốc loãng xương cho người già, dưới đây là phần giải đáp chi tiết những vấn đề liên quan đến loãng xương ở người cao tuổi.

1. Dấu hiệu nhận biết loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương ở người già tiến triển âm thầm, chỉ biểu hiện rõ khi có biến chứng. Các dấu hiệu loãng xương ở người cao tuổi gồm:

  • Đau nhức xương, gãy xương.  
  • Đau lưng, co cứng cơ dọc cột sống, lan sang mạn sườn, tăng khi vận động, giảm khi nghỉ.  
  • Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao do lún xẹp đốt sống.  
  • Triệu chứng toàn thân như ớn lạnh, chuột rút, đổ mồ hôi nhiều.

2. Loãng xương ở người cao tuổi nên dùng thuốc gì?

Thuốc là một trong những biện pháp chính trong điều trị loãng xương. Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng phổ biến để giúp cải thiện tình trạng loãng xương, tăng cường mật độ xương và giảm đau. Dưới đây là các loại thuốc loãng xương cho người già thường dùng:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc vừa ức chế tế bào hủy xương vừa giảm đau. Các loại thuốc phổ biến là Paracetamol và Calcitonine. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng viêm giảm đau cần sử hạn chế sử dụng và chỉ dùng khi cần hoặc được đề xuất bởi bác sĩ.
  • Thuốc giúp tăng mật độ xương và ngăn chặn hủy xương: Nhóm thuốc này ức chế tế bào hủy xương, thúc đẩy tái tạo xương, bao gồm: hormone, thuốc tác động hormone (Premarin, Prempak C, Livial), Calcitonin và bisphosphonat.
  • Thuốc kích hoạt tạo xương: Thuốc bổ sung canxi, vitamin D, thuốc chống đồng hóa… 
Loãng xương ở người cao tuổi nên dùng thuốc gì phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.
Loãng xương ở người cao tuổi nên dùng thuốc gì phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.

3. Những lưu ý khi dùng thuốc loãng xương cho người già

Sau khi đã hiểu rõ loãng xương ở người cao tuổi nên dùng thuốc gì, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau trong quá trình sử dụng thuốc:

  • Trước khi dùng thuốc loãng xương cho người già cần xét nghiệm mật độ xương để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.
  • Người bệnh nên dùng bisphosphonate để giảm loãng xương cột sống và hông, uống với nước đầy và đứng thẳng 30–60 phút để tránh loét thực quản.
  • Bệnh nhân không nên tự ý dùng canxi và vitamin D mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, rau xanh, tôm, cua vào khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Hạn chế rượu bia, món chiên rán, thịt đỏ để tránh mất canxi của cơ thể.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên giúp xương khớp dẻo dai và cải thiện hấp thụ canxi.

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương

Ngoài việc tìm hiểu các loại thuốc loãng xương cho người già thì phòng ngừa tình trạng này cũng là vấn đề cần chú ý. Loãng xương ở người già có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn, cụ thể như sau:

  • Dinh dưỡng hợp lý: Cung cấp đầy đủ canxi và protein, khuyến khích uống 500-1.000ml sữa mỗi ngày (sữa tươi, sữa chua hoặc sữa bột) để giúp xương chắc khỏe.
  • Tập luyện thường xuyên: Vận động đều đặn và tăng cường hoạt động ngoài trời giúp ngăn ngừa thoái hóa xương, kích thích quá trình tạo xương và hỗ trợ hấp thu canxi tốt hơn.

Nếu bạn còn thắc mắc về người cao tuổi bị loãng xương hoặc loãng xương uống thuốc gì, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng! 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ