Thiếu máu não là một bệnh lý nguy hiểm, được xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Để điều trị thiếu máu não, ngoài tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ, chúng ta cần có một chế độ ăn uống hợp lý.
1. Nguyên nhân gây thiếu máu não và những triệu chứng điển hình
1.1. Nguyên nhân của bệnh thiếu máu não
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới thiếu máu não, phổ biến nhất là:
- Xơ vữa động mạch, nhất là xơ vữa động mạch cảnh khiến thành các mạch đưa máu lên não bị dày lên, thu hẹp lòng mạch làm cản trở dòng máu tới não.
- Thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép vào các mạch đưa máu tới não, qua đó cũng gây thiếu máu não.
- Tuổi cao làm hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể của tim yếu dần khiến giảm lưu lượng máu tới nuôi các cơ quan, trong đó có não bộ.
- Thiếu máu não thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, vì chỉ cần một động mạch bị huyết khối gây tắc hoàn toàn, người bệnh có thể bị tử vong do suy tuần hoàn, suy hô hấp hoặc có thể gây xuất huyết não, nhũn não dẫn tới tử vong. Do vậy, thiếu máu não là bệnh lý được xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch.
Thiếu máu não là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, xong việc điều trị bệnh lý này ở người cao tuổi cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nếu không cẩn thận rất dễ gặp tai biến, do đa số thuốc điều trị thiếu máu não hiện nay thường có kèm tăng huyết áp.
1.2. Triệu chứng điển hình của thiếu máu não
Trong bệnh lý thiếu máu não, người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu điển hình như:
- Đau đầu kéo dài: chiếm tỷ lệ khoảng 90%, là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và hay gặp khi mắc bệnh. Ban đầu chỉ là những cơn nhói ở vùng đầu, sau đó lan tỏa khắp đầu, nặng đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau nhức đầu ù tai, mất thăng bằng... chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 87%.
- Mất ngủ: một số bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ như lúc tối ngủ được, nửa đêm thường trằn trọc không ngủ, gần sáng lại ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài làm toàn thân mệt mỏi, tai nghe không rõ, trí nhớ giảm sút.
- Suy giảm trí nhớ: đây là tiến triển tự nhiên trong quá trình lão hóa của con người, vừa do tình trạng lão hóa ở tế bào não, thoái hóa não, teo não, vừa do tình trạng thiếu máu cung cấp để nuôi não.
- Nhức mỏi, tê bì chân tay: máu đến các chi thiếu hụt sẽ gây các chứng tê bì nhức mỏi chân tay. Người bệnh thường có cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh còn cảm thấy tim đập nhanh, đôi khi còn xuất hiện cơn đau ngực, bởi vì não không nhận được đủ lượng máu giàu oxy nên buộc tim phải đập nhanh hơn để bù đắp. Đến khi tình trạng thiếu máu não trở nên nghiêm trọng những cố gắng của tim không đủ đáp ứng nhu cầu của não, gây ra các cơn đau tim, thậm chí có thể tiến triển thành suy tim.
2. Thiếu máu não nên ăn món gì?
2.1. Thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ động vật
- Cá béo
Các loại cá béo là một nguồn cung cấp dồi dào axit béo omega-3 cũng như các chất béo khác tốt cho sức khỏe. Omega-3 có thể giúp giảm nồng độ beta-amyloid trong máu, một loại protein hình thành nên các khối gây tổn thương não bộ ở những người mắc chứng Alzheimer.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người thường xuyên bổ sung omega-3 sẽ giúp làm tăng lưu lượng máu lên não. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy mối liên hệ giữa mức độ omega-3 và khả năng nhận thức hoặc khả năng tư duy tốt hơn.
Chúng ta nên ăn ít nhất hai bữa cá một tuần nhưng cần chọn các loại ít bị nhiễm thủy ngân, chẳng hạn như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ đóng hộp hay cá minh thái (pollock). Nếu bạn thuộc nhóm người không thích ăn cá, hãy hỏi lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về những sản phẩm thực phẩm bổ sung omega-3 hay lựa chọn nguồn omega-3 thay thế khác từ hạt lanh, quả bơ, hạt óc chó...
- Trứng
Trứng cũng là một trong những thực phẩm tốt cho não bộ của chúng ta. Trong trứng chứa rất nhiều các vitamin nhóm B bao gồm:
- Vitamin B6
- Vitamin B12
- Axit folic (vitamin B9)
Những nghiên cứu được tiến hành gần đây cho thấy các vitamin này có khả năng ngăn ngừa teo não và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.
- Thịt bò
Thịt bò là một thực phẩm giàu đạm, sắt và nhiều chất dinh dưỡng khác. Không những thế, trong thịt bò còn có một hàm lượng nhất định các vitamin B2, B6 và B12 giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của não bộ.
Chúng ta có thể chế biến thịt bò cùng với nhiều nguyên liệu bổ dưỡng khác nhau để tạo ra các món ăn vừa ngon miệng vừa có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
2.2. Thực phẩm bổ sung nguồn gốc thực vật
- Các loại rau lá xanh
Cải xoăn, cải bó xôi, cải rổ, bông cải xanh là các loại rau lá xanh rất giàu những thành phần dinh dưỡng tốt cho não bộ, chẳng hạn như vitamin K, lutein, folate và beta carotene. Nghiên cứu cho thấy những thực phẩm này có tác dụng chống lão hóa, từ đó làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.
- Các loại quả mọng
Theo nghiên cứu thì flavonoid, một nhóm hợp chất tự nhiên thường gặp trong thực vật giúp chúng có màu sắc sặc sỡ, cũng giúp cải thiện trí nhớ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Neurology vào năm 2012 cho thấy những phụ nữ dùng từ hai phần dâu tây/việt quất trở lên hàng tuần có quá trình suy giảm trí nhớ chậm hơn đến hai năm rưỡi so với những người không sử dụng.
- Hạt óc chó
Các loại hạt thường có nhiều protein và các chất béo tốt cho sức khỏe. Trong đó, hạt óc chó giúp cải thiện trí nhớ. Một nghiên cứu công bố năm 2015 cho thấy có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều hạt óc chó với kết quả cải thiện điểm số kiểm tra nhận thức.
Hạt óc chó chứa axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3, có tác dụng làm hạ huyết áp và bảo vệ động mạch. Đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe của cả não bộ và tim mạch.
- Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt có chứa rất nhiều loại vitamin, điển hình là vitamin E. Sức khỏe chúng ta có thể cải thiện nhờ ăn những thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt:
- Gạo lứt
- Lúa mạch
- Yến mạch
- Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
- Các sản phẩm từ đậu nành
Các sản phẩm từ đậu nành chứa một nhóm hợp chất chống oxy hóa có tên là polyphenol. Nghiên cứu cho thấy polyphenol giúp làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và cải thiện khả năng nhận thức.
Polyphenol trong các sản phẩm đậu nành được gọi là isoflavone, bao gồm daidzein và genistein. Những thành phần này hoạt động như các chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe chung cho cơ thể.
- Các loại trái cây và rau củ cây giàu vitamin và sắt
Lựu, dâu tây, mâm xôi, nho, mận... cũng có hàm lượng vitamin cùng các chất chống oxy hóa cao sẽ giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt, tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Nhiều loại rau củ có hàm lượng vitamin và các chất khoáng (kẽm, sắt) như rau cần tây, bí ngô, cà rốt... giúp làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường khả năng trao đổi chất với tế bào.
Vì thế để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu não, bạn nên chú ý bổ sung những thực phẩm trên vào trong chế độ ăn hàng ngày và duy trì một lối sống lành mạnh nhằm đảm bảo tình trạng sức khỏe được tốt nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những vấn đề bất thường, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Sau khi có kết quả khám sức khỏe, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn và có những chỉ định phù hợp với từng tình trạng khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.