Khi được chẩn đoán mắc suy nhược thần kinh, người bệnh sẽ được chỉ định điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng các thuốc phù hợp. Vậy suy nhược thần kinh uống thuốc gì? Thông tin dưới đây là câu trả lời cho băn khoăn này.
1. Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là 1 hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, gây ra do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ. Bệnh được xác định do căn nguyên tâm lý gây nên. Căn nguyên tâm lý (chấn thương tâm thần, stress) là những căng thẳng tâm lý cấp tính hoặc mạn tính kéo dài như: Mâu thuẫn trong gia đình, mất người thân, hy vọng không thành, lao động trí óc căng thẳng,...
Ngoài ra, trong lâm sàng còn gặp hội chứng suy nhược thần kinh sau các bệnh thực thể như: Xơ vữa động mạch não, chấn thương sọ não, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh nội tiết, tăng huyết áp, bệnh dạ dày - tá tràng, một số bệnh nhiễm khuẩn,...
Biểu hiện của suy nhược thần kinh chủ yếu là các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân xuất hiện sau những chấn thương tâm lý và một số bệnh nội khoa. Các dấu hiệu sớm thường gồm: Nhanh mệt mỏi, khó tập trung, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon,... Bước sang giai đoạn điển hình, người bệnh thường có các triệu chứng như:
- Thường kêu ca phàn nàn, mệt mỏi dai dẳng, tăng lên sau khi cố gắng về trí óc, thể lực,... Một số bệnh nhân thường bị đột ngột đau mỏi cơ bắp, suy giảm khả năng làm việc, nhanh mệt, hiệu quả công việc thấp;
- Người bệnh kém kiên nhẫn, không muốn chờ đợi, dễ nóng nảy, kích thích, phản ứng gay gắt quá mức. Khi có ý định làm việc, bệnh nhân nôn nóng làm ngay nhưng sau đó lại nhanh chán, muốn bỏ cuộc;
- Người bệnh dễ xúc động, dễ khóc, mất tự chủ, lo lắng, khí sắc giảm;
- Bệnh nhân bị đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, đau đầu tăng lên khi suy nghĩ, lo lắng, có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng;
- Người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay gặp mộng, dễ thức giấc, khó ngủ trở lại, đôi khi mất ngủ trắng đêm, cơ thể mệt mỏi, hay ngáp vặt trong ngày;
- Bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ gần và trí nhớ xa, đặc biệt là trí nhớ gần, kết quả học tập giảm sút, khó tiếp thu được kiến thức mới;
- Triệu chứng khác: Hay hồi hộp, mạch nhanh, đánh trống ngực, khó thở, toát mồ hôi, run chân tay, run mi mắt, có từng cơn nóng bừng hoặc lạnh toát toàn thân, suy giảm hoạt động tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, di tinh - mộng tinh ở nam giới;
- Biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan như tim mạch, thần kinh, gan, dạ dày,...
2. Cách điều trị suy nhược thần kinh
Trước khi tìm hiểu suy nhược thần kinh uống thuốc gì, người bệnh cần nắm được các phương pháp điều trị tình trạng này. Theo đó, khi thấy có các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm. Các phương pháp chữa bệnh gồm:
- Cân bằng lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Người bệnh không nên làm việc quá sức (về mặt thể chất và trí óc), dành nhiều thời gian nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày, thư giãn đầu óc bằng các hoạt động nhẹ nhàng gồm nghe nhạc, thiền, yoga,...;
- Giữ một chế độ ăn uống khoa học. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp cơ thể bệnh nhân khỏe mạnh hơn về mọi mặt. Do đó, cần ưu tiên cung cấp nguồn chất chống oxy hóa cao cho cơ thể từ các thực phẩm tươi sạch, bổ sung thêm rau quả giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch,... cho người bệnh;
- Bệnh nhân nên tham gia các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng tùy theo cơ địa, thể trạng của mỗi người;
- Người bệnh có thể tham khảo cách thuốc suy nhược thần kinh từ các dược thảo dân gian như cây trinh nữ, cây xạ đen, cây đinh lăng, trà tâm sen,...;
- Điều trị các bệnh nội khoa/ngoại khoa gây hội chứng suy nhược thần kinh;
- Nếu bệnh do căn nguyên tâm lý thì cần có biện pháp giải quyết, loại trừ nguyên nhân (tùy theo kinh nghiệm của bác sĩ và điều kiện của bệnh nhân).
3. Bệnh nhân suy nhược thần kinh uống thuốc gì tốt?
Cách chữa suy nhược thần kinh có thể thực hiện ngay tại nhà bằng các phương pháp đơn giản nêu trên. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bệnh tình người bệnh có những chuyển biến nặng như triệu chứng bệnh xuất hiện với tần suất cao hơn, dày đặc hoặc có dấu hiệu biến chứng tới các hệ cơ quan khác thì việc tìm tới sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên môn là cần thiết.
Sau khi thăm khám, tùy vào tình hình bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị suy nhược thần kinh phù hợp nhất. Người bệnh có thể sử dụng các thuốc an thần, thuốc giảm đau hoặc thực hiện liệu pháp tâm lý. Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc trị bệnh hoặc các thuốc bổ cho người suy nhược thần kinh. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để sử dụng cho hợp lý, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Vậy suy nhược thần kinh nên uống gì? Một số loại thuốc suy nhược thần kinh thường được chỉ định cho bệnh nhân gồm:
- Thuốc tác động lên cơ chế bệnh sinh như: Các thuốc có tác dụng lên quá trình hưng phấn hệ thần kinh sulbutiamine (arcalion) hoặc asthenal. Nên uống các thuốc này sau khi ăn sáng, nếu uống vào buổi trưa hoặc tối có thể gây mất ngủ; nếu uống vào lúc đói có thể gây cồn cào, khó chịu ở vùng thượng vị;
- Các thuốc khác có tác dụng điều trị triệu chứng của tình trạng suy nhược thần kinh. Tùy từng bệnh nhân khác nhau, bác sĩ có thể chỉ định dùng các thuốc khác nhau. Các loại thuốc thường được khuyên dùng gồm:
- Thuốc tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não: Ginkgo Biloba, piracetam,...;
- Thuốc an thần, trấn tĩnh: Bệnh nhân nên dùng thuốc an thần nhẹ như chlordiazepoxide, diazepam, kết hợp với vitamin B1 và vitamin B6. Khi sử dụng thuốc chlordiazepoxide, người bệnh không nên tăng liều hoặc dùng thuốc dài hơn so với chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp bệnh có thể trầm trọng hơn khi đột ngột ngừng thuốc. Do đó, liều dùng cần giảm dần để tránh tác dụng phụ như co giật. Ngoài ra, diazepam có thể gây nghiện nên cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
- Thuốc giảm đau: Người bệnh hay được chỉ định sử dụng các dẫn chất của paracetamol với đặc điểm là có tác dụng nhanh nhưng bất lợi là gây độc với gan nếu dùng thuốc liều cao và thường xuyên. Khi dùng thuốc, nên uống xa bữa ăn, uống với nhiều nước. Có thể sử dụng các thuốc giảm đau khác gồm nhiều thành phần phối hợp như aspirin với phenacetin và caffeine;
- Thuốc trị trầm cảm: Như amitriptyline, tianeptine,... Amitriptyline là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, giúp cải thiện tâm trạng và cảm xúc, giảm căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như khô miệng, mệt mỏi, choáng váng,... Để hạn chế các tác dụng phụ này, người bệnh nên dùng thuốc ở liều thấp rồi tăng dần liều lượng. Thuốc Tianeptine điều trị rối loạn trầm cảm, nên dùng khi bụng đói, trước bữa ăn chính. Khi dùng thuốc này, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón,... Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời;
- Các vitamin: Là nhóm thuốc cung cấp các yếu tố vi lượng, có tác dụng tới quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều và không đúng chỉ định thì thuốc có thể gây tác dụng phụ;
- Các thuốc y học cổ truyền: Lá vông, tâm sen, lạc tiên, củ bình vôi,...
Để người bệnh suy nhược thần kinh khỏi bệnh thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng, không trị được căn nguyên gây suy nhược thần kinh. Do vậy, người bệnh cần kiên trì dùng thuốc, phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác. Đồng thời, không thể áp dụng tất cả các phương pháp điều trị suy nhược thần kinh ở bệnh nhân này cho bệnh nhân khác. Nên tìm hiểu rõ căn nguyên gây suy nhược thần kinh (bệnh lý ngoại khoa, nội khoa, nhiễm khuẩn,...) để có phương pháp điều trị phù hợp.
Bài viết đã giải đáp cho câu hỏi suy nhược thần kinh uống thuốc gì của bệnh nhân. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ để mang lại hiệu quả trị liệu tốt nhất, an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.