Ngứa môi: Nguyên nhân và phòng ngừa

Thỉnh thoảng bạn bị ngứa môi đột ngột và cảm thấy rất khó chịu, nhưng không biết được vì sao môi bị ngứa. Vậy làm thế nào để phòng ngừa môi ngứa rát?

1. Nguyên nhân gây ngứa môi

Ngứa môi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm: Tiếp xúc với chất gây dị ứng (dị nguyên), do một số loại thuốc, do chấn thương, thời tiết, bị nhiễm trùng và một số nguyên nhân khác.

1.1 Ngứa môi do tiếp xúc với dị nguyên

Ngứa môi do tiếp xúc với dị nguyên là tình trạng môi bị ngứa, sưng, đóng vảy, thậm chí là bị viêm do tiếp xúc với chất gây dị ứng có trong các loại mỹ phẩm dành cho môi (son), kem chống nắng, nước hoặc thuốc súc miệng, kem đánh răng, nước hoa.

Ngoài ra, thực phẩm chứa chất bảo quản hoặc sử dụng hương liệu nhân tạo cũng có thể gây ngứa môi. Thông thường, ngứa môi do tiếp xúc với dị nguyên là biểu hiện tạm thời và sẽ khỏi trong khoảng 24 giờ.

1.2 Ngứa môi do dùng thuốc

Nếu đang dùng thuốc điều trị một tình trạng bệnh lý như thuốc có chứa retinoid, thuốc kháng sinh penicillin, có thể gây tác dụng phụ là ngứa môi với biểu hiện là nứt môi, chảy máu trên môi.


Dùng thuốc có chứa retinoid, thuốc kháng sinh penicillin có thể gây ra ngứa môi
Dùng thuốc có chứa retinoid, thuốc kháng sinh penicillin có thể gây ra ngứa môi

1.3 Ngứa môi do bị chấn thương

Ngứa môi do chấn thương là tình trạng vùng da trên môi bị kích thích, nhạy cảm quá mức. Thói quen thường xuyên cắn môi hoặc liếm môi cũng có thể khiến môi bị sưng và ngứa. Nếu môi không bị kích ứng, tình trạng ngứa sẽ chấm dứt và có thể tái diễn khi môi tiếp tục bị kích ứng.

1.4 Ngứa môi do thời tiết

Ngứa môi do thời tiết là tình trạng môi bị ngứa, khô, sưng, nứt nẻ hoặc thậm chí là chảy máu do tiếp xúc với thời tiết khô, lạnh, gió trong thời gian dài, đặc biệt là những vùng có khí hậu khắc nghiệt. Ngứa môi do thời tiết thường gặp ở những người thường xuyên làm việc ở môi trường bên ngoài.

1.5 Ngứa môi do bị nhiễm trùng

Ngứa môi do nhiễm trùng một số loại nấm (nấm candida), virus (HSV), vi khuẩn (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn nhóm A) quá mức gây cảm giác khó chịu. Ngoài ngứa môi, nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng khác và khi những triệu chứng này biến mất thì tình trạng ngứa môi cũng sẽ khỏi. Hoặc bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh để kiểm soát, điều trị nhiễm trùng.

1.6 Ngứa môi do các nguyên nhân khác

Ngứa môi do các nguyên nhân khác gây ra, bao gồm: Bệnh lupus, nổi mề đay, phát ban kéo dài (6 tuần), cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, liệt mặt do hội chứng Melkersson-Rosenthal.


Ngứa môi có thể do bệnh lupus, nổi mề đay
Ngứa môi có thể do bệnh lupus, nổi mề đay

2. Ngứa môi, khô môi

Ngoài những nguyên nhân kể trên, đôi khi ngứa môi là do môi đang bị khô và gây ra cảm giác ngứa. Khô môi chủ yếu do tác nhân môi trường gây ra, khiến hàng rào bảo vệ da trên môi yếu đi, dẫn đến môi bị kích ứng, viêm đỏ, ngứa.

Thông thường khô môi chủ yếu là do môi trường có nhiệt độ quá cao, khô, nóng và không phải là biểu hiện của bệnh lý. Trong khi đó, ngứa môi có thể là dấu hiệu của một số bệnh. Ngứa môi thường kèm theo khô môi, vì vậy, nếu không phân biệt hai triệu chứng này có thể dẫn đến chẩn đoán xác định nhầm bệnh lý để điều trị.

3. Bị ngứa môi như thế nào thì cần gặp bác sĩ?

Khi bị ngứa môi kèm theo những biểu hiện bất thường sau, bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán xác định nguyên nhân:

  • Phát ban trên mặt
  • Môi bị chảy máu không ngừng
  • Khó thở
  • Sưng môi

Ngoài ra, nếu bị ngứa môi kéo dài trong nhiều tuần, kèm theo nứt môi, chảy máu, cũng hãy đến bác sĩ ngay lập tức và đừng quên thông tin cho bác sĩ về những loại mỹ phẩm, thuốc đã sử dụng trong thời gian gần đây.

Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra ngứa môi do tác nhân dị ứng gây ra không, hoặc nuôi cấy để tìm nấm, vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng không.


Nếu bị ngứa môi kéo dài trong nhiều tuần, kèm theo nứt môi, chảy máu, cũng hãy đến bác sĩ ngay lập tức
Nếu bị ngứa môi kéo dài trong nhiều tuần, kèm theo nứt môi, chảy máu, cũng hãy đến bác sĩ ngay lập tức

4. Điều trị ngứa môi như thế nào?

Tùy vào nguyên nhân gây ngứa môi, phương pháp điều trị sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Do nhiễm trùng: Thuốc kháng sinh đường uống, kem bôi chống nấm nhiễm trùng.
  • Do dị ứng: Thuốc kháng histamin đường uống hoặc bôi.
  • Do khô môi: Dùng kem dưỡng ẩm không chứa hóa chất và hương thơm gây dị ứng để tăng cường hàng rào bảo vệ da trên môi trước điều kiện thời tiết khô, nóng, khắc nghiệt.

Khi được chỉ định dùng thuốc điều trị ngứa môi, hãy luôn nhớ thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ có thể xảy ra do dùng thuốc.

5. Phòng ngừa ngứa môi

Có thể phòng ngừa tình trạng ngứa môi tái phát bằng những cách sau:

  • Bảo vệ môi: Đôi môi của bạn cần được bảo vệ tại bất kỳ thời điểm nào trong năm bằng son dưỡng ẩm (vào mùa khô, lạnh) và khăn, vải che, son chống nắng (vào mùa nóng, nhiệt độ cao). Lưu ý khi sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc môi cần chọn những sản phẩm không mùi, không chứa hóa chất gây dị ứng.
  • Hạn chế những thói quen gây hại môi: Liếm môi, cắn môi là những thói quen gây hại cho môi cần được loại bỏ để không khiến môi bị ngứa. Liếm môi tưởng chừng như sẽ giúp môi ẩm và bớt bị khô hơn, nhưng sự thực là liếm môi sẽ khiến môi khô hơn. Nếu đang sử dụng mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc da hàng ngày có chứa hóa chất ảnh hưởng đến môi, bạn cũng nên cân nhắc thay đổi sản phẩm và cách sử dụng để không gây ra tình trạng ngứa môi do tiếp xúc với hóa mỹ phẩm.
  • Uống đủ nước: Cuối cùng, hãy giữ cho môi không bị khô, nứt nẻ, gây ngứa môi bằng cách uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa đông.

Ngứa môi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như tiếp xúc với chất dị ứng, thời tiết khắc nghiệt, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng. Để phòng ngừa ngứa môi cần sử dụng sản phẩm chăm sóc, bảo vệ môi, hạn chế những thói quen gây hại cho môi và uống đủ nước mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe