Có nhiều nghiên cứu chỉ ra tình trạng giấc ngủ của bạn có liên quan đến bệnh đái tháo đường typ 2. Vậy ngủ gật , thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc có mối liên quan như thế nào đến căn bệnh gây ra nhiều rắc rối cho người bệnh này?
1. Cái nhìn tổng quát về bệnh đái tháo đường typ 2
Đái tháo đường typ 2 là bệnh lý mãn tính thường xảy ra ở người lớn từ độ tuổi 40 trở lên. Đây là bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào insulin tức là tuyến tụy vẫn hoạt động và tiết ra insulin bình thường nhưng nhưng vì lý do nào đó mà glucose trong máu không thể sử dụng được ở các tế bào khiến lượng đường tăng cao và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường là hoại tử vì các tế bào không thể hấp thụ được glucose trong máu và chết đi dần dần. Tình trạng hoại tử thường gặp nhất ở phần dưới của cơ thể. Bên cạnh hoại tử thì nhiễm toan ceton tiểu đường cũng là một biến chứng rất nguy hiểm, nó có thể đe dọa tính mạng người bệnh do ceton khiến máu có tính axit và gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó có bộ não.
Ngoài hai biến chứng nguy hiểm trên, đái tháo đường typ 2 còn có thể gây ra các biến chứng khác như: Bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh thận, các tổn thương ở mắt, tổn thương bàn chân, bệnh da miệng và đặc biệt là các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như sảy thai, thai lưu...
Bệnh đái tháo đường typ 2 được chẩn đoán bằng cách sử dụng xét nghiệm HbA1c, xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm dung nạp glucose đường uống...
Để điều trị đái tháo đường typ 2, người bệnh cần thực hiện các biện pháp giảm cân, ăn uống lành mạnh, có chế độ tập luyện phù hợp, sử dụng thuốc điều trị tiểu đường hoặc liệu pháp insulin cũng như theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ định của bác sĩ.
2. Vì sao người bệnh đái tháo đường typ2 hay ngủ gật?
Giấc ngủ là trạng thái tự nhiên của cơ thể được lập trình mỗi đêm để phục hồi sức khỏe cũng như trí não sau một ngày làm việc hay học tập mệt mỏi và có đủ năng lượng hoạt động cho ngày hôm sau.
Tuy nhiên, nếu bạn đã ngủ cả đêm nhưng ban ngày vẫn còn tình trạng ngủ gật gây ảnh hưởng đến công việc hay quá trình học tập thì việc tìm ra nguyên nhân để xử lý kịp thời là vô cùng quan trọng.
Đối với người bệnh đái tháo đường typ 2, tình trạng ngủ gật thường xuyên có thể liên quan đến việc hạ đường huyết quá mức. Đường huyết hay còn được gọi là glucose máu là cách gọi chỉ nồng độ glucose trong máu và là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động sống hằng ngày của mỗi người.
Người bệnh đái tháo đường typ 2 thường gặp phải tình trạng hạ đường huyết quá mức với các biểu hiện như run tay, hồi hộp, vã mồ hôi... và đặc biệt là tình trạng hay ngủ gật. Bạn có thể nhờ người thân kiểm tra lượng đường trong máu lúc ngủ gật, nếu nhỏ nhờ 3.9mmol/L thì cần có biện pháp xử lý hạ đường huyết kịp thời.
3. Vì sao thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc có nguy cơ gây bệnh đái tháo đường typ 2
Đối với sức khỏe, giấc ngủ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, những lợi ích của giấc ngủ có thể kể đến như giúp bộ não làm việc hiệu quả hơn, duy trì vóc dáng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress, giảm thiểu nguy cơ mắc một số bệnh lý...
“Vậy tại sao thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc lại là yếu tố góp phần gây ra bệnh đái tháo đường typ 2?”
Theo các nhà khoa học thuộc đại học Boston ( Mỹ), thiếu ngủ có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học có chức năng điều chỉnh chu kỳ ngủ hoặc thức tự nhiên của cơ thể. Điều này sẽ làm cơ thể người tăng hàm lượng hormone cortisol và có thể gây ra tình trạng stress và mất cân bằng lượng đường trong cơ thể. Ngoài ra người mất ngủ sẽ khiến hệ thần kinh bị rối loạn và tác động đến hormone kiểm soát đường huyết trong cơ thể.
Chính vì vậy người ngủ không đủ giấc hoặc hay bị thiếu ngủ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ.
Đối với người trưởng thành, ngủ không đủ giấc có mối liên quan đến bệnh đái tháo đường typ2 còn ở trẻ em, ngủ nhiều và đủ giấc còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này trong tương lai.
Một nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Tim mạch trẻ em ở Vương quốc Anh đã chỉ ra thời gian ngủ của trẻ càng dài thì lượng insulin, mức kháng insulin và mức đường glucose càng thấp. Theo các nhà khoa học chỉ ra rằng mức độ kháng insulin giảm khi trẻ còn nhỏ sẽ có tác dụng giảm thiểu nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường typ 2 trong khoảng 10 năm sau của trẻ.
Những mối liên hệ giữa giấc ngủ và bệnh đái tháo đường typ 2 còn rất nhiều vấn đề để tìm hiểu và nghiên cứu. Vì vậy, để có một cơ thể khỏe mạnh người trưởng thành nên ngủ khoảng 7-9 tiếng một ngày còn trẻ em nên ngủ từ 10-12 giờ mỗi ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.