Ngày 4 đến ngày 7 tính từ khi bị sốt: Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm rất phổ biến, bùng phát vào mùa hè (tháng 4 - 10 hàng năm). Căn bệnh này xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước nhưng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như vắc-xin phòng bệnh nên người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm nhất là khi nào?

1. Sốt xuất huyết ủ bệnh bao nhiêu ngày?

Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết rất phổ biến, nguyên nhân gây bệnh là do virus Dengue. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa hằng năm khi muỗi phát triển mạnh.

Trung gian truyền bệnh chính của sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes aegypti. Khi bị muỗi đốt và truyền virus vào cơ thể, người bệnh sẽ trải qua một khoảng thời gian nhất định gọi là thời kỳ ủ bệnh không triệu chứng trước khi biểu hiện sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm. Vậy sốt xuất huyết ủ bệnh bao nhiêu ngày?

Ủ bệnh là thời gian cơ thể sản sinh ra các kháng thể để chống lại siêu vi Dengue. Chỉ đến khi lượng kháng thể này không sản sinh đủ để chống lại virus thì các triệu chứng của sốt xuất huyết mới biểu hiện ra bên ngoài.

Theo nghiên cứu, thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết kéo dài khoảng 4 đến 7 ngày, nhiều trường hợp kéo dài tới 14 ngày. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của siêu vi Dengue có thể thay đổi, ngắn hoặc dài hơn phụ thuộc vào các yếu tố như cơ địa người bệnh, sức đề kháng với virus hoặc tuổi tác của người bệnh...

Ở giai đoạn ủ bệnh, các xét nghiệm đều khó có thể chẩn đoán được virus Dengue hay một loại cảm cúm do siêu vi thông thường khác.

Thời kỳ ủ bệnh không triệu chứng, có thể kéo dài nên nhiều người bệnh không phát hiện mà vẫn sinh hoạt bình thường. Điều này vô tình giúp virus phát tán ra cộng đồng, lây nhiễm giữa người mang bệnh và người lành làm bệnh bùng phát dữ dội.


Sốt xuất huyết ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày
Sốt xuất huyết ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày

2. Diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết qua mấy giai đoạn?

2.1. Giai đoạn sốt

Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân sẽ sốt kéo dài khoảng 3-5 ngày đầu. Đặc điểm là bệnh nhân có thể sốt cao 38-40 độ, liên tục, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm dấu hiệu nhiễm siêu vi khác như đau đầu, đau hốc mắt, đau mỏi cơ toàn thân...

2.2. Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm

Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt. Lúc này, người bệnh có thể hết hoặc giảm sốt nên xuất hiện tâm lý chủ quan, không đến bệnh viện để điều trị, dễ khiến bệnh trở nên nguy hiểm hơn.

Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm có các biểu hiện nặng như tăng tính thấm thành mạch gây thoát huyết tương ra mô kẽ, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to đau và lượng nước tiểu ít dần.

Nặng nề nhất là sốc sốt xuất huyết Dengue do thất thoát huyết tương nặng và không được điều trị kịp thời với các biểu hiện như người bệnh vật vã, kích thích, bứt rứt hoặc li bì hôn mê, tay chân lạnh. da lạnh ẩm.

Khi đến bệnh viện có thể ghi nhận các triệu chứng như mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp kẹp, khó đo hoặc tụt và không đo được huyết áp. Bên cạnh sốc thì sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm còn có biểu hiện các bệnh cảnh như rối loạn đông máu nặng, suy đa cơ quan như suy gan, suy thận.

Sau khi hết sốt, người bệnh thường chủ quan dù đã vào sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm, đặc biệt là sốt xuất huyết ngày thứ 5 hoặc sốt xuất huyết ngày thứ 6 dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.

Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp nhất tùy từng người bệnh.


Tràn dịch màn phổi là một biểu hiện sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm
Tràn dịch màn phổi là một biểu hiện sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm

2.3. Giai đoạn hồi phục

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 24-48 giờ, sốt xuất huyết Dengue bước vào giai đoạn hồi phục khi huyết tương được tái hấp thu dần từ mô kẽ vào lòng mạch máu.

Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3-4 ngày. Tổng trạng bệnh nhân tốt dần lên, không còn sốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và bệnh nhân bắt đầu thèm ăn.

3. Triệu chứng sốt xuất huyết nguy hiểm cần lưu ý

Các triệu chứng xuất huyết nguy hiểm xuất hiện dưới da, niêm mạc và nội tạng.

  • Xuất huyết dưới da: các nốt hoặc chấm xuất huyết xuất hiện rải rác, thường gặp nhất là ở mặt trước cẳng chân, mặt trong của cánh tay, trên bụng, đùi...
  • Xuất huyết niêm mạc: Biểu hiện với các dấu hiệu như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc hành kinh sớm hơn bình thường;
  • Xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não do rối loạn đông máu nặng, đây là những biến chứng rất nặng nề của bệnh sốt xuất huyết;
  • Bên cạnh sốc do thất thoát huyết tương nặng thì người bệnh còn có các biến chứng khác nặng nề không kém như viêm gan nặng, suy thận, viêm não, viêm cơ tim...

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng thì các cận lâm sàng cũng giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán mức độ nặng của sốt xuất huyết Dengue:

  • Dung tích hồng cầu (hematocrit) tăng ;
  • Số lượng tiểu cầu giảm;
  • Men gan AST, ALT thường tăng;
  • Trường hợp nặng có thể biểu hiện rối loạn đông máu.
  • Siêu âm hoặc X quang ghi nhận tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Sốt xuất huyết Dengue có thể biểu hiện nhiều mức độ khác nhau nhẹ cho đến nặng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị thích hợp.


Người bệnh có thể được chụp X quang để đánh giá về triệu chứng của sốt xuất huyết
Người bệnh có thể được chụp X quang để đánh giá về triệu chứng của sốt xuất huyết

4. Những sai lầm thường gặp khi mắc sốt xuất huyết

4.1. Tâm lý chủ quan

Sốt xuất huyết Dengue được chia thành 3 mức độ là nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Một số bệnh nhân nhẹ có thể điều trị ngoại trú nhưng cần tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ vì có thể chuyển độ nặng bất cứ lúc nào.

Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng thì cần nhập viện điều trị và theo dõi sát. Do đó, nếu bệnh nhân được cho điều trị ngoại trú hoặc đã được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thì không nên có tâm lý chủ quan mà cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện kịp thời những biến chứng nặng nề và điều trị thích hợp.

4.2. Hết sốt có nghĩa là đã khỏi bệnh

Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm nhất lại chính là lúc bệnh nhân vừa hết sốt. Do đó, tâm lý hoàn toàn sai lầm của người bệnh là hết sốt là khỏi bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị.

Chính điều này lại đưa đến nhiều hậu quả đáng tiếc là các biến chứng nặng xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Do đó, dù hết sốt thì bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để hạn chế tối đa biến chứng xảy ra.


Hết sốt không phải là dấu hiệu của tình trạng khỏi bệnh sốt xuất huyết
Hết sốt không phải là dấu hiệu của tình trạng khỏi bệnh sốt xuất huyết

4.3. Một người chỉ mắc bệnh một lần trong đời

Siêu vi Dengue có đến 4 type huyết thanh, ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và mỗi type đều có khả năng gây bệnh giống nhau. Miễn dịch tạo thành sau nhiễm virus chỉ có tác dụng phòng bệnh với từng type riêng lẻ.

Do đó, về mặt lý thuyết thì một người có thể mắc nhiều lần sốt xuất huyết trong đời do các type khác nhau gây ra.

Sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm, có các biểu hiện bệnh khác nhau. Theo đó, bệnh còn nguy hiểm hơn khi giai đoạn hết sốt cũng chính là lúc bệnh ở giai đoạn nguy hiểm nhất. Vì thế, người bệnh không nên tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và thực hiện theo chỉ định, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe