Thuốc mỡ máu giúp hỗ trợ tình trạng người bệnh bị rối loạn lipid máu cao và có liên quan đến các bệnh lý tim mạch, béo phì, đái tháo đường. Thuốc hạ mỡ máu sẽ được sử dụng theo chỉ định kê đơn của bác sĩ để tránh tình trạng tác dụng phụ có thể xảy ra. Vì vậy, người bệnh cần biết thời điểm nào nên sử dụng thuốc để đạt hiệu quả tốt.
1. Cơ chế hoạt động của thuốc hạ mỡ máu
Các statin ức chế men khử HMG-CoA không tạo ra cholesterol ở gan, nhưng lại làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp làm tăng số lượng thụ thể của LDL-C, tăng sự thoái hóa nhưng làm giảm loại cholesterol gây hại xuống mức thấp nhất. Đồng thời các statin cũng làm tăng HDL-C. Thuốc hạ mỡ máu còn có tác dụng làm giảm cholesterol máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hoặc đột quỵ. Có khá nhiều nhóm thuốc statin được sử dụng
2. Thuốc mỡ máu uống vào lúc nào?
Uống thuốc mỡ máu vào lúc nào luôn là câu hỏi mà nhiều người bệnh quan tâm nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu của thuốc. Tình trạng mỡ trong máu cao liên quan đến bệnh lý mà chất béo trong máu bao gồm cholesterol và triglycerid tăng cao. Sự thay đổi này là một bất thường về sức khỏe nếu không được điều trị và theo dõi thường xuyên. Nếu không sẽ có nhiều khả năng diễn biến tình trạng bệnh lý ở mức độ nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh. Để chẩn đoán tình trạng mỡ máu tăng cao thường rất khó phát hiện khi khám trên lâm sàng vì bệnh ít có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng định kỳ để xác định các yếu tố cần thiết trong chẩn đoán bệnh hiệu quả. Xét nghiệm cận lâm sàng là yếu tố cần thiết cho chẩn đoán tình trạng mỡ máu đặc biệt với những trường hợp bệnh nhân đang mắc béo phì, đái tháo đường, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tim mạch... cần được kiểm soát kỹ lưỡng hơn.
Hơn nữa, điều trị tình trạng mỡ máu tăng cao thì cần ưu tiên thay đổi lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng đồng thời kết hợp tuân thủ sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng mỡ máu tốt hơn.
Thuốc crestor thuộc nhóm thuốc statin dành cho trường hợp mỡ máu tăng cao vậy thuốc crestor uống vào lúc nào. Với những bệnh nhân có tình trạng mỡ tăng cao kèm theo các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tim mạch thì điều trị với thuốc hạ mỡ máu cần tuân thủ rất khắt khe. Chẳng hạn như những trường hợp có nồng độ cholesterol trong máu tăng cao khiến nguy cơ mắc phải những bệnh lý tim mạch tăng lên hoặc những người có bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc những trường hợp có nồng độ LDL-c dưới 190mg/dL, người mắc bệnh đái tháo đường ở độ tuổi từ 40 đến 75 hoặc người có nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ, xơ vữa động mạch... Thuốc crestor nên được uống cả viên với nước lọc trong hoặc sau bữa ăn, tốt nhất nên uống sữa bữa tối. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy mỡ máu trở về mức hoạt động bình thường thì không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì ngoài việc giảm cholesterol trong máu thuốc còn giúp ổn định các mảng xơ vữa, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ....
Với những loại thuốc có tác dụng dài như atorvastatin có thời gian bán hủy dài nên cơ thể cần nhiều thời gian hơn để xử lý các tác dụng của statin nên có thể uống thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối trong hoặc sau bữa ăn. Những người sử dụng statin có tác dụng dài nên lựa chọn thời điểm uống thuốc trong ngày sao cho phù hợp và thuận tiện nhất. Nhưng nên duy trì thời điểm cố định trong ngày để tránh tình trạng quên uống thuốc.
Còn với thuốc statin có tác dụng ngắn thì hầu hết thời gian bán hủy khoảng 6 giờ. Vậy nên thuốc sẽ có tác dụng và người bệnh nên sử dụng thuốc vào buổi tối. Lúc này sẽ giúp sản xuất cholesterol từ gan trong lúc ngủ đạt tối ưu. Hơn nữa các thuốc này có thể đạt nồng độ cao nhất khi cơ thể tổng hợp cholesterol nội sinh mạnh nhất và thuốc đạt hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất.
3. Cách lựa chọn thuốc hạ mỡ máu
Statin là nhóm thuốc được khuyến cáo có tác dụng giảm mỡ máu. Tuy nhiên có nhiều loại statin khác nhau. Vì vậy người bệnh cần được thăm khám và tư vấn từ bác sĩ để sử dụng thuốc hiệu quả.
Thuốc statin có nhiều dạng bào chế và ở các liều khác nhau. Tùy từng trường hợp người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định một loại statin phù hợp và chủ yếu sẽ phụ thuộc vào nồng độ cholesterol hiện tại trong máu của người bệnh. Hoặc các vấn đề về tim mạch, tình trạng bệnh lý đái tháo đường, tiền sử gia đình mắc bệnh.... Với người bệnh nhân có nguy cơ mắc tim mạch cao thì bác sĩ cần chú ý liều lượng sử dụng thuốc sẽ cao và thời gian dài hơn so với các trường hợp khác.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu:
- Đối với hầu hết người bệnh thuốc statin không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường bao gồm: đau cơ, mệt mỏi, chuột rút, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, viêm cơ, đái tháo đường, ... Tuy nhiên, theo cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến cáo thì những nguy cơ tác dụng phụ là khá nhỏ, so với lợi ích đạt được của statin.
- Statin có thể tương tác với nhiều loại thuốc, vì thế khi được chỉ định sử dụng thuốc người bệnh cần cung cấp thông tin các loại thuốc đã và đang sử dụng để bác sĩ có thể đánh giá và lựa chọn chỉ định phù hợp tránh được các tác dụng phụ không mong muốn. Statin có thể tương tác với các loại trái cây như cam, bưởi, vì thế khi đang sử dụng thuốc người bệnh nên tránh sử dụng các loại thực phẩm này.
- Với những trường hợp bị các vấn đề về tim mạch có thể trao đổi thêm với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn chẳng hạn như sử dụng các thực phẩm có hàm lượng cholesterol ít, không sử dụng chất béo bão hòa...
- Người bệnh nên bỏ hút thuốc lá, bởi vì thành phần của thuốc lá có thể là nguy cơ hàng đầu gây ra tình trạng tim mạch.
- Người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại rượu bia, chất kích thích cho những đối tượng này.
- Thường xuyên luyện tập thể dục và duy trì cân nặng để có sức đề kháng tốt chống chọi với bệnh.
- Người bệnh nên thường xuyên khám định kỳ và tái khám định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp cho việc theo dõi tình trạng mỡ trong máu để có thể đưa ra phác đồ phù hợp và điều chỉnh liều sử dụng sao cho hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.