Nên cho bé ăn gì vào bữa sáng?

Bữa sáng cho bé hợp lý sẽ giúp cung cấp nguồn năng lượng cần thiết sau 1 đêm dài. Khi bắt đầu ngày mới với 1 bữa ăn cân bằng, cha mẹ có thể giúp cho con có nền tảng sức khỏe vững chắc và học tập tốt hơn. Đặc biệt, cho bé ăn đúng cách cũng là 1 biện pháp duy trì cân nặng hợp lý. Cha mẹ cần biết nên cho bé ăn gì vào bữa sáng để nhận được lợi ích tốt nhất.

1. Vai trò của bữa sáng cho bé đối với sức khỏe

Bữa sáng là nền tảng cho sự khởi đầu ngày mới thật mạnh mẽ. Cơ thể con người sử dụng đường đơn gọi là glucose để làm nhiên liệu, thành phần này được dự trữ trong gan và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Khi lượng đường dự trữ cạn kiệt (thường là vào giữa buổi sáng sau 1 đêm ngủ say) thì nguồn năng lượng sẽ bị hạn chế. Hậu quả là cơ thể sẽ có cảm giác đói, giảm tập trung và mệt mỏi. Tất cả những điều kiện này có thể khiến việc học hay chơi của trẻ trở nên khó khăn hơn. Đây là lý do tại sao cha mẹ phải tập thói quen dùng bữa sáng cho bé từ khi còn nhỏ.

Các lợi ích của việc ăn sáng đối với sức khỏe trẻ em như sau:

  • Bữa sáng lành mạnh cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng: Bên cạnh việc cung cấp nhiên liệu cho cơ thể, bữa sáng còn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng. Trẻ em ăn sáng lành mạnh có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tổng thể tốt hơn so với các bữa ăn còn lại trong ngày. Khi trẻ bỏ bữa sáng thì sẽ không được bù đắp các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, canxi và protein...
  • Bữa sáng giúp chống béo phì ở trẻ: Bắt đầu một ngày của trẻ bằng bữa ăn lành mạnh còn có thể giúp chống lại bệnh béo phì ở trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng, khi cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng ít có nguy cơ bị thừa cân hơn những trẻ không ăn sáng. Nguyên nhân là bởi bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn, mức độ hormone và số lượng calo trẻ sẽ đốt cháy trong ngày.
  • Những trẻ ăn sáng đầy đủ có khả năng học tốt hơn ở trường: Những trẻ ăn sáng có điểm kiểm tra tốt hơn, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung và ít có nguy cơ vắng mặt, đi học muộn.

2. Các hướng dẫn cha mẹ cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng

Khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi đi học nhịn ăn sáng, 30% trẻ em tiểu học đi học ít nhất 1 ngày/ tuần với bụng đói và 20% đi học không ăn sáng 2 lần/ tuần. Trẻ càng lớn, bữa sáng càng dễ bị bỏ qua. Các bé gái thường bỏ bữa sáng hơn các bé trai.

Trên thực tế, trẻ em không phải là những người duy nhất không ăn sáng. Điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương tốt. Cha mẹ ăn sáng với con cái có thể giúp làm giảm 2/3 khả năng những đứa trẻ đó bỏ bữa sáng.

Những lý do mà các gia đình đưa ra để bỏ bữa sáng bao gồm chi phí, thời gian hạn hẹp và không có được cảm giác đói vào buổi sáng. Thật vậy, các gia đình ngày nay phải đối mặt với những thách thức khiến việc ngồi ăn bữa sáng hàng ngày trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu nhận ra rằng bữa sáng có tác động có lợi như thế nào đối với 1 đứa trẻ thì việc dành tâm huyết để thực hiện là điều rất dễ dàng. Dưới đây là một số mẹo để biến bữa sáng trở thành thói quen và cho bé ăn đúng cách hằng ngày:

2.1 Tham gia các chương trình ăn sáng ở trường

Hầu hết các trường mẫu giáo, tiểu học đều có tổ chức các chương trình ăn sáng ở trường. Nếu cha mẹ không đảm bảo khả năng chuẩn bị bữa sáng cho bé thì đây là một biện pháp thay thế lý tưởng.


Cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng sẽ ít có nguy cơ bị thừa cân
Cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng sẽ ít có nguy cơ bị thừa cân

2.2 Sắp xếp kế hoạch để tiết kiệm thời gian buổi sáng

Khi trẻ có khả năng chủ động thực hiện các việc cá nhân cho mình thì cha mẹ cần hướng dẫn trẻ lập danh sách kiểm tra công việc từ đêm trước đó để buổi sáng diễn ra suôn sẻ hơn, dành nhiều thời gian hơn cho bữa ăn sáng.

2.3 Chuẩn bị sẵn bữa sáng cho bé để chế biến lại một cách nhanh chóng

Nếu thích nấu ăn nhưng không có thời gian vào buổi sáng, có rất nhiều món ăn cha mẹ có thể chuẩn bị bữa sáng cho bé một cách nhanh chóng bằng cách nấu trước.

Các ý tưởng nấu ăn trước bao gồm chuối hoặc các loại trái cây khác và bánh mì, bánh nướng xốp, ngũ cốc nguyên hạt, thịt hầm trứng... là một số ví dụ khi băn khoăn nên cho bé ăn gì vào bữa sáng. Ngoài ra, cha mẹ có thể làm bánh mì kẹp trứng và pho mát, bánh mì kẹp thịt, bánh kếp hoặc bánh quế với trái cây, khoai tây nghiền, trứng hầm... đều là những món lý tưởng để nấu trong nồi ủ qua đêm hoặc bảo quản lạnh rồi hâm nóng khi ăn. Vớ một số món phức tạp hơn có thể chuẩn bị sẵn nước dùng và đun sôi 1 phần nhỏ khi ăn.

3. Nên cho bé ăn gì vào bữa sáng?

3.1 Phong phú các loại ngũ cốc

Cho bé ăn sáng bằng ngũ cốc là 1 lựa chọn đơn giản, nhẹ nhàng mà giàu dưỡng chất cho trẻ. Với ngũ cốc thì cha mẹ có thể sử dụng nhiều loại khác nhau và thay đổi liên tục để trẻ không bị ngán.

Khi chọn bánh mì và ngũ cốc, hãy chọn những loại được làm chủ yếu bằng ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm: Bột yến mạch, lúa mạch, ngũ cốc gạo lứt, kiều mạch, bột ngô nguyên hạt, hạt kê, lúa mạch đen nguyên hạt, lúa mì nguyên cám hoặc các loại khác.

3.2 Bổ sung nhiều chất xơ

Trẻ em cần từ 20-30 gam chất xơ mỗi ngày. Do vậy, bữa sáng cho bé cần phải đảm bảo ít nhất 5 gam chất xơ.

Chất xơ không chỉ giúp thúc đẩy nhu cầu đường ruột đều đặn, ngăn ngừa táo bón mà còn giúp phòng chống ung thư và bệnh tim mạch sau này. Một số cách để tăng cường chất xơ trong bữa sáng của trẻ bao gồm:

  • Tìm loại bánh mì, ngũ cốc ăn sáng có bổ sung thêm chất xơ;
  • Ăn mật hoa trái cây thay vì uống nước trái cây;
  • Cho trẻ ăn cám yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt;
  • Rắc cám lúa mì hoặc cám yến mạch lên sữa chua hoặc chọn sữa chua có bổ sung chất xơ;
  • Thêm trái cây vào ngũ cốc;
  • Làm sinh tố với trái cây và hạt lanh xay;
  • Thay thế bột mì tinh chế bằng bột mì nguyên cám hoặc bột yến mạch trong các công thức làm bánh kếp, bánh muffin hoặc bánh quế;
  • Thêm đậu đóng hộp vào trứng hấp hoặc trứng tráng;
  • Cho trẻ ăn trái cây hữu cơ, ít sử dụng chất hóa học hoặc trái cây có vỏ đã được rửa kỹ;
  • Thêm trái cây khô trộn với ngũ cốc ăn sáng.

Cho bé ăn sáng bằng ngũ cốc nguyên hạt
Cho bé ăn sáng bằng ngũ cốc nguyên hạt

3.3 Luôn cho trẻ uống một ly sữa mỗi sáng

Một ly sữa đậu nành hoặc sữa chua ít béo hay cả loại không có chất béo là một sự bổ sung tuyệt vời cho bữa sáng của trẻ. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học cần 3 khẩu phần sữa, sữa chua hoặc pho mát mỗi ngày. Chính vì thế, đồ uống làm từ sữa hoặc sữa chua, sữa lắc hoặc sinh tố đều là những lựa chọn tốt cho bữa sáng của trẻ.

3.4 Đảm bảo nguồn năng lượng từ protein

Bữa sáng cho bé chứa chủ yếu là carbohydrate, chẳng hạn như bánh quế với xi-rô hoặc bánh ngọt nướng và một ly nước trái cây sẽ giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng, trong thời gian ngắn. Ngược lại, bánh mì nướng với bơ đậu phộng và một ly sữa sẽ giúp ngăn chặn được cơn đói kéo tới lâu hơn.

Đặc biệt, cha mẹ cũng cần hiểu biết trong việc lựa chọn loại thịt để cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng. Các loại thịt ăn sáng như thịt xông khói và xúc xích có nhiều chất béo bão hòa và nên được tiêu thụ 1 cách tiết kiệm. Thay vào đó, thịt nạc xay hoặc gà là những lựa chọn thịt tốt hơn. Trứng, bơ đậu phộng, các loại hạt là những lựa chọn protein tuyệt vời khác.

Tóm lại, bữa sáng thực sự là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày đối với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng trẻ nhỏ. Việc cho bé ăn đúng cách vào bữa sáng sẽ cung cấp cho trẻ năng lượng và bắt đầu quá trình trao đổi chất, thúc đẩy trẻ phát triển thể chất và học hành hiệu quả cao, tăng khả năng chú ý, sự tập trung và trí nhớ. Hơn nữa, khi cha mẹ hiểu biết nên cho bé ăn gì vào bữa sáng hay dạy trẻ về các lựa chọn bữa sáng dinh dưỡng thì có thể giúp trẻ định hướng một lối sống khoa học, lành mạnh khi lớn lên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: chrichmond.org, raisingchildren.net.au, blog.cincinnatichildrens.org, allinahealth.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe