Thế nào là biên độ vận động của khớp?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơ thể chúng ta có thể đi lại, chân tay có thể co duỗi, người có thể cúi ngửa... là do có các khớp xương. Có thể nói các khớp xương đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, đặc biệt trong việc vận động.

1. Các loại khớp trong cơ thể con người

Khớp xương là vị trí các xương tiếp xúc với nhau để tạo thành một hệ thống xương tổng thể. Ước tính mỗi một người bình thường có khoảng 250 - 350 khớp xương.

Dưới đây là các loại khớp phân loại khớp theo chức năng.

1.1 Khớp bất động

Trong cơ thể chúng ta có một số xương được khớp cố định với nhau như là xương sọ và một số xương mặt. Các xương này khớp nối với nhau bằng các răng cưa nhỏ hoặc do những mép xương chồng lên nhau như kiểu vảy cá. Các khớp này thường phạm vi cử động rất nhỏ hoặc thậm chí là không cử động.

1.2 Khớp bán động

Đây là loại khớp mà giữa hai đầu xương nói với nhau thường có một đĩa sụn làm giảm tầm vận động của khớp. Khớp giữa các đốt sống là khớp bán động điển hình, ngoài ra còn có khớp háng. Khớp bán động có biên độ hoạt động nhỏ, kém linh hoạt.


Khớp háng là khớp bán động
Khớp háng là khớp bán động

1.3 Khớp động

Đây là loại khớp vận động dễ dàng và phổ biến nhất trong cơ thể chúng ta. Tại mỗi đầu xương có một lớp sụn trơn, bóng và đàn hỏi có tác dụng giảm sự ma sát giữa hai đầu xương khi cử động.

Ngoài ra, giữa khớp còn có bao hoạt dịch tiết ra dịch nhầy giúp bôi trơn khớp. Bên ngoài là các dây chằng dai và đàn hồi chạy từ đầu xương này đến đầu xương kia tạo thành bao kín bọc lấy khớp. Chính nhờ cấu tạo này mà khớp có thể cử động dễ dàng.

2. Thế nào là biên độ vận động của khớp?

Biên độ vận động hay tầm vận động của khớp là góc mà khớp vận động được theo các hướng khác nhau. Đo tầm vận động của khớp chính là việc xác định giới hạn vận động của một khớp thực hiện được trong một mặt phẳng nhất định.

Việc đo tầm vận động khớp nhằm các mục đích sau:

  • Đánh giá khả năng vận động của khớp
  • Tìm ra rối loạn chức năng liên quan đến việc giảm tầm vận động khớp.
  • Đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị, đặc biệt là phương pháp vận động trị liệu.

Biên độ vận động của khớp gối bình thường
Biên độ vận động của khớp gối bình thường

Để đánh giá một cách chính xác phải sử dụng thước đo để kiểm tra tầm vận động của khớp trên từng mặt phẳng. Có ba mặt phẳng được sử dụng ở đây đó là:

  • Mặt phẳng dọc (Sagittal) hay còn gọi là mặt phẳng trước sau: Mặt phẳng này chia cơ thể thành hai nửa đó là trái, phải. Mặt phẳng này được sử dụng để đánh giá động tác gấp - duỗi.
  • Mặt phẳng bên (Frontal) hay còn gọi là mặt phẳng trán: Chia cơ thể thành hai nửa trước, sau. Mặt phẳng này được sử dụng để đánh giá động tác dạng - khép.
  • Mặt phẳng ngang (Horizontal): Chia cơ thể thành hai nửa trên dưới. Mặt phẳng này được sử dụng để đánh giá động tác xoay (quanh trục đứng dọc).

Các vận động cơ bản của khớp gồm có:

  • Động tác gấp: Là cử động ra trước trên mặt phẳng dọc của đầu, cổ, thân, chi trên và hông; nhưng lại là cử động ra sau trên mặt phẳng dọc của khớp gối, cổ chân và ngón chân.
  • Động tác duỗi: Là cử động ra sau trên mặt phẳng dọc của đầu, cổ, thân, chi trên và hông; nhưng lại là cử động ra sau trên mặt phẳng dọc của khớp gối, cổ chân và ngón chân.
  • Động tác dạng: Là cử động hướng ra ngoài mặt phẳng bên của cơ thể.
  • Động tác khép: Là cử động hướng vào trong mặt phẳng bên của cơ thể.
  • Động tác xoay: Là cử động xoay của một phần cơ thể quanh trục của nó.

Vận động của một khớp còn được chia thành vận động chủ động và vận động thụ động. Điều này giúp tìm ra nguyên nhân gây hạn chế vận động là do đâu. Nếu cứng khớp thì tầm vận động chủ động và thụ động đều bị hạn chế như nhau. Nhưng nếu không phải do cứng khớp mà do cơ yếu thì chỉ hạn chế vận động chủ động, còn vận động thụ động vẫn bình thường.


Cứng khớp gây cản trở tầm vận động chủ động và thụ động
Cứng khớp gây cản trở tầm vận động chủ động và thụ động

3. Biên độ vận động của một số khớp

3.1. Biên độ khớp vai

  • Vận động gập (trước): 180 độ - duỗi (sau) khớp vai: 45 độ
  • Vận động dạng: 180 độ - khép khớp vai: 45 độ
  • Vận động xoay trong: 70 độ - xoay ngoài khớp vai: 90 độ

3.2. Biên độ khớp khuỷu

Gấp 140 độ, duỗi 0 độ (-10 độ)

3.3. Biên độ khớp cổ tay

  • Vận động gấp: 80-90 độ - duỗi khớp cổ tay: 70 độ
  • Vận động nghiêng trụ: 35 độ - nghiêng quay: 20 độ

3.4. Biên độ khớp háng

  • Vận động gấp khớp háng: 120 độ
  • Vận động duỗi khớp háng: 30 độ
  • Vận động dạng: 45 độ - khép khớp háng: 10 độ
  • Vận động xoay trong: 45 độ - xoay ngoài khớp háng: 45 độ

3.5. Biên độ khớp gối

Gấp 140 độ, duỗi 0 độ

3.6. Biên độ khớp cổ chân

  • Vận động gấp lòng: 45 độ - gấp mu chân: 20 độ
  • Vận động xoay trong: 45 độ - xoay ngoài khớp cổ chân: 20 độ

4. Đánh giá rối loạn vận động khớp

Sau khi đo tầm vận động cần đánh giá xem khớp có bị rối loạn vận động hay không, nếu có thì thuộc loại rối loạn nào sau đây:

  • Hạn chế vận động: Là khớp vẫn vận động được nhưng không hết tầm. Ngoài ra còn phải đánh giá xem khớp hạn chế vận động chủ động hay thụ thụ động hay cả hai.
  • Cứng khớp: Là khớp hoàn toàn không vận động được nữa.
  • Lỏng khớp: Là khớp vận động quá tầm bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe