Thế nào là bệnh lý thần kinh tự trị?

Bệnh thần kinh tự trị xảy ra khi các dây thần kinh kiểm soát các chức năng tự động của cơ thể bị tổn thương. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý thần kinh tự trị, ngoài ra, các nguyên nhân còn lại gồm một số bệnh khác, nhiễm trùng, một số loại thuốc. Các triệu chứng và biện pháp điều trị bệnh lý này đều phải dựa trên loại dây thần kinh bị tổn thương.

1. Bệnh lý thần kinh tự trị là gì?

Bệnh lý thần kinh tự trị là một nhóm các tình trạng do tổn thương dây thần kinh kiểm soát các chức năng tự động của cơ thể. Những dây thần kinh này là một phần của hệ thần kinh tự chủ nhằm kiểm soát nhiều chức năng khác nhau của cơ thể, bao gồm:

  • Thân nhiệt
  • Huyết áp
  • Nhịp tim
  • Tiêu hóa
  • Đi tiểu
  • Nhu động ruột

Tổn thương những dây thần kinh này ảnh hưởng đến tín hiệu giữa não bộ và các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau.


Tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến bộ não
Tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến bộ não

2. Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý thần kinh tự trị phụ thuộc vào loại dây thần kinh bị ảnh hưởng, bao gồm:

  • Chóng mặt và ngất xỉu khi đứng do huyết áp bị giảm đột ngột.
  • Các vấn đề về tiết niệu, như khó bắt đầu đi tiểu, tiểu không tự chủ, khó cảm nhận bàng quang đầy và không có khả năng đi hết nước tiểu trong bàng quang, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Khó khăn về tình dục, bao gồm các vấn đề đạt được hoặc duy trì sự cương cứng (hay còn gọi là rối loạn cương dương) hoặc gặp vấn đề xuất tinh ở nam giới. Ở phụ nữ, các vấn đề thường gặp gồm khô âm đạo, giảm ham muốn và khó đạt cực khoái.
  • Khó tiêu hóa thức ăn, như cảm thấy no nhanh, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ nóng, tất cả đều do thay đổi chức năng tiêu hóa.
  • Người bệnh không nhận ra được lượng đường trong máu thấp do không có dấu hiệu cảnh báo, như bị run hay đói bụng.
  • Đổ mồ hôi bất thường, như đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
  • Suy giảm khả năng thực hiện bài tập thể dục (Exercise intolerance), xảy ra nếu nhịp tim của người bệnh vẫn giữ nguyên thay vì điều chỉnh theo mức độ hoạt động tăng.

Các dấu hiệu chóng mặt, tụt huyết áp là dấu hiệu ban đầu của bệnh
Các dấu hiệu chóng mặt, tụt huyết áp là dấu hiệu ban đầu của bệnh

3. Nguyên nhân

Có nhiều bệnh lý có thể gây ra bệnh thần kinh tự trị hoặc bệnh thần binh tự trị là tác dụng phụ của phương pháp điều trị cho các bệnh khác, như ung thư. Một số nguyên nhân phổ biến của bệnh lý thần kinh tự trị bao gồm:

  • Sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan (bệnh lắng đọng amyloidosis) dẫn đến ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thần kinh.
  • Bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công và làm hỏng các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh. Ví dụ như hội chứng Sjogren, bệnh lupus đỏ ban đỏ hệ thống cấp tính, viêm khớp dạng thấp và bệnh celiac. Hội chứng Guillain-Barre là một bệnh tự miễn diễn tiến nhanh và có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh tự trị.
  • Hội chứng cận ung thư (paraneoplastic syndrome)
  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt khi người bệnh kiểm soát glucose kém, đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý thần kinh tự trị.
  • Một số loại thuốc được sử dụng trong hóa trị ung thư.
  • Một số bệnh truyền nhiễm. Một số virus và vi khuẩn, ngộ độc, bệnh Lyme và HIV, có thể gây ra bệnh thần kinh tự trị.
  • Một số bệnh rối loạn di truyền.

4. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tự trị bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi kiểm soát kém, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tự trị và tổn thương các dây thần kinh khác.
  • Những căn bệnh khác. Bệnh lắng đọng Amyloidosis, Bệnh rối loạn chuyển hóa porphyria, suy giáp và ung thư (thường là do tác dụng phụ của điều trị) cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh lý thần kinh tự trị.

5. Phòng bệnh

Mặc dù một số bệnh di truyền khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh thần kinh tự trị thì không thể ngăn ngừa được, nhưng bạn có thể làm chậm sự khởi phát hoặc làm chậm quá trình tiến triển của các triệu chứng bằng cách chăm sóc sức khỏe tổng thể và quản lý tốt các bệnh đang mắc.

Tuân thủ đúng các lời khuyên của bác sĩ về lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh, bao gồm:

  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu bạn mắc tiểu đường.
  • Hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá.
  • Tuân thủ điều trị nếu bạn có bệnh tự miễn.
  • Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hoặc kiểm soát tăng huyết áp.
  • Đạt được và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Tập thể dục thường xuyên.

6. Điều trị

Bác sĩ sẽ điều trị chủ yếu bệnh gây tổn thương thần kinh, ví dụ, nếu bị tiểu đường, người bệnh cần phải kiểm soát lượng đường máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và có thể cả thuốc. Đối với các bệnh tự miễn, như hội chứng Sjogren, người bệnh sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch và giảm tình trạng viêm trong cơ thể.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ điều trị những triệu chứng khác do tổn thương dây thần kinh gây ra như:

Để điều trị các triệu chứng tiêu hóa:

  • Thay đổi chế độ ăn uống. Người bệnh nên ăn những bữa nhỏ trong ngày, như vậy sẽ không cảm thấy quá no. Bổ sung chất lỏng và chất xơ vào trong chế độ ăn để ngăn ngừa đầy hơi và táo bón.
  • Sử dụng thêm thuốc nhuận tràng có thể giúp điều trị táo bón và các loại thuốc khác có thể điều trị tiêu chảy và đau bụng.
  • Khi ngủ người bệnh nên nâng cao đầu giường để ngăn ngừa chứng ợ nóng.

Để điều trị các triệu chứng tiết niệu:

  • Người bệnh nên thiết lập thời gian đi tiểu và theo dõi lượng nước uống trong ngày.
  • Sử dụng thuốc Oxybutynin (Ditropan XL) và tolterodine (Detrol) để ngăn cơ bàng quang co bóp quá thường xuyên. Thuốc Bethanechol giúp người bệnh đi tiểu tiện dễ dàng hết nước tiểu trong bàng quang hơn.
  • Sử dụng ống sonde tiểu đặt vào bàng quang giúp người bệnh làm trống bàng quang.

Để điều trị các vấn đề về mồ hôi:

  • Một vài loại thuốc có thể giúp người bệnh tiết ra ít mồ hôi hơn, bao gồm glycopyrrolate (Robinul, Robinul Forte) và thuốc botulinum toxin.

Để điều trị các triệu chứng về tim mạch và huyết áp:

  • Sử dụng thuốc làm tăng huyết áp, như fludrocortison hoặc midodrine và pyridostigmine.
  • Uống thuốc để kiểm soát nhịp tim như thuốc chẹn beta có thể giúp nhịp tim trở lại bình thường.
  • Đứng lên từ từ để tránh không bị chóng mặt.
  • Ăn thêm muối và uống thêm nước trong chế độ ăn uống để giúp tăng huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh chỉ làm điều này nếu bác sĩ khuyên thực hiện.

Để điều trị các triệu chứng về tình dục:

  • Các loại thuốc như sildenafil (Revatio, Viagra), tadalafil (Cialis) và vardenafil (Levitra, Staxyn) có thể giúp nam giới đạt được và duy trì cương cứng.
  • Phụ nữ có thể thử sử dụng các loại chất bôi trơn gốc nước để làm cho ẩm âm đạo và tránh bị đau khi quan hệ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe