Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tạo đường nét cơ thể tập trung vào vùng mông ngày càng tăng. Quy trình nâng mông nội soi bao gồm việc bóc tách chính xác khu vực để cấy ghép dưới hình ảnh nội soi, cho phép tối ưu hóa hiệu quả thẩm mỹ, đồng thời giảm thiểu rủi ro chấn thương dây thần kinh tọa. Kỹ thuật này được chứng minh là an toàn, đáng tin cậy.
1. Nâng mông nội soi là gì?
Mông là một vùng quan trọng trong cơ thể. Mông được cấu thành bởi các cơ và đặc biệt có nhiều mạch máu thần kinh từ trong chậu hông đi ra, rồi đi xuống mặt sau của đùi. Cấu trúc mông bao gồm các cơ chính là cơ mông lớn (gluteus maximus), cơ mông vừa (gluteus medius) và cơ mông bé (gluteus minimus).
Về thẩm mỹ, vùng mông săn chắc căng tròn sẽ giúp chị em phụ nữ tự tin hơn khi diện đồ đặc biệt là đồ bó hoặc đồ bơi, giúp chị em tự tin diện đồ khoe đường cong mềm mại. Ngoài ra, việc tăng kích thước vòng 3 sẽ giúp chị em gây chú ý đối với người khác giới và tăng cảm giác thăng hoa trong chuyện chăn gối,... Đó là lý do nhiều chị em tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ nâng mông.
Nâng mông là một phương pháp thẩm mỹ nhằm tạo hình và tăng kích thước cho vùng mông. Hiện nay, có nhiều phương pháp nâng mông như tập các bài tập nâng mông hoặc tiêm filler nâng mông, hay nâng mông bằng mỡ tự thân, nâng mông bằng túi độn,...Tuy nhiên, với chị em có vòng 3 quá lép hoặc rất gầy do đó không đủ mỡ để hút cho phẫu thuật nâng mông bằng tự thân. Trong trường hợp này, nâng mông bằng túi độn là phương pháp phù hợp nhất cho chị em.
Nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại, phương pháp nâng mông bằng túi độn được thực hiện với sự kết hợp của kĩ thuật nội soi để tăng hiệu quả và an toàn cho phẫu thuật nâng mông của bệnh nhân. Và kỹ thuật này được gọi là phẫu thuật nâng mông nội soi.
2. Quy trình phẫu thuật nâng mông nội soi?
Trước khi phẫu thuật nâng mông nội soi, bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn lựa chọn kích thước túi độn phù hợp, thống nhất với bệnh nhân về phương án thực hiện. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm tổng quát để đảm bảo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Bước 1: Đánh dấu trước phẫu thuật. Dựa vào cấu trúc giải phẫu cơ mông, bác sĩ sẽ đánh dấu các vị trí để cấy ghép túi độn.
Bước 2: Bệnh nhân được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và không đau đớn, sử dụng thuốc giảm đau được tiêm tĩnh mạch.
Bước 3: Bác sĩ phẫu thuật dựa trên sự hỗ trợ của máy nội soi. Các sợi cơ mông được phóng to trên màn hình giúp bác sĩ thao tác chính xác. Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo vết rạch trên vùng mông. Cụ thể, vết rạch có thể được tạo ở các vị trí như hướng lên hai bên đỉnh của mông trên; hướng về phía dưới ở cả hai nếp gấp của mông (đây là khu vực giấu sẹo tốt); các vết rạch ở hai bên mông (được giấu ở nếp gấp mông); một vết rạch phía dưới trung tâm xương cùng; hoặc nếp gấp giữa 2 mông.
Bước 4: Túi độn được đặc biệt thiết kế riêng cho mông được chèn vào cơ hoặc phía trên cơ mông ở hai bên, đặt cố định túi độn nằm giữa cơ mông lớn và túi (hình tròn hoặc oval), độ lớn theo ý muốn, kết cấu mông và đề xuất từ bác sĩ.
Bước 5: Đóng vết mổ. Các vết mổ sẽ được đóng bằng cách khâu, và để hạn chế nhiễm trùng vết mổ, tụ máu, keo dùng cho da và băng phẫu thuật để làm liền da cũng sẽ được dùng ở vùng không che kín được.
3. Chăm sóc sau nâng mông nội soi
Chăm sóc hậu phẫu góp phần vào kết quả mỹ mãn của cuộc phẫu thuật nâng mông nội soi. Một số lưu ý bao gồm:
- Tái khám và cắt chỉ sau 1 tuần.
- Bệnh nhân phải tránh ngồi trong 1 tuần, lái xe trong 2 tuần, và nên ngủ ở tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng vị trí trong 2 tuần.
- Bệnh nhân phải mặc quần áo bó chuyên dụng trong 30 ngày để giảm sưng và nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật nâng mông nội soi.
- Bệnh nhân có thể tập thể dục hoặc vận động mạnh sau 2 tháng.
- Chống chỉ định tuyệt đối với tiêm bắp suốt đời.
- Chế độ ăn uống: Không ăn những thực phẩm như hải sản, thịt bò, xôi nếp,... và tránh không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích,... để vết thương nhanh lành, không để lại sẹo.
4. Nâng mông nội soi có an toàn không?
Sự hỗ trợ của nội soi cho phép phẫu thuật diễn ra an toàn và độ chính xác tuyệt vời của túi dưới cơ được bóc tách do hình ảnh trực tiếp. Đồng thời, nâng mông nội soi giúp cầm máu chính xác, duy trì vị trí chèn không dính máu. Trong trường hợp cấy ghép túi độn tiếp theo, thiết bị nội soi cho phép nhìn trực tiếp và phóng đại túi độn trước đó.
Một số tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm: Chảy máu quá nhiều sau phẫu thuật, đau đớn, sẹo, thay đổi màu da, nhiễm trùng, tích tụ chất lỏng hoặc máu dưới mông, phản ứng dị ứng, mất da, buồn nôn và nôn do gây mê,...
Một số rủi ro không mong muốn khác như túi độn trượt, lệch hoặc dịch chuyển khỏi vị trí cấy ghép ban đầu. Nếu điều đó xảy ra, bệnh nhân phải tái khám và có thể cần phải phẫu thuật để khắc phục. Những rủi ro không mong muốn như trên có thể được khắc phục. Cụ thể:
- Nguy cơ nhiễm trùng do vị trí phẫu thuật gần hậu môn. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiêm kháng sinh trong quá trình tiền mê và keo dán da Dermabond giúp đóng vùng bị khâu mà không thể bọc lại được, ngăn ngừa nhiễm trùng vùng da tiếp giáp với hậu môn.
- Nguy cơ tụ máu: Tụ máu có thể xảy ra, tuy nhiên, nhờ kĩ thuật nội soi sẽ giúp cải thiện sự cầm máu cho bệnh nhân.
- Đau dây thần kinh tọa là một biến chứng có thể xảy ra, có thể ngăn ngừa được bằng cách không đặt túi độn vào phần dưới mông, nơi tập trung của dây thần tọa.
Nhờ sự phát triển của công nghệ nâng mông nội soi hiệu quả và tỷ lệ an toàn cao, việc nâng mông ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, khi đăng ký thực hiện phương pháp phẫu thuật có rất nhiều vấn đề phái đẹp cần cân nhắc bao gồm chi phí, thời gian phục hồi, sức khỏe tổng thể,... và mong muốn cải thiện vóc dáng cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.