Ngoài các yếu tố gây nguy cơ đau tim phổ biến mà ai cũng biết đến có thể kể đến như hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì thừa cân, lười tập thể dục thường xuyên...còn rất nhiều yếu tố, tình trạng sức khỏe khác đã và đang khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ đau tim, chẳng hạn như cảm xúc mãnh liệt, nhiệt độ quá lạnh, ăn quá no,...
1. Cảm xúc mãnh liệt là một trong những yếu tố gây nguy cơ đau tim
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả sự tức giận và đau buồn mãnh liệt đôi khi có thể gây ra cơn đau tim. Điều này xảy ra do nhịp tim và huyết áp tăng đột ngột do cảm xúc mạnh gây ra.
Bởi vì nhiều người trong chúng ta trải qua những cảm xúc này trong suốt cuộc đời nên chúng có nhiều khả năng tác động tiêu cực đến những người vốn đã có yếu tố gây nguy cơ đau tim thường gặp, bao gồm: bệnh cao huyết áp, tiểu đường...
Hiện nay, có một tình trạng gọi là bệnh cơ tim Takotsubo (hội chứng trái tim tan vỡ) cũng có những triệu chứng giống một cơn đau tim, nhưng có chút khác biệt. Hội chứng trái tim tan vỡ xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới và thường xuất hiện vào những thời điểm bạn đang có những căng thẳng, cảm xúc lo âu quá mức. Hội chứng này gây ra các cơn đau ngực và gần như không thể phân biệt được với những cơn đau tim thông thường.
Các bác sĩ cho biết, các cơn đau tim do cảm xúc mãnh liệt thường xảy ra do động mạch vành bị co thắt. Sau điều trị, các chức năng tim cũng có thể hồi phục và trở lại như bình thường.
2. Gắng sức đột ngột dễ dẫn đến đau tim
Hoạt động thể lực ở cường độ mạnh, gắng sức đột ngột có thể gây ra đau tim. Đau tim có thể xảy ra bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày, khi đang thực hiện các hoạt động đơn giản (như chơi bóng rổ, bóng đá, chạy bộ với quãng đường dài) hoặc các hoạt động dùng nhiều sức lực (như xúc đất, khuân vác đồ nặng).
Những người đang mắc các căn bệnh nền (như bệnh động mạch vành, cao huyết áp, béo phì...) và không có thói quen thường xuyên tập thể dục thường có nguy cơ cao bị đau tim khi đang cố gắng dùng sức để làm những việc nặng.
3. Môi trường cực lạnh gây nguy cơ đau tim
Nhiệt độ lạnh có thể khiến các động mạch bị co lại, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Làm việc với cường độ mạnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (có nhiệt độ cực lạnh) có thể khiến tim chịu áp lực rất lớn và dẫn đến nguy cơ đau tim.
4. Ăn quá no là một yếu tố gây nguy cơ đau tim ít người biết
Rất nhiều người không biết ăn quá no cũng có khả năng gây ra các cơn đau tim. Quá trình ăn uống lượng máu được bơm về đường tiêu hóa tăng lên, có thể gây đau tim đối với nhóm người có nguy cơ cao.
Do đó, người có nguy cơ đau tim cao nên kiểm soát khẩu phần ăn mỗi bữa của mình, hạn chế lượng calo tổng thể và tránh để cơ thể quá no.
5.Các bệnh lý không xảy ra ở hệ tim mạch
Khi được chẩn đoán bản thân đang mắc phải một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nhưng không liên quan đến tim, bệnh nhân thường hoàn toàn không nghĩ bản thân có nguy cơ đau tim. Vì lý do này, mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng các bệnh lý không xảy ra ở hệ tim mạch không phải là yếu tố gây nguy cơ đau tim.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ đau tim, có thể kể đến:
- Các bệnh viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus và bất kỳ căn bệnh nào có thể gây viêm mạch máu.
- Tiền sản giật, làm tăng huyết áp.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ đau tim một cách đáng kể.
- Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra bệnh tim trầm trọng, làm nguy cơ đau tim tăng lên 30% trong vòng 5 năm.
- Ung thư vú trái do các tia xạ trị vào ngực có thể làm tổn thương đến tim.
Chính vì thế, bất kỳ bệnh nhân nào mắc phải một trong những bệnh này, ngoài khám với bác sĩ điều trị chính, và nên đến gặp cả bác sĩ tim mạch để kịp thời đánh giá tình trạng tim mạch, chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch.
Để phòng ngừa tốt cho sức khỏe tim mạch, bên cạnh kiểm soát các yếu tố gây nguy cơ đau tim, mọi người nên rèn luyện bản thân theo các thói quen sống lành mạnh như thường xuyên tập luyện thể dục, kiểm soát bữa ăn để tránh bản thân dung nạp quá nhiều calo. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt cảm xúc và thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch (dù bản thân không mắc bệnh tim) là một trong những cách hạn chế sự xuất hiện của các cơn đau tim.
Đau tim là một tình trạng nguy hiểm đặc biệt là khi đi kèm triệu chứng ngất xỉu. Cảm giác đau nhói tim có thể là phản ứng của cơ thể đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, các rối loạn nhịp tim, hay vấn đề về thần kinh. Do đó, khi đối mặt với tình trạng này, người bệnh không nên xem thường mà hãy theo dõi cơ thể và sức khỏe một cách cẩn thận, đồng thời đến cơ sở y tế ngay lập tức để được kiểm tra và theo dõi sức khoẻ.