Mụn nang ở lưng là gì?

Mụn nang được hình thành trên cơ chế viêm nang lông bị vỡ, phần nhiễm trùng lan sâu đến tầng trung bì của da. Cơ chế hình thành giống với mụn trứng cá, tuy nhiên đối với trứng cá dạng cục, dạng kén, thành nang lông bị vỡ ra và ăn sâu dưới da và lan sang những nang lông khác kề bên gây tổn thương cùng lúc.

1. Mụn nang ở lưng là gì?

Mụn nang hay còn gọi là mụn u nang hay mụn bọc, đây là mổ biến thể xấu của mụn trứng cá. Mụn nang ở lưng phát triển từ sâu bên trong da, có dịch mủ, sưng đỏ và nổi u trên bề mặt da. Chúng tạo ra cảm giác đau nhức, khó chịu và có thể làm tổn hại cho làn da như để lại sẹo, vết lồi lõm sâu trên da vĩnh viễn.

Mụn nang thường xuất hiện nhiều nhất ở mặt, lưng, ngực hoặc cổ. Mụn nang lưng thường gặp nhiều ở nam giới và nặng hơn so với nữ giới.

Mụn nang trên lưng là tình trạng da ảnh hưởng đến tuyến dầu và nang lông. Dầu (bã nhờn), tế bào da và nang lông có thể tắc lại với nhau, làm bít lỗ chân lông trên da. Khi đó, vi khuẩn bị mắc kẹt như vi khuẩn Propionibacterium acnes, có thể gây kích ứng và làm viêm nốt mụn. Điều này gây ra sưng tấy. Sưng tấy đó có thể dẫn đến:

  • Mụn đầu trắng: Các lỗ chân lông bị tắc đóng lại và phình ra khỏi da.
  • Mụn đầu đen: Các lỗ chân lông bị tắc vẫn mở. Bề mặt trên cùng có thể tối.
  • Nổi mụn: Các lỗ chân lông bị tắc có một bức tường mở thấm nội dung của nó dưới da, tạo thành vết sưng đỏ. Đỉnh của vết sưng thường chứa đầy mủ.
  • U nang: Các lỗ chân lông bị tắc hình thành sâu hơn trong da, chúng to hơn và đau hơn mụn nhọt.

Khi các lỗ chân lông bị tắc trở thành u nang - mụn đỏ mềm chứa đầy mủ, đây là dạng nghiêm trọng nhất của mụn trứng cá.

2. Điều gì gây ra mụn nang trên lưng?

Có nhiều lý do khiến mọi người bị mụn trứng cá, vì vậy điều quan trọng là phải biết tại sao và làm thế nào mụn hình thành. Cơ thể sản xuất ra một loại dầu được gọi là bã nhờn. Bã nhờn được tạo ra trong các tuyến kết nối với nang tóc. Chúng di chuyển lên các nang lông để bổ sung độ ẩm cho da và tóc.

Mụn nang hình thành khi bã nhờn dư thừa và tế bào da chết tích tụ. Sự tích tụ tế bào da chết này làm tắc lỗ chân lông và các vi khuẩn trên da. Khi thành nang lông phình to ra tạo thành mụn đầu trắng và khi lỗ chân lông bị tắc tiếp xúc với không khí sẽ dẫn đến hình thành mụn đầu đen.

Một số nguyên nhân phổ biến của mụn nang ở lưng là:

  • Di truyền học: Tình trạng mụn trứng cá có thể di truyền trong gia đình bạn.
  • Thuốc men: Mụn nang lưng có thể phát triển do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm.
  • Thay đổi nội tiết tố như ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến bùng phát mụn nang lưng, đây cũng được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Nhưng đối với những nữ giới qua tuổi dậy thì, tình trạng nổi mụn nang có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai.
  • Mồ hôi. Mồ hôi, đặc biệt nếu mồ hôi đọng lại dưới quần áo chật thì có thể làm cho mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn.
  • Căng thẳng cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ra mụn nang.
  • Một số thực phẩm cay nóng có thể liên quan đến mụn trứng cá.
  • Chăm sóc da không đúng cách: Việc lạm dụng mỹ phẩm và không vệ sinh da sạch sẽ sau khi dùng mỹ phẩm cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng bít lỗ chân lông.
  • Mụn nang ở lưng phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên.
  • Thói quen nặn mụn mọi lúc mọi nơi là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mụn nang, bởi sự viêm nhiễm khi sử dụng những dụng cụ không đảm bảo an toàn, không đủ vệ sinh.
  • Da bị nhiễm corticoid - đây là thành phần được tìm thấy trong một số mỹ phẩm kém chất lượng hoặc thuốc trị mụn.
  • Trong quá trình điều trị bệnh động kinh, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực sử dụng một số loại thuốc như steroid, lithium cũng có thể là nguyên nhân gây nên mụn u nang.
  • Mụn nang lưng cũng có thể xuất hiện ở những người hút thuốc lá.

3. Trị mụn nang ở lưng bằng cách nào?

Các phương pháp điều trị mụn nang ở lưng cần được tư vấn bởi các bác sĩ da liễu có chuyên môn và cần được điều trị sớm, điều trị mụn nang lưng có thể bao gồm:

  • Kháng sinh đường uống: Tetracycline hoặc kháng sinh nhóm macrolid có thể làm giảm vi khuẩn, sưng và đỏ.
  • Thuốc bôi: Retinoid, axit salicylic, axit azelaic hoặc benzoyl peroxide có thể làm giảm vi khuẩn và lỗ chân lông bị tắc.
  • Isotretinoin (Accutane): Thuốc này có thể điều trị mẩn đỏ, sưng tấy, vi khuẩn, lỗ chân lông bị tắc và dầu thừa. Tuy nhiên, Accutane chỉ được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng do tác dụng phụ của nó.
  • Spironolacton: Viên uống này có thể giảm dầu thừa và chỉ có phụ nữ có thể sử dụng nó.
  • Thuốc tránh thai: Thành phần Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai có thể giúp điều trị mụn nang lưng. Phù hợp với nữ giới sử dụng.
  • Corticoid: Tiêm steroid vào u nang có thể làm giảm kích thước và cơn đau của nó.
  • Thoát nước: Bác sĩ điều trị có thể cắt và dẫn lưu u nang. Điều này chỉ được thực hiện trong phòng y tế để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Prednisone: Trong những trường hợp nghiêm trọng, prednisone liều thấp có thể có hiệu quả.

4. Các biện pháp điều trị mụn nang ở lưng từ lối sống hiệu quả

Dưới đây là một số biện pháp điều trị mụn nang ở lưng đơn giản và sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà:

  • Tắm sau khi tập luyện: Để mồ hôi và bụi bẩn đọng lại trên da sau khi tập luyện có thể là nguyên nhân lớn gây ra mụn trứng cá ở lưng. Do đó, sau khi tập luyện xong nên đi tắm càng sớm càng tốt. Ưu tiên lựa chọn những bộ quần áo thấm hút mồ hôi tốt và giặt sạch sẽ sau mỗi buổi tập.
  • Tẩy tế bào chết thường xuyên: Bạn nên lựa chọn những sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ nhàng chứa các thành phần như axit salicylic để loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa trên da. Việc tẩy da chết 2-3 lần/tuần có thể giúp giảm lượng da chết có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Việc sử dụng quần áo chật có thể giữ bụi bẩn, mồ hôi và chà xát vào lỗ chân lông. Do đó, bạn nên chọn quần áo rộng rãi giúp da thông thoáng và giúp thấm mồ hôi.
  • Sử dụng dầu cây trà: Dầu của cây trà được người Úc sử dụng trong nhiều năm nay để điều trị nhiều vấn đề về da. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy thành phần này ở nhiều loại kem dưỡng da, sữa rửa mặt. Chúng có thể giúp điều trị mụn trứng cá bằng cách tiêu diệt thêm vi khuẩn.
  • Để tóc ngắn: Việc để tóc dài ngang lưng có thể làm tăng thêm dầu và bụi bẩn cho vùng da lưng, khiến mụn bùng phát. Nếu bạn có mái tóc dài hãy gội đầu thường xuyên và búi tóc đuôi ngựa trong những buổi tập thể dục. Ngoài ra, trong quá trình gội đầu không nên để dầu xả hoặc dầu gội chảy xuống lưng do các thành phần trong sản phẩm có thể góp phần làm tắc lỗ chân lông.
  • Sử dụng kem chống nắng phù hợp: Việc sử dụng kem chống nắng bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn để lộ lưng trần. Nhưng nếu bạn sử dụng kem chống nắng nhờn cũng có thể góp phần làm gia tăng tắc nghẽn lỗ chân lông. Do đó, bạn nên lựa chọn những sản phẩm kem chống nắng không chứa dầu và dịu nhẹ trên da.
  • Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, trong đó có mọc mụn nang. Nghiên cứu cho thấy rằng, thực phẩm có chứa đường có thể làm cho mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn. Những thực phẩm này bao gồm bánh mì trắng, mì trắng, gạo, khoai tây trắng,... bạn nên cân bằng thực phẩm với nhiều: rau, hoa quả, thịt nạc protein, các loại ngũ cốc.

Khi bạn xuất hiện tình trạng mụn nang, hãy đến ngay các cơ sở da liễu để thăm khám kịp thời và không nên tự nặn mụn ở nhà. Việc tự nặn mụn tại nhà chỉ làm mụn nang trở nên nghiêm trọng hơn và lâu khỏi hơn, đặc biệt có thể để lại những vết sẹo vĩnh viễn trên da của bạn. Tóm lại, mụn nang lưng là một loại mụn khá nguy hiểm và cần được chữa trị đúng cách và kịp thời. Bạn nên tránh thức đêm, ăn uống lành mạnh và chăm sóc da đúng cách. Điều này sẽ giúp cho làn da của bạn luôn trong tình trạng tốt nhất, không gây bít tắc lỗ chân lông.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe