Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Văn Trí - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hẹp ống sống là tình trạng có thể gây đau, tê hoặc ngứa ran ở lưng, có thể lan xuống chân. Để hiểu thêm về chứng hẹp ống sống và cơ chế gây ra các triệu chứng, hãy theo dõi nội dung trong bài viết dưới đây.
1.Hẹp ống sống là gì?
Hẹp ống sống là một tình trạng có thể gây đau, tê hoặc ngứa ran ở lưng, có thể lan xuống chân. Để hiểu thêm về chứng hẹp ống sống và cơ chế gây ra các triệu chứng, trước hết bạn cần có một số kiến thức về lưng và cột sống.
Lưng có cấu tạo như sau (hình 1):
- Đốt sống: Là một chồng các đốt xương xếp lên nhau giống như một chồng các đồng xu. Mỗi đốt xương sống này có một lỗ ở trung tâm. Khi xếp chồng lên nhau, các xương tạo thành một ống rỗng (gọi là ống sống) bảo vệ tủy sống.
- Tủy sống và các dây thần kinh: Tủy sống là “đường cao tốc” của các dây thần kinh, kết nối não với phần còn lại của cơ thể. Nó chạy qua các đốt sống. Các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống và đi vào giữa các đốt sống. Từ đó, chúng kết nối với tay, chân và các cơ quan. (Đây là lý do tại sao các vấn đề ở lưng có thể gây ra đau chân hoặc các vấn đề về bàng quang.)
- Đĩa đệm: Các sụn đĩa đệm nằm giữa mỗi đốt sống để thêm đệm và cho phép chuyển động.
- Cơ, gân và dây chằng: Cơ, gân và dây chằng được gọi chung là "mô mềm" của lưng. Các mô mềm này hỗ trợ lưng và giúp giữ các bộ phận khác lại với nhau.
Hẹp ống sống là tình trạng thu hẹp ống sống hoặc khoảng trống giữa các đốt sống nơi các dây thần kinh cột sống đi qua. Sự thu hẹp này thường do viêm khớp hoặc chấn thương, và có thể gây ra các triệu chứng bởi những nguyên nhân khác nhau.
- Các đốt sống có thể tạo nên các gai xương, còn gọi là gai đốt sống. Những gai đốt sống này có thể chèn ép tủy sống hoặc các dây thần kinh đi ra từ tủy sống.
- Các đĩa đệm có thể co nhỏ lại và làm giảm khoảng cách giữa các đốt sống. Hậu quả là các dây thần kinh đi qua giữa các đốt sống có thể bị chèn ép.
Bài viết này sẽ chỉ thảo luận về bệnh hẹp ống sống ở thắt lưng. Đây được gọi là "hẹp ống sống thắt lưng." Các phần khác của lưng cũng có thể bị hẹp ống sống.
2.Các triệu chứng của bệnh hẹp ống sống thắt lưng là gì?
Hẹp ống sống không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Nhưng khi có biểu hiện, các triệu chứng phổ biến nhất là đau lưng, ngứa ran hoặc tê lan xuống chân. Các triệu chứng này thường xuất hiện cả 2 chân, nhưng cũng có thể nặng hơn ở một chân. Hẹp ống sống nặng có thể gây yếu chân hoặc rối loạn đại tiện và tiểu tiện. Các triệu chứng thường nặng hơn khi người bệnh đi bộ hoặc đứng thẳng và thông thường, sẽ thuyên giảm nếu chúng ta ngồi xuống hoặc cúi người về phía trước ở thắt lưng, chẳng hạn như khi khom người đẩy xe hàng ở siêu thị.
3.Có xét nghiệm nào cho bệnh hẹp ống sống không?
Câu trả lời là “có”. Các phương pháp chẩn đoánh hình ảnh như chụp X-quang, MRI hoặc CT, có thể cho thấy những bất thường ở lưng. Các xét nghiệm này cho biết ta có bị gai đốt sống hoặc những biến đổi khác gây hẹp ống sống hay không.
Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng chỉ định "đo điện cơ" hoặc "đo tốc độ dẫn truyền thần kinh". Các phương pháp này cho phép đánh giá khả năng dẫn truyền tín hiệu điện qua các dây thần kinh xuất phát từ cột sống và sự dẫn truyền từ cột sống đến các cơ.
4.Trường hợp nào nên gặp bác sĩ ?
Hãy đi thăm khám bác sĩ nếu bạn có các biểu hiện:
- Đau lưng hoặc chân nghiêm trọng đến mức bạn không thể tìm được tư thế thoải mái
- Đau lưng hoặc chân, kèm triệu chứng mới - rối loạn đại tiện, tiểu tiện.
- Đau lưng hoặc chân, kèm triệu chứng mới - tê hoặc yếu chân
- Dấu hiệu “bàn chân đổ”, khó khăn khi nhấc bàn chân lên, chẳng hạn như khi đang đi bộ
- Đau lưng hoặc chân kèm theo sốt hoặc các triệu chứng khác khiến bạn lo lắng.
5.Điều trị hẹp ống sống như thế nào?
Một số ít người cần phải phẫu thuật để điều trị chứng hẹp ống sống. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ cải thiện triệu chứng với các phương pháp điều trị đơn giản, chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau mà bạn có thể tự mua mà không cần đơn thuốc Nếu những loại thuốc này không hiệu quả, bác sĩ và y tá có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Thuốc làm giãn cơ (gọi là thuốc giãn cơ)
- Tiêm thuốc làm tê lưng hoặc giảm viêm
- Vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập đặc biệt và kéo căng để cải thiện sức lực và độ dẻo dai của bạn
- Nắn cột sống, là khi các nhà vật lý trị liệu hoặc chuyên gia nắn khớp thực hiện các thao tác di chuyển hoặc "điều chỉnh" các khớp ở lưng của bạn
- Châm cứu, là khi các thầy thuốc y học cổ truyền đưa những chiếc kim cực nhỏ vào cơ thể bạn để chặn tín hiệu đau.
- Mát xa
6.Làm thế nào để biết liệu phẫu thuật là chỉ định phù hợp đối với tôi?
Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu phẫu thuật có thể cải thiện tình trạng của bạn hay không. Bạn và bác sĩ có thể cùng nhau thảo luận để quyết định xem phẫu thuật có phù hợp với mình không. Phẫu thuật có thể giúp làm giảm các triệu chứng, nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết. Mọi người thường có thể tìm được cách để đối phó với các triệu chứng của họ mà không cần đến phẫu thuật.
Phẫu thuật để điều trị chứng hẹp ống sống bao gồm việc bộc lộ cột sống và cắt bỏ các mảnh xương chèn ép tủy sống hoặc các dây thần kinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cho những bệnh nhân bị hẹp ống sống cũng sẽ quyết định ghép 2 đốt sống lại với nhau. Đây được gọi là thủ thuật làm cứng đốt sống. Thủ thuật này thường chỉ thích hợp cho những người bị hẹp ống sống kèm tình trạng "trượt đốt sống", nghĩa là khi 2 đốt sống không còn thẳng hàng với nhau. Làm cứng đốt sống có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn và thời gian hồi phục lâu hơn so với phẫu thuật thông thường.
Nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật để điều trị chứng hẹp ống sống, hãy hỏi về các vấn đề sau:
● Khả năng phẫu thuật đó sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của tôi như thế nào?
● Hồi phục sau phẫu thuật như thế nào?
● Những rủi ro của phẫu thuật là gì?
● Điều gì sẽ xảy ra khi tôi không phẫu thuật?
7.Tôi có thể tự làm gì để cảm thấy tốt hơn không?
Câu trả lời là “có”. Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cải thiện tình trạng này hơn là duy trì hoạt động tích cực nhất có thể.
Ngay cả khi bạn bị đau hoặc khó chịu, bạn cũng không nên nằm trên giường hoặc nghỉ ngơi quá lâu.
Nhiều người từng nghĩ rằng nghỉ ngơi là phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng đau lưng. Nhưng sự thật là nghỉ ngơi trên giường thực sự có thể làm cho các vấn đề ở lưng tồi tệ hơn. Đó là bởi vì lưng có thể bị yếu và cứng khi nghỉ ngơi quá nhiều.
Hãy tìm các hoạt động thể chất mà bạn thích. Nếu bạn đã không hoạt động trong một thời gian, hãy bắt đầu bằng cách hoạt động vài phút và lặp lại vài lần như vậy mỗi tuần. Sau đó từ từ hoạt động nhiều hơn. Ngoài ra, hãy hỏi thêm bác sĩ của bạn về bất kỳ hoạt động nào bạn không nên làm, chẳng hạn như cúi hoặc nâng đồ vật.
BS. Trương Văn Trí dịch
Nguồn: Patient education: Spinal stenosis (The Basics), Uptodate® 2022.