Đau lưng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật trên toàn thế giới. Mọi người có thể thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa hoặc giảm đau lưng nếu biết được nguyên nhân đau thắt lưng. Vậy các nguyên nhân đau lưng thường gặp là gì? Đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm về nguyên nhân của đau lưng.
1. Đặc điểm của đau lưng
Vùng lưng được coi như bản lề của cột sống, là nơi chịu tác động bởi mọi tư thế vận động, mang vác, xoay chuyển hay đi lại bình thường. Vì thế vùng lưng cũng thường xuyên bị đau, có thể là cơn đau cấp do chịu lực tác động mạnh và đột ngột hoặc kéo dài. Ngoài ra, đau ở vùng lưng kéo dài còn do các bệnh lý khác gây ra.
Đau lưng là triệu chứng bệnh khá phổ biến xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Những cơn đau lưng có thể không làm ảnh hưởng đến tính mạng, hầu hết chúng sẽ tự khỏi sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi những cơn đau này kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì có thể báo hiệu bạn đang gặp phải một số bệnh nguy hiểm. Tùy vào vị trí đau lưng thì sẽ có biểu hiện và triệu chứng bệnh khác nhau.
Đau lưng cấp có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi và phổ biến nhất là độ tuổi từ 30 - 60. Hiện nay đau lưng cấp ngày càng có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều bạn trẻ và thậm chí thanh thiếu niên đã thường xuyên gặp phải tình trạng này.
Ngoài ra, bị đau ở lưng còn có thể là do hội chứng đau xương khu trú thường gặp. Triệu chứng này thường rất phổ biến (gặp ở 65 - 80% người trưởng thành) song người bệnh chỉ bị theo từng đợt, khoảng một vài lần trong đời. Có 10% bệnh nhân bị hội chứng đau xương khu trú và biến chứng thành đau lưng cấp tính.
Nhìn chung đau ở lưng thường sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng song ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, cuộc sống của người bệnh, khiến họ luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau đớn. Có lẽ không ít bạn đọc cảm nhận được sức ảnh hưởng to lớn của bệnh đến cuộc sống và sinh hoạt như thế nào. Khi cơn đau khởi phát, gần như mọi vận động hàng ngày từ đi lại, làm việc, bê vác, sinh hoạt sẽ đều bị hạn chế.
Cơn đau ở vùng lưng cấp tính diễn ra ít thường xuyên có thể người bệnh không để ý và song với bệnh nhân đau lưng mạn tính thì đây thực sự là vấn đề lớn. Để tránh đau nhức, người bệnh cần phải di chuyển chậm chạp, cẩn thận, không thể thực hiện nhiều công việc nặng.
Đau ở lưng vào ban đêm thường dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, lâu dài khiến tinh thần mệt mỏi, trí nhớ kém, mất tập trung. Nó còn gây ảnh hưởng lâu dài tới tinh thần, một số nghiên cứu chỉ ra người bệnh đau lưng mạn tính có nguy cơ trầm cảm cao gấp 4 lần người bình thường và nhất là khi cơn đau diễn ra thường xuyên.
Chứng bệnh đau lưng còn làm ảnh hưởng không ít đến đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng. Các tư thế quan hệ tình dục thường tác động rất lớn đến vùng cột sống này, khiến cơn đau càng nặng nề hơn. Vì thế mà khi người vợ hoặc chồng bị đau ở lưng thường có xu hướng né tránh sinh hoạt vợ chồng, giảm sự gắn kết và gần gũi giữa cả hai.
Một điều nguy hiểm đó là hầu hết bệnh nhân bị đau lưng thường sẽ chủ quan trong thăm khám và điều trị bệnh. Nhất là khi cơn đau xảy ra theo từng đợt với tần suất không nhiều. Khi các cơn đau ở lưng xảy ra thường xuyên, khiến cho cuộc sống bệnh nhân đảo lộn mới đi thăm khám thì rất có thể bệnh đã gây ra biến chứng. Những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp gồm có: yếu liệt các cơ chi dưới, mất khả năng vận động, tê bì hoặc mất cảm giác 2 chân, hệ thần kinh chi dưới bị chèn ép gây ra rối loạn tiểu tiện,...
2. Các nguyên nhân gây đau lưng thường gặp
Nguyên nhân đau lưng có thể do thói quen xấu gây tác động tổn thương cơ xương đốt sống hoặc do bệnh lý. Đa phần các trường hợp đau lưng thường do bệnh lý nặng hơn, biến chứng phức tạp hơn. Tuy nhiên nếu không sớm thay đổi các thói quen xấu hàng ngày thì các đốt sống sẽ dần bị tổn thương, biến dạng ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này.
2.1. Do thói quen sinh hoạt
Nguyên nhân này chiếm hầu hết các trường hợp ở người trẻ bị đau ở lưng và tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng.
Ngồi quá nhiều
Người trẻ tuổi thường xuyên dành thời gian ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, tivi hoặc làm việc văn phòng yêu cầu ngồi lâu một tư thế gây ra những cơn đau vùng lưng dai dẳng. Khi ngồi lâu một tư thế, trọng lượng cơ thể sẽ dồn lực vào mông, hông, cột sống phải đảm nhiệm nhiệm vụ chống đỡ nhiều hơn để lưng được thẳng.
Nếu tư thế ngồi không thẳng hoặc ngồi nhiều kéo dài thì lưng sẽ bị quá tải và kết quả là những cơn đau nhức vùng cột sống thắt lưng.
Ngủ sai tư thế
Đau lưng liên quan đến giấc ngủ không? Câu trả lời là có bởi không ít người luôn có thói quen ngủ co quắp, đầu không thẳng với cổ, nằm úp bụng hoặc cuộn tròn. Tư thế ngủ này rất không tốt, nó khiến tăng áp lực lên cột sống và gây ra đau lưng cấp tính. Nếu thói quen này kéo dài, nó sẽ dẫn đến đau mạn tính.
Chấn thương
Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao hoặc yêu cầu công việc phải cúi nhiều, bê vác vật nặng,... cũng có thể là nguyên nhân gây đau lưng từ cấp tính tới mạn tính.
2.2. Do bệnh lý
Dưới đây là một số bệnh lý có thể là nguyên nhân của đau lưng:
- Thoát vị đĩa đệm: Khi có một tác động mạnh vào vùng cột sống khiến cho nhân nhầy của đĩa đệm bị rách và thoát ra ngoài và chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh dẫn đến những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng lưng. Những cơn đau lưng này càng tăng khi người bệnh vận động quá sức, ho và hắt hơi.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Bệnh thường sẽ xảy ra ở vị trí các sụn khớp và đĩa đệm làm cho người bệnh thường xuyên bị đau lưng liên tục, các cơn đau cũng tăng dần lên mỗi khi bệnh nhân cúi người hoặc bê nhấc đồ.
- Gai cột sống chính là biểu hiện đặc trưng của chứng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Khi vùng cột sống mọc ra gai xương cọ sát với những vùng xung quanh sẽ dẫn đến cảm giác đau vùng lưng, khó chịu mỗi khi người bệnh di chuyển. Những cơn đau có thể lây ra các vùng khác xung quanh theo dọc phần cột sống lưng.
- Đau dây thần kinh tọa: là do dây thần kinh tọa chạy dọc từ tủy sống xuống dưới phần hông ra phía sau của bàn chân. Triệu chứng phổ biến của bệnh này chính là những cơn đau vùng lưng là dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
- Hẹp ống sống thắt lưng: Khi các dây chằng của cột sống bị thoái hóa sẽ khiến cho chúng dày lên và khiến cho lòng ống sống bị hẹp lại và dẫn đến các cơn đau ở vùng thắt lưng và lan xuống phía dưới.
Ngoài ra, đau lưng còn biểu hiện ở một số bệnh lý khác và các bệnh lý này sẽ phụ thuộc vào từng vị trí đau ở lưng như:
- Đau lưng bên trái kèm theo biểu hiện đi tiểu nhiều lần, sốt, ớn lạnh và buồn nôn,.. có thể là biểu hiện của một số bệnh về thần kinh liên sườn bên trái, bệnh phổi, bệnh thận và bệnh tim...
- Đau lưng phía bên phải: Những cơn đau vùng lưng ở phía bên phải chính là triệu chứng của bệnh lý liên quan đến rối loạn sacroiliac hoặc cơ thể đang bị nhiễm khuẩn.
- Đau lưng ở giữa: Có khả năng là biểu hiện của những bệnh lý như viêm khớp, loãng xương hoặc cong vẹo cột sống.
Khi thấy những cơn đau lưng kéo dài, bạn cần phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.