Viêm loét dạ dày là căn bệnh khá phổ biến ở người Việt. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó có sự tồn tại của Helicobacter Pylori (HP) trong niêm mạc dạ dày - tá tràng.
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là căn bệnh thường gặp, người bệnh viêm loét dạ dày thường có triệu chứng đau vùng thượng vị (trên rốn), cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số triệu chứng như ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn, khó tiêu, táo bón,...
2. Vi khuẩn HP - nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày
Một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày là do vi khuẩn HP. Ngoài ra, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Sử dụng rượu bia, thuốc lá; lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm; ăn nhiều thực phẩm cay, chua; chế độ sinh hoạt không khoa học, căng thẳng thần kinh,... Hầu hết các trường hợp loét dạ dày do vi khuẩn HP đều có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.
Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori, là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, có thể tồn tại trong môi trường của axit dạ dày. Loại vi khuẩn này tiết ra một enzyme có tên là Urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày. Vi khuẩn HP có thể sinh sống và phát triển ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nó có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển trong khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nổi bật nào.
Bên cạnh đó, vi khuẩn Helicobacter Pylori còn có thể gây ra những tổn thương khác như loét dạ dày, tá tràng. Trong số ít trường hợp bệnh có thể tiến triển thành ung thư dạ dày, u lympho hoặc vết loét gây thủng dạ dày. Những tổn thương trong dạ dày tiến triển chậm trong nhiều năm, đôi khi lên tới 30 năm kể từ khi triệu chứng ban đầu xuất hiện. Ngoài ra, nhiễm HP còn có liên quan tới các bệnh như thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay gia tăng nguy cơ bị dị ứng,...
3. Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân chính gây ra hầu hết các ca bệnh viêm loét dạ dày bởi nó có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Những con đường lây nhiễm của HP dạ dày là:
- Đường miệng - miệng: Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh. Do đó, chúng có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung chén đũa, hôn trực tiếp, mẹ mớm đồ ăn cho con.
- Đường phân - miệng: Vi khuẩn HP được đào thải qua phân người bệnh nên sẽ bị lây nhiễm qua tay bệnh nhân (nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh) hoặc nhiễm vi khuẩn qua các con vật trung gian như ruồi, gián, chuột,...
- Đường dạ dày - miệng: Người có vi khuẩn H.P trong dạ dày khi bị trào ngược hoặc ợ chua sẽ đẩy vi khuẩn lên miệng cùng với dịch dạ dày. Khi ăn chung, uống chung với người bệnh hoặc khi khám nha khoa nhưng không được tiệt trùng kỹ, vi khuẩn HP dễ lây sang người khỏe mạnh.
- Đường dạ dày - dạ dày: Lây nhiễm trong quá trình người bệnh làm nội soi dạ dày ở các cơ sở y tế không uy tín. Khi nội soi dạ dày, nếu đầu dò không được tiệt trùng đúng cách thì vi khuẩn H.P có thể lây từ người bệnh sang người lành.
4. Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP
Phương pháp xét nghiệm để phát hiện vi khuẩn HP:
- Phương pháp xâm lấn: Bệnh nhân sẽ được lấy 1 mẫu mô sinh thiết qua nội soi dạ dày tá tràng để kiểm tra bằng test ure nhanh, mô bệnh học, hoặc nuôi cấy. Nội soi đường tiêu hóa trên này thường cần thiết cho các bệnh nhân có các triệu chứng báo động (sụt cân, thiếu máu, chán ăn,...).
- Phương pháp không xâm lấn: Bệnh nhân không cần phải nội soi dạ dày tá tràng, việc tìm HP được thực hiện nhờ xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm hơi thở.
Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng vi khuẩn HP tuy nhiên độ chính xác không cao nên không được khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán nhiễm HP.
5. Điều trị vi khuẩn H.P
Hội tiêu hóa Việt Nam khuyến cáo:
- Điều trị diệt trừ HP ở bệnh nhân nhiễm H.P trong các trường hợp: Viêm loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng, ung thư dạ dày đã được điều trị nội soi hoặc phẫu thuật, thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Điều trị dự phòng ung thư dạ dày cho người nhiễm H.P trong các trường hợp: Có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, khối u dạ dày dạng polyp, viêm teo niêm mạc dạ dày, sử dụng NSAIDs, aspirin kéo dài hoặc mong muốn tiệt trừ H.P.
6. Phòng ngừa viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP như thế nào?
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, các gia đình cần chú ý thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn sau:
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, hạn chế gắp thức ăn cho nhau.
- Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì các dụng cụ ăn uống thường không được vệ sinh sạch sẽ.
- Nên diệt trừ ruồi, muỗi, gián, chuột; giữ gìn vệ sinh chén đũa sạch sẽ, ngâm các dụng cụ ăn uống trong gia đình trong nước sôi.
- Không hôn trẻ, mớm đồ ăn cho trẻ.
- Không nên trộn đồ ăn cho trẻ nhỏ bằng đũa của mình.
- Các vật nuôi như chó, mèo cũng là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori nên bạn cần vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng.
- Hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi hay thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc vì các loại thực phẩm này thường không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có nhiễm khuẩn HP.
Vi khuẩn HP chính là nguyên nhân nghiêm trọng gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, nếu muốn phòng bệnh hiệu quả thì chúng ta cần phải kiểm soát con đường lây nhiễm loại vi khuẩn này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.